Ông Đinh La Thăng vừa bị khởi tố để điều tra vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có hành vi chỉ định thầu trái pháp luật. Việc chỉ định thầu sau này còn được tiến hành khá rộng rãi ở các công trình BOT giao thông.
Vi phạm trong chỉ định thầu
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư các dự án Nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên thì PVN đã đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng vào 3 dự án.
Đó là nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB), dự án ethanol Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung - PCB) và dự án ethanol Bình Phước (chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông - OBF).
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ và dự án Dung Quất đã có những vi phạm.
Cụ thể, việc chỉ định các liên danh thực hiện gói thầu có năng lực hạn chế, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến thi công dự án chậm tiến độ, gây hậu quả cho chủ đầu tư.
Đặc biệt, nhà thầu PVC đã dừng thi công dự án Phú Thọ gần 5 năm, vi phạm hợp đồng EPC gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong giai đoạn xây dựng. Ảnh PVN.
Bên cạnh đó, trong vụ án mở rộng điều tra sai phạm tại các đơn vị thuộc PVN, cơ quan điều tra cho rằng ông Đinh La Thăng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do PVN chỉ định cho PVC thực hiện. Trong đó có sai phạm chỉ định thầu hầu hết các hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Thời điểm năm 2011 – 2013, PVC được tập đoàn mẹ giao làm nhà thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư gần 34.300 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD).
Sai phạm ở chỗ dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC và hợp đồng EPC chưa được ký, nhưng PVN đã chuyển 8,2 triệu USD và gần 1.320 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án này. PVC được tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, số tiền này không dùng vào việc thực hiện dự án mà được chi vào những mục đích trả nợ khác.
100% BOT giao thông chỉ định thầu
Giai đoạn ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT cũng là thời gian “nở rộ” các dự án BOT giao thông. Người dân được hưởng lợi từ rất nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra những vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện hình thức đầu tư này dẫn đến những bất cập nhất định mà đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Dự án BOT Cai Lậy đến nay vẫn phải tạm dừng thu phí do người dân phản đối vị trí đặt trạm BOT. Ảnh VNE.
Theo đó, việc thực hiện các dự án BT, BOT giao thông chưa thực hiện đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng 1 hàng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT vào tháng 1 hàng năm theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP.
Những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố chưa toàn diện, rộng rãi kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế; hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia hoặc nhà đầu tư bị hạn chế thông tin và thời gian cần thiết cho việc tiếp cận, nghiên cứu dự án để quyết định việc tham gia đầu tư.
Thực tế khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu.
Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới dù chưa đi vào thu phí cũng đã bị người dân phản đối vì đặt trạm thu phí trên đường QL3 cũ. Ảnh VNE.
100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực, dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, có những dự án BOT giao thông nhà đầu tư được chỉ định thầu chính là đơn vị đã đề xuất thực hiện dự án đó. Để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đã chấp thuận cho nhà đầu tư đặt trạm thu phí ở vị trí bất hợp lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.