Tàu tiền tỷ bị “giam lỏng”
Hai tháng nay, ông Nguyễn Hữu Nam (SN 1965, thôn Nam Sơn, Trung Giang, Gio Linh) sốt cả ruột gan vì con tàu 67 của mình không thể ra khơi.
Ông Nam mếu máo cho biết, được ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Trị cho vay vốn, năm 2016 ông đã đóng tàu vỏ thép 829 CV trị giá trên 20 tỷ đồng. Đầu năm 2017, con tàu hoàn thành, đưa vào sử dụng nghề lưới vây rút.
Mùa biển từ tháng 2 đến tháng 9, ông Nam vươn khơi 7 chuyến nhưng chưa lời lãi bao nhiêu vì năm nay mất mùa cá và còn bỡ ngỡ với tàu vỏ thép. Hết tháng 9, ông Nam cho tàu vào cửa biển Cửa Việt (Gio Linh) để công ty đóng tàu duy tu, bảo dưỡng.
Ông Nam và ông Sơn hàng ngày lên xuống nhìn con tàu 67 của mình bị mắc kẹt trong bờ không thể vươn khơi mà lòng đau nhói. Ảnh: Ngọc Vũ
Tháng 2 (nhằm tháng 12 âm lịch), bảo dưỡng tàu xong xuôi, ông Nam cùng 2 chủ tàu khác là Trần Việt Hùng và Hồ Văn Hoàn (cùng trú thôn Bắc Sơn, Trung Giang, Gio Linh) chạy tàu về biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) neo đậu gần nhà để yên tâm ăn Tết Nguyên đán.
Ăn Tết xong, cả 3 chủ tàu chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, 18 thuyền viên trên mỗi con tàu đều hứng khởi sẵn sàng ra khơi. Không ngờ, khi tàu vừa ra tới cửa biển Cửa Tùng thì suýt bị mắc cạn nên phải quay đầu neo đậu cho đến nay.
Ba con tàu 67 của ông Hùng, Nam, Hoàn trị giá 60 tỷ đồng bị giam lỏng trong bờ nhiều tháng nay vì luồng lạch Cửa Tùng bị bồi lấp, quá cạn. Ảnh: Ngọc Vũ
“Trước Tết Nguyên đán, công ty TNHH Ngọc Tuấn mới nạo vét luồng nên tàu chúng tôi có thể vượt qua cửa biển Cửa Tùng nhưng không ngờ sau Tết cửa biển đã bị bồi lấp nhanh đến vậy. Hiện nay, cửa biển cạn chỉ còn 1,5 mét, trong khi tàu chúng tôi có mớn nước 2,3 mét nên không thể ra khơi” – ông Nam nói.
Cảng Cửa Tùng có rất nhiều bãi cạn như thế này khiến tàu thuyền khó di chuyển. Ảnh: Ngọc Vũ
Cùng cảnh ngộ, ông Trần Việt Hùng, chủ tàu vỏ thép số hiệu QT 95789 TS, 829 CV, trị giá gần 20 tỷ đồng buồn bã cho biết, năm 2016 khi tàu ông vừa đóng xong tàu thì gặp sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Năm 2017 mất mùa biển chung. Ông Hùng mong chờ năm 2018 nhưng cửa biển cạn, tàu bị giam lỏng chưa biết đến bao giờ mới thoát ra được.
“Tàu không thể ra khơi dẫn đến kinh tế khó khăn, nợ ngân hàng không trả được rồi nãy sinh lục đục, vợ con cằn nhằn, đau khổ lắm. Hiện nay, dù tàu không thể ra khơi nhưng hàng tháng tôi phải trả 4 triệu đồng cho mỗi thuyền viên để nuôi quân. Với tình trạng như thế này không biết tôi cầm cự được bao lâu” – ông Hùng nói.
Cần cơ chế ưu đãi xã hội hóa
Ông Lê Văn Sơn – Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Trị cho hay, đứng trước tình trạng luồng lạch Cửa Tùng bị bồi lấp nghiêm trọng, năm 2017 tỉnh này đã quyết định cho Công ty TNHH Ngọc Tuấn Cửa Tùng nạo vét theo hình thức xã hội hóa.
Những bãi cát nỗi như thế này xuất hiện dày đặc ở Cửa Tùng. Ảnh: Ngọc Vũ
“Khi công ty Ngọc Tuấn nạo vét thì đã thông luồng lạch, tàu lớn có thể ra vào. Thế nhưng, sau một thời gian dài biển động, việc nạo vét bị ngừng thì luồng lạch lại bị bồi lấp nghiêm trọng, cạn còn 1,5 mét. Hiện nay tàu khoảng 90CV trở lên không thể ra vào cửa biển, phải chấp nhận nằm bờ. Tàu nhỏ hơn phải chờ con nước lên mới di chuyển theo hình rắn bò để tránh những cồn cát sát mặt nước có thể làm tàu mắc cạn” – ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, luồng lạch cửa biển cũng như ngôi nhà của chúng ta, nếu quét dọn hàng này thì sạch sẽ nhưng để một năm không quét dọn thì bụi bặm sẽ bám phủ, mất nhiều công sức để quét dọn mới sạch sẽ được.
Tàu nhỏ chỉ khoảng 10CV nhưng phải di chuyển theo hình rắn bò để tránh bãi cát nổi có thể làm tàu mắc cạn. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Hồ Thanh Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tuấn Cửa Tùng cho hay, hàng năm lượng cát bồi lấp tại cửa biển Cửa Tùng khoảng 300.000 m3, nếu nạo vét hết luồng lạch có thể sâu 4,5 mét, rộng 100 mét. Ngân sách nhà nước không có để thực hiện nạo vét nên việc xã hội hóa là rất hợp lý.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nạo vét đang gặp khó khi bán cát để thu hồi vốn nên chưa thật sự mạnh dạn làm. Muốn doanh nghiệp mạnh dạn, nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện như miễn thuế tài nguyên và thuế cấp quyền khai thác khoảng sản…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.