Công trình chợ Nghĩa Phương, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa được triển khai xây dựng từ tháng 5.2016 trên vị trí chợ cũ, do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 5 tỷ đồng. Chợ Nghĩa Phương có tổng diện tích gần 4.800 m2, gồm các hạng mục chính như: Nhà lồng được phân thành 32 lô, sạp có diện tích khoảng 4m2/lô, sạp; 20 ki ốt ở phía ngoài mặt tiền và một số hạng mục phụ trợ nhà vệ sinh, mương thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Dù đã hoàn thành hơn nữa năm nhưng chợ Nghĩa Phương vẫn vắng người vào buôn bán
Đến gần giữa năm 2017 khi khu chợ hoàn thành và tổ chức đấu giá đã vấp phải phản ứng từ tiểu thương đang buôn bán tại đây. Lý do mà các tiểu thương đưa ra là khu nhà lồng nằm quá sâu vào phía trong so với cổng ra vào và ki ốt, bất tiện cho việc buôn bán.
Bà K.M một chủ sạp tạp hóa bày tỏ: "Đại đa số các tiểu thương hoạt động tại chợ buôn bán nhỏ lẻ, doanh thu không nhiều, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn...Trong khi đó số tiền thuê trong thời hạn 20 năm đối với ki ốt là 200 triệu đồng/ki ốt và 30 triệu đồng/lô, sạp là quá cao, lại phải nộp 1 lần. Chúng tôi biết lấy đâu ra tiền để nộp". Chính vì lý do nêu trên nên dù chợ mới Nghĩa Phương xây dựng khang trang và hoàn thành hơn nữa năm nay nhưng không có người vào mua bán.
Dãy ki ốt chợ Nghĩa Phương vẫn 'chốt đóng then cài"
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa giải thích: "Do chợ cũ diện tích chật hẹp và nằm ngay sát mặt đường Quốc lộ 1A nên khi xây mới, địa phương mở rộng sâu vào phía trong để tránh tình trạng người mua bán đứng phía ngoài lề đường gây mất ATGT, nguy hiểm".
Tiểu thương chợ Nghĩa Phương vẫn đang buôn bán ở ven lề đường
Về yêu cầu tiền thuê cho tiểu thương được chia ra nộp nhiều lần, theo bà Lan là rất khó. Bởi lẽ quy định sau khi đấu giá trúng, người thuê phải nộp 1 lần; nguồn kinh phí xây là do doanh nghiệp đầu tư chứ không phải là ngân sách.
Vì vậy nếu huyện cho nộp phép nộp nhiều lần sẽ vi phạm quy định. Khi đã vào buôn bán, các tiểu thương đưa ra các lý do như kinh doanh ế, lỗ... không chịu nộp số tiền còn lại thì chính quyền địa phương khó mà xử lý được.
"Trong thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ họp và bàn bạc tìm hướng xử lý phù hợp, phấn đấu đưa chợ vào hoạt động trước tết cổ truyền 2018 sắp đến" - bà Lan cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.