Đổ đất lấp khe suối, ảnh hưởng hoa màu
Ba năm nay, người dân khu phố 1, phường 4 (TP.Đông Hà, Quảng Trị) bức xúc vì bị mất trắng nhiều diện tích đất trồng hoa màu – cần câu cơm duy nhất của họ.
Khu vực trước đây là đất sản xuất hoa màu của dân nay đã bị đất nguyên liệu đóng gạch của Công ty Minh Hưng sạt lở, lấp đầy khiến người dân không sản xuất được. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Nguyễn Văn Tý (59 tuổi, trú khu phố 1, phường 4, TP.Đông Hà) cho biết, từ năm 2000 gia đình ông đã bỏ nhiều công sức khai hoang 10.000m2 diện tích đất sát mép suối ở đồi Quai Vạc (gọi là suối Quai Vạc) để trồng rau màu (chủ yếu là rau diếp cá).
Suối Quai Vạc có bề rộng khoảng 2 - 3 mét chạy dài từ những cánh rừng ra cầu Bà Hai, đổ ra sông Hiếu, là ranh giới tự nhiên giữa xã Cam Hiếu (Cam Lộ) với phường 4 (TP. Đông Hà).
Tuy nhiên, năm 2015, Công ty Minh Hưng đã đổ đất nguyên liệu đóng gạch ở khu vực xã Cam Hiếu thành ngọn núi cao, gần mép suối. Đến mùa mưa, (khoảng tháng 9.2015), đất nguyên liệu đóng gạch từ ngọn núi cao bị nhão ra, sạt lở xuống lấp suối Quai Vạc. Hàng ngàn m2 hoa màu đang tốt tươi của người dân khu phố 1, phường 4 (TP. Đông Hà) cũng bị chôn vùi.
Diện tích đất không bị lấp người dân vẫn trồng hoa màu, chủ yếu là rau diếp cá. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo trình bày của ông Tý, có năm hộ dân bị mất đất sau vụ sạt lở, diện tích chưa đo đếm cụ thể nhưng ước chừng khoảng vài ngàn mét vuông. Chỉ riêng gia đình ông Tý bị chôn lấp khoảng 2.500m2 (5 sào) đất.
Ông Nguyễn Văn Hành – một người dân có diện tích đất bị sạt lở cho biết, những hộ bị thiệt hại là công nhân về hưu, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào trồng rau diếp cá, nay bị mất đất khiến cuộc sống họ khó khăn.
“Tuy diện tích trên chúng tôi chưa có sổ đỏ nhưng đã sử dụng nhiều năm, không tranh chấp hay bị chính quyền địa phương ngăn cấm, và quan trọng đó là nguồn thu nhập chính của chúng tôi” – ông Hành nói.
Ông Hành còn cho hay, vụ sạt lở đất đã lấp suối Quai Vạc, khi mưa nước không thoát được gây ngập úng nhiều diện tích trồng hoa màu còn lại của người dân.
Tại bản kê khai thiệt hại yêu cầu đền bù lập tháng 10.2017, năm hộ dân yêu cầu Cty Minh Hưng đền bù sơ bộ hơn 800 triệu đồng trên diện tích 3.500m2 đất bị lấp, ngập úng không sản xuất được.
Theo giải thích của các hộ dân, 1m2 đất trồng rau diếp cá cho họ thu nhập khoảng 25 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, họ chấp nhận thiệt thòi, chịu khoản đền bù 9 ngàn đồng/m2/tháng x (nhân) 3.500 m2 x 26 tháng = 819 triệu đồng.
Công ty không chịu hỗ trợ vì giá cao?
Bức xúc trước việc làm của Công ty Minh Hưng, những hộ dân bị thiệt hại đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền đề nghị được giải quyết và đã được chính quyền vào cuộc tích cực.
Ông Nguyễn Văn Tý - người đại diện cho 5 hộ dân bị thiệt hại trưng ra những văn bản mà chính quyền đã yêu cầu Công ty Minh Hưng hỗ trợ thiệt hại cho dân. Ảnh: Ngọc Vũ
Tại biên bản làm việc ngày 17.11.2017 giữa Phòng TNMT TP. Đông Hà, Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TNMT, UBND phường 4, các hộ dân bị thiệt hại với Công ty Minh Hưng, xác định phần đất làm nguyên liệu Công ty Minh Hưng tập kết tại xã Cam Hiếu (Cam Lộ) đã đổ tràn sang phường 4 (TP. Đông Hà) gây ảnh hưởng đến hoa màu của nhân dân.
Phía Công ty cam kết, xúc toàn bộ đất nguyên liệu, trả lại hiện trạng mặt bằng trước ngày 30.6.2018; nạo vét, khơi thông dòng chảy ở suối Quai Vạc đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu của nhân dân trước ngày 30.11.2017.
Công ty Minh Hưng còn cam kết sẽ thỏa thuận với các hộ bị thiệt hại để có sự hỗ trợ về hoa màu trước ngày 30.12.2017, tuy nhiên đến nay Công ty Minh Hưng vẫn chưa thực hiện.
Báo cáo của Sở TNMT tỉnh Quảng Trị gửi đến UBND tỉnh này về việc Công ty Minh Hưng không chủ động làm việc để thống nhất hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân trồng hoa màu bị ảnh hưởng. Ảnh: Ngọc Vũ
Trước thực trạng trên, ngày 18.1.2018, Sở TNMT Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này nêu rõ, từ khi UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Công ty Minh Hưng phải xem xét, giải quyết kiến nghị nêu trên của người dân, Sở đã hai lần làm việc với Công ty, đã gửi văn bản yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa chủ động làm việc để thống nhất với các hộ bị ảnh hưởng về việc hỗ trợ thiệt hại.
Trả lời PV Dân Việt về lý do chưa hỗ trợ thiệt hại cho dân, ông Lê Đình Sung – Tổng Giám đốc Công ty Minh Hưng cho biết, vì các hộ bị thiệt hại yêu cầu mức hỗ trợ quá cao nên Công ty không thể chấp nhận.
Ông Sung lý giải thêm, năm 1978, Công ty xi măng Đông Hà đã bồi thường để giải tỏa vùng đất nêu trên, sau đó trồng cây tạo cảnh quan môi trường. Đến năm 2012, Công ty xi măng Đông Hà thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Minh Hưng cho tới nay, vì vậy Công ty Minh Hưng được thừa hưởng những gì Công tyxi măng Đông Hà để lại.
Tuy vậy, ông Sung cũng thừa nhận, diện tích đất người dân trồng rau bị lấp hiện nay không thuộc quyền sử dụng, quản lý của Công ty Minh Hưng.
Trong khi đó, các hộ dân cho rằng, nếu Công ty Minh Hưng sớm giải quyết thì số tiền họ đòi đền bù sẽ không nhiều như nêu trên.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sớm giải quyết khúc mắc giữa các hộ dân bị thiệt hại với Công ty Minh Hưng một cách hợp lý, hợp tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.