Trưa nay, trao đổi qua điện thoại với PV Dân Việt, một cán bộ lãnh đạo của Cơ quan tố tụng đã xác nhận thông tin ông Trần Bắc Hà đã tử vong.
Ông Trần Bắc Hà khi còn đương chức. Ảnh: BIDV
Vị cán bộ này cho biết, hiện đại diện của các cơ quan chức năng đang có mặt để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật. Ông Trần Bắc Hà từng bị bệnh và phải ra nước ngoài chữa trị nhiều lần.
Trước đó vào ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).
Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Trần Bắc Hà bị bắt tạm giam.
Việc ông Trần Bắc Hà tử vong khiến dư luận đặt câu hỏi về việc vụ án liên quan đến ông này sẽ được xem xét thế nào?
Trao đổi với Dân Việt dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp ông Trần Bắc Hà tử vong cơ quan điều tra sẽ đình chỉ bị can đối với ông này. Còn vụ án liên quan đến ông này vẫn tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, theo luật sư Hòe, ông Trần Bắc Hà là một mắt xích quan trọng của vụ án nên việc ông này tử vong sẽ phần nào ảnh hưởng đến quá trình điều tra, làm rõ của cơ quan chức năng. Việc thu hồi tài sản thất thoát cũng sẽ gặp hạn chế.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho biết bị can Trần Bắc Hà sẽ được đình chỉ bị can theo Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về việc Cơ quan điều tra phải ban hành Quyết định đình chỉ điều tra.
Cụ thể, Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về việc Cơ quan điều tra phải ban hành Quyết định đình chỉ điều tra trong các trường hợp sau:
1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Bên cạnh đó, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự có nêu căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự khi: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác".
"Như vậy, căn cứ khoản 7, Điều 157 và Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan điều tra trong trường hợp này phải ban hành Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Bắc Hà, còn đối với các bị can khác trong vụ án vẫn tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử bình thường khi có đủ căn cứ buộc tội đối với các bị can đó" - luật sư Tuấn Anh cho hay.
Ngày 8/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Cùng ngày, nhà chức trách bổ sung quyết định khởi tố bị can với cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước nữa tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (cuối tháng 6.2018), cơ quan này thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.