Khu Nà Tơ, bản Nà Lốc nằm đối diện với trụ sở Công an huyện Sốp Cộp, có hơn chục hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà ọp ẹp, cũ kĩ, dột nát. Hầu hết người dân nơi đây, đều từ các tỉnh khác chuyển đến. Họ mua nhà của người dân sở tại, rồi sinh sống, lập nghiệp ngay trên mảnh đất này từ nhiều năm nay. Họ cũng đã cắt khẩu ở quê, nhập vào xã Sốp Cộp từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn kể từ khi chính quyền xã Sốp Cộp thông báo, yêu cầu các hộ dân phải di dời nhà đi nơi khác, trả lại mặt bằng để huyện xây dựng khuôn viên cây xanh. Nghe chính quyền xã giải thích, những hộ phải di dời này sẽ không được nhận bất cứ khoản đền bù, hỗ trợ nào nên các hộ dân khu Nà Tơ, ai cũng lo lắng, bức xúc vì không biết di dời đến đâu để ổn định cuộc sống.
Khu Nà Tơ, bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp có hơn chục hộ dân sinh sống trong những căn nhà ọp ẹp từ nhiều năm nay
Ông Nguyễn Văn Nại, khu Nà Tơ, bản Nà Lốc, cho biết vợ chồng ông quê ở Hưng Yên, chuyển lên ở với con trai là anh Nguyễn Ngọc Dũng hơn 10 năm nay. Ở đây, một số hộ dân mua nhà từ trước khi chia tách, thành lập huyện huyện Sốp Cộp (2004). Một số hộ dân khác nhận chuyển nhượng nhà của người dân sở tại vào thời điểm sau khi thành lập huyện. Gia đình ông Nại cũng như nhiều hộ dân khác đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê, cắt khẩu chuyển lên xã Sốp Cộp.
"Tôi và các hộ dân nơi đây đều đồng tình với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước. Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng phải đền bù, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho chúng tôi. Chúng tôi sinh sống ở đây hơn 10 năm nay, không tranh chấp với ai cả. Tôi không rõ nguồn gốc khu đất này. Nếu là đất 5% (loại đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường) như cán bộ xã nói thì tại sao lại để người dân làm nhà mà không xử lý? Chúng tôi mua nhà đất của người dân có trưởng bản làm chứng" - ông Nại bức xúc nói.
Giống như ông Nại, anh Hoàng Văn Thiều ở khu Nà Tơ, bản Nà Lốc, cũng rất bức xúc khi tiếp chuyện với chúng tôi
Trao đổi với Dân Việt, anh Thiều cho hay: "Năm 2000, tôi rời nơi “chôn nhau, cắt rốn” ở Đan Phượng (Hà Tây) lên bản Nà Lốc làm ăn. Hồi đó, khu Nà Tơ này khá hoang sơ, đường sá đi lại còn khó khăn. Năm 2003, tôi mua lại ngôi nhà (thuộc khu Nà Tơ) của anh Lò Văn Thương, dân bản Nà Lốc. Ngôi nhà đó được gia đình tôi sử dụng vừa làm nơi ở, vừa làm nơi bán hàng. Suốt nhiều năm qua, ngôi nhà đó vẫn chưa một lần được sửa chữa, nâng cấp.
Tôi nhiều lần xin xã cho sửa lại nhà để ở cho yên tâm, nhưng xã đều không đồng ý. Mỗi khi trời mưa, nhà dột tứ tung, vợ chồng tôi phải bồng bế con nhỏ đi trú nhờ nhà khác. Khi tôi nhận chuyển nhượng lại nhà đất, chủ nhà là anh Lò Văn Thương (dân sở tại) còn chỉ rõ, từ bậc thềm bước lên cửa sau nhà đổ ra suối là đất 5%. Còn căn nhà mà vợ chồng tôi đang ở, được xây dựng trên phần đất do chủ nhà khai hoang. Nếu Nhà nước thu hồi phải đền bù, tái định cư cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây” – anh Thiều bức xúc nói.
Người dân nói làm nhà trên đất khai hoang, chính quyền xã lại nói đó là đất 5%
Sát nhà anh Thiều là ngôi nhà sàn cũ kĩ nhuốm màu thời gian. Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hoàn. Ông Hoàn nói rằng: “Tôi mua lại ngôi nhà đó của ông Tòng Văn Bịnh, bản Nà Lốc, từ năm 2010. Trước đó, ngôi nhà này gia đình ông Bịnh đã ở được hơn 10 năm rồi. Thời gian gần đây, xã thông báo và yêu cầu gia đình tôi và các hộ dân đang sinh sống trên khu đất này, phải tháo dỡ nhà chuyển đi nơi khác. Theo như cán bộ xã nói,chúng tôi sẽ không được đền bù, hỗ trợ tái định cư. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của chúng tôi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”.
Trong khi đó, ông Tòng Văn Bịnh - người bán nhà cung cấp thông tin: “Năm 1986, tôi được xã cho thầu diện tích đất 5% ở khu Nà Tơ. Ở khu này trước đây có một con mương thủy lợi. Từ con mương trở ra suối là đất 5%, còn từ mương chạy ra đường là đất bỏ hoang, không phải đất 5%. Tôi bỏ công khai phá miếng đất hoang đó rồi dựng ngôi nhà sàn từ năm 1992. Năm 2010, tôi chuyển nhượng ngôi nhà đó cho anh Hoàn”.
Phóng viên Dân Việt đã gặp và trao đổi với ông Trần Công Lực – Chủ tịch UBND xã để có thêm thông tin về sự việc. Ông Lực cho biết khu đất mà hơn chục hộ dân đang sinh sống thuộc đất 5%. Hàng năm, xã kí hợp đồng thuê thầu đất với các hộ dân nơi đây, các hộ dân phải nộp tiền thuê thầu đất hàng năm.
“Khu Nà Tơ, bàn Nà Lốc nằm trong phạm vi quy hoạch dự án khuôn viên cây xanh của huyện. Chúng tôi đã nhiều lần thông báo, yêu cầu 14 hộ dân đang sinh sống trên khu đất này, tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng để huyện thực hiện dự án. Vì dựng nhà trên đất 5% nên các hộ dân sẽ không được đền bù, hỗ trợ tái định cư. Nếu các hộ dân không tự tháo dỡ, bắt buộc chúng tôi phải dùng đến biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng” – ông Lực cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.