Như Dân Việt thông tin, sáng 17/8, chị Y. (32 tuổi) ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có dấu hiệu động thai nên gia đình gọi xe taxi 7 chỗ chở đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi đi được một đoạn, tài xế thấy sức khoẻ chị Y. yếu, có thể sinh trên xe nên đuổi sản phụ và thân nhân xuống giữa đường.
Nhờ người gần đó trợ giúp, chị Y. sinh một bé trai. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, cháu bé tử vong ngay sau đó.
Trao đổi với Dân Việt về hành vi của tài xế bỏ sản phụ giữa đường, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Hành động của lái xe taxi trong trường hợp này vô cùng nhẫn tâm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có lẽ cơ quan công an sẽ cân nhắc về việc có thể khởi tố về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không.
Việc giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn là đạo đức con người, là tình người. Bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc mà trong một số trường hợp cứu giúp người bị nạn còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ công dân khi thấy người khác đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính”.
Sản phụ Y. bị tài xế bỏ lại bên đường. Nguồn IT
Luật sư phân tích: “Tại Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định rõ nếu người nào có khả năng cứu giúp nhưng cố ý không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến người đó tử vong thì người không cứu giúp sẽ bị xử lý hình sự.
Xin nhấn mạnh rằng pháp luật quy định “người nào” là người bỏ mặc, “người đó” - người bị bỏ mặc dẫn đến bị thiệt mạng mới có thể áp dụng điều luật này.
Trong tình huống này, người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là sản phụ (và có thể còn cả đứa trẻ trong bụng), nghĩa vụ của người lái xe trong tình huống này là phải cứu giúp sản phụ (đưa tới bệnh viện). Tuy nhiên người này lại không thực hiện nghĩa vụ đó... nếu hậu quả mà sản phụ tử vong thì đúng như tình huống dự liệu của điều luật, người lái xe sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự mà không thể chối cãi.
Còn trong trường hợp này là thai nhi bị tử vong. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ phải cân nhắc, củng cố chứng cứ xem có đủ căn cứ xử lý về tội vô ý làm chết người hay tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không, trong tình huống này pháp luật chưa có quy định cụ thể”.
Cũng theo luật sư Cường, việc chứng minh “người đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” là đứa trẻ trong bụng - thai nhi, người lái xe đã từ chối cứu giúp “đứa trẻ” - thai nhi đó dẫn đến thai nhi tử vong... để xử lý hình sự theo tội danh này là rất khó.
Bởi pháp luật Việt Nam quy định "người nào", "con người" phải là đứa trẻ được sinh ra còn sống. Đứa trẻ trong tình huống này lại sinh non 7 tháng, nếu sinh trong bệnh viện cũng rất khó nuôi... Khi người lái xe bỏ mặc là bỏ mặc người mẹ và người mẹ không thiệt mạng. Còn thai nhi chưa được pháp luật thừa nhận là "con người" - chưa sinh ra nên không thể áp dụng được quy định này để xử lý hình sự.
Tương tự, tội vô ý làm chết người đòi hỏi người vi phạm phải có lỗi vô ý đối với "người khác" (người khác phải là người đã sinh ra còn sống) dẫn tới người đó thiệt mạng. Theo quy định của luật pháp hiện nay, hành vi bỏ mặc, xâm hại tới thai nhi sẽ không bị xử lý như hành vi bỏ mặc, xâm hại tới con người.
Đối với việc xử phạt hành chính, pháp luật hiện nay chỉ quy định phạt hành chính trong trường hợp người đi đường thấy mà không cứu giúp “người bị tai nạn giao thông”, còn với nạn nhân là người ốm đau, bệnh tật... cần người khác giúp đỡ nhưng không được giúp đỡ thì do quy phạm đạo đức điều chỉnh, không có chế tài hành chính.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình huống này sẽ do hãng taxi chịu trách nhiệm, sau đó hãng này sẽ buộc người lái xe bồi hoàn lại. Thiệt hại bao gồm: Chi phí cứu chữa, công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần theo quy định của bộ luật dân sự hiện hành.
Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.