Siêu đô thị 26 năm vẫn chỉ là thôn quê ngay giữa Sài Thành

Hồ Văn - Nam Sơn Thứ tư, ngày 25/07/2018 11:00 AM (GMT+7)
Sau gần ba thập kỷ, siêu dự án Đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) vẫn không khác gì một vùng thôn quê giữa Sài Thành.
Bình luận 0

Đường sá chật chội, đầy ổ gà ổ voi, nắng bụi, mưa ngập. Nhà cửa lụp xụp, che chắn tạm bợ; những khu đất hoang hóa chỉ có cỏ dại và là nơi chăn thả gia súc. Người dân ở đây vẫn sống với mảnh vườn trồng rau, nuôi heo, thả gà và đào ao thả cá… để kiếm cái ăn.

Quá sức chịu đựng của người dân

Dạo một vòng quanh “siêu đô thị” Bình Quới - Thanh Đa, chúng tôi thấy ở đây không khác gì một vùng nông thôn giữa Sài Thành, dù chỉ cách trung tâm TP chưa đầy 6km.

Những con đường nhỏ, ngoằn nghèo đầy ổ gà ổ voi hun hút với cỏ dại, dừa nước ngút tầm mắt. Những khu đất dự định trở thành những khu phố hiện đại vẫn chỉ toàn cỏ dại hoang hóa, hay thành những ao cá, nước tù hôi thối… Nhất là nhà cửa của dân, hầu hết đều lụp xụp hay được che chắn tạm bợ qua mùa mưa nắng.

img

Siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa 26 năm vẫn chỉ là vùng thôn quê giữa Sài Thành. Ảnh Zing.vn.

Ghé nhà ông Quách Văn Huệ (65 tuổi), một người dân cố cựu ở đây, ông than thở khi chúng tôi chưa kịp ngồi: “Quy hoạch gì mà 26 năm rồi đẩy dân vào bước đường cùng, nhà không được xây cất, nên ngập tới đâu cơi nới tới đó. Đất đai thì để hoang hóa vì không được canh tác, chỉ thả gà, vịt, nuôi cá sống qua ngày”.

Ông Huệ cho biết, ông là thế hệ thứ hai thừa hưởng đất đai do cha khai hoang từ thời Pháp thuộc để lại, với gần 1.700 m2. Nay nhà ông cũng đã phát sinh ba hộ khi con cái lớn và lập gia đình, nhưng phải ở chung trong một nhà. “Muốn tách thửa để con cái ra riêng cất nhà ổn định cuộc sống, nhưng không được làm vì vướng quy hoạch. Căn nhà cũ hơn mấy chục năm cứ cơi nới dân theo đầu người, nhiều lúc nhà ngập mà chỉ biết cắn răng chịu đựng không biết phải làm sao” - ông Huệ nói.

Còn bà Trần Kim Phúc (phường 28, quận Bình Thạnh) than vãn, có đất rộng mà muốn trồng trọt cũng không trồng được, thành ra dân giờ khổ lắm. Từ khi quy hoạch đến giờ, đất đai để không, chỉ nuôi con gà, vịt, con heo tăng gia sản xuất… “Chú thử nghĩ xem, chúng tôi mang tiếng là có hộ khẩu TP.HCM mà sống khác gì vùng nông thôn đâu. Vẫn sống như thuở khai hoang khi chỉ biết thả gà, nuôi lợn, trồng rau. Muốn làm lớn cũng không được vì bị cấm”, bà Phúc nói với giọng cam chịu.

Chúng tôi đi sâu vào những con đường ngoằn ngoèo dài hun hút, chỉ vừa chiếc xe máy đi với hai bên đầy cỏ dại, dừa nước mà mưa là ngập trắng. Đau lòng nhất là những ngôi nhà hai bên vẫn tàn tạ, lụp xụp che nắng mưa, tạm bợ. Toàn bán đảo Bình Quới - Thanh Đa bây giờ là những khu đất hoang hóa, những khu ao cá giải trí, quán nhậu… mà người dân kinh doanh tạm thời, chờ TP giải tỏa.

img

Khó ai tin được cảnh bình dị, thôn quê này ở ngay phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh Zing.vn

Theo ông Lương Văn Trí, một người dân nơi đây, chỉ những nhà nào dám liều sửa chữa thì đỡ khổ hơn, mà cũng phải có tiền lmới àm được. Nhiều nhà muốn sửa chữa mà không có tiền, muốn bán đất hay vay ngân hàng để có tiền sửa nhà cũng không xong vì đất vướng quy hoạch không ngân hàng nào dám giao dịch.

“Quy hoạch treo hay không treo thì cũng làm đường, làm các hệ thống chống ngập… cho dân nhờ, nhưng chính quyền hứa tới hứa lui mà không làm khiến mùa mưa, triều lên ngập lênh láng, nắng xuống thì hưởng “mưa bụi”. Siêu đô thị đâu chẳng thấy, mà mấy chục năm nay dân chúng tôi đã quá sức chịu đựng rồi, không biết sẽ chịu đựng thêm nỗi khổ đến bao giờ nữa", ông Trí nói.

26 năm và còn chờ đến bao giờ?

Hãy nhìn lại một chút về dự án Thanh Đa - Bình Quới. Năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được.

Năm 2010, UBND TP.HCM đã thu hồi quyết định trên. Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

img

Mô hình siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa 26 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án. Theo quyết định này, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu đô thị mới theo các tiêu chí của một đô thị sinh thái hiện đại với hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Tổng diện tích triển khai dự án khoảng 426,93 ha, bao gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, không tính phần diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 30.700 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 (2016-2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025), nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án.

Tuy nhiên, giữa năm 2017, đối tác nước ngoài là Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án. Sau đó UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

Sau gần ba thập kỷ, siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa không thấy đâu, chỉ thấy toàn bộ phường 28 chẳng khác gì một vùng nông thôn giữa Sài Thành hoa lệ. Người dân vẫn mong chờ TP phá bỏ quy hoạch treo hay đẩy nhanh tiến độ dự án để giải phóng nỗi khổ đeo đẳng người dân.

"Tia sáng cuối đường hầm"

Mới đây, trong kỳ họp HĐND TP.HCM  Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thay mặt lãnh đạo TP. HCM xin lỗi người dân. “Xin chia sẻ khó khăn với người dân quận Bình Thạnh trong vùng dự án, tôi cũng đã thấy được những bức xúc của bà con nơi này”, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

img

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong xin lỗi người dân bán đảo Thanh Đa.

Chủ tịch TP.HCM cho biết, khi còn làm ĐBQH đắc cử tại quận Bình Thạnh, ông đã nghe được những bức xúc về dự án. “Về thành phố với cương vị Chủ tịch, tôi đã hỏi các ngành chức năng và mời nhà đầu tư làm việc, có trục trặc phải kiểm tra, nhà đầu tư phải cam kết thực hiện, nếu không TP sẽ thu hồi. Chủ đầu tư đã cam kết tiếp tục thực hiện".

Trước HĐND, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết với các đại biểu sẽ triển khai nhanh dự án này. Ông nói: “Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh người dân trong đó sẽ thấy thế nào. Để nỗi khổ của người dân trong dự án cứ kéo dài, có trách nhiệm của chính quyền TP".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem