Như Dân Việt đã thông tin, ở huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện tình trạng "phù phép" đất rừng phòng hộ thành đất trồng cây lâu năm.
Theo chân người dân đến những địa điểm rừng phòng hộ bị lấn chiếm, bị xẻ thịt làm đường vào khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự vi phạm một cách ngang nhiên, trắng trợn như chỗ không người.
Rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” làm đường giao thông
Chỉ có 400m2 đất ở nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hiệu ở thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến được UBND huyện Cô Tô cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới 16.171,5m2 đất, trong đó có 12.145,5m2 đất trồng cây lâu năm. Trên diện tích đất này hiện đã mọc lên khu du lịch sinh thái có tên Bungalow Cô Tô Village.
Theo quan sát của phóng viên, trên diện tích đất “trồng cây lâu năm” và đất bãi triều ven biển, là hệ thống các công trình phục vụ du lịch. Để mở đường đi vào khu du lịch này, người ta đã xẻ đôi một quả núi mà ngay phía trước đó không xa là một tấm biển lớn được cắm sừng sững “Rừng phòng hộ”.
Sau tấm bảng Rừng phòng hộ này là con đường dẫn vào khu sinh thái
Cũng trên cánh rừng này, một quả đồi khác, một vạt rừng phòng hộ cũng đã bị “xẻ thịt” để làm đường đi vào khu du lịch nghỉ dưỡng Thủy Hoàng Coto. Qua tìm hiểu, PV Dân Việt được người dân cho biết khu đất này là của gia đình ông Nguyễn Cao Trượng (thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.395m2 đất.
Hiện gia đình ông Trượng đã chuyển nhượng cho ông Thủy Hoàng để làm khu nhà nghỉ Thủy Hoàng. Không khó để nhận thấy khu nhà nghỉ này phía trước giáp bãi triều ven biển, còn xung quanh là rừng phòng hộ, trong đó có một vạt rừng đã bị phá để làm đường vào khu nghỉ dưỡng.
Ngang nhiên cấp đất vào đất rừng phòng hộ
Nếu như các hộ kể trên có một phần nhỏ diện tích đất ở từ trước, sau đó được chính quyền cho “hợp thức hóa” hành vi lấn chiếm rừng phòng hộ, biến đất rừng phòng hộ thành đất trồng cây lâu năm gắn với đất ở, thì ở khu vực đường Tình Yêu (thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến), người ta lại ngang nhiên cấp đất “trồng cây lâu năm” vào ngay đất rừng phòng hộ.
Mấy cây chuối vừa được trồng để "hợp thức hóa" đất trồng cây lâu năm
Theo chỉ dẫn của người dân, PV Dân Việt đã ghi lại hình ảnh một vườn chuối vừa được trồng xen lẫn trong rừng phi lao chắn sóng. Đây là khu đất có diện tích 861m2, vừa được cấp tháng 1/2019 cho gia đình ông Nguyễn Văn Hà, bà Phạm Thị Thái ở thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, thời hạn sử dụng đất đến năm 2064. Để “biến” đất rừng thành đất trồng cây lâu năm, gia đình này đã cho trồng một vườn chuối để hợp thức hóa.
Một người dân cho chúng tôi biết, cách đây 30 năm, khi còn học phổ thông, các anh được huy động để trồng rừng tại khu vực này. Những cây phi lao to lớn, khoảng một người ôm có tuổi trồng 30 năm là do các anh trồng hiện vẫn tồn tại như một minh chứng cho việc cấp đất trái phép của chính quyền địa phương.
Hài hước hơn nữa, giáp khu đất hiện được coi là “đất trồng cây lâu năm” là sự hiện diện sừng sững của tấm biển lớn “Rừng phòng hộ/ Cấm chặt phá cây/ Cấm mọi hình thức vi phạm...”
Khu nhà nghỉ dưỡng được mọc lên trên đất trồng cây lâu năm
Với những tài liệu, hình ảnh đã thu thập được, PV Dân Việt đã xuất trình Thẻ nhà báo, liên hệ với UBND huyện Cô Tô để làm rõ những nội dung phản ánh của người dân nhưng đã bị từ chối tiếp và yêu cầu phải có giấy giới thiệu của Báo.
Sau khi chúng tôi đã thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn, gửi yêu cầu cụ thể, chi tiết, đề nghị được cung cấp hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nói trên gửi tới Văn phòng UBND huyện Cô Tô nhưng đã hơn một tháng trôi qua, chúng tôi chưa nhận được thông tin bố trí lịch làm việc từ phía UBND huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.