Dự án ì ạch, dời đi dời lại vẫn được chấp thuận
Ngày 29.1.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án chợ Đình Hương tại phường Đông Thọ (thành phố Thanh Hóa) cho Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc - Công ty TNHH, địa chỉ tại số 25/38 Phú Thọ 3 (phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa) do ông Nguyễn Bá Bắc, bà Mai Thị Thắm là chủ.
Quy mô dự án là chợ hạng I, nhà chợ chính 3 tầng, chợ dân sinh 1 tầng, dãy kiot 2 tầng, nhà xe và các công trình phụ trợ khác. Diện tích lên tới 9.785m2. Chợ có tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng.
Quyết định ghi rõ thời gian khởi công xây dựng dự án là quý III.2016 và phải hoàn thành đi vào hoạt động từ quý III.2017.
Thời hạn là vậy, thế nhưng khi triển khai thực tế, Tổng Công ty Đông Bắc đã không đảm bảo được tiến độ, lấy lý do để gia hạn thêm thời gian.
Chợ Đình Hương (mới) chưa hoàn thiện nhưng Đông Bắc đã cho các tiểu thương vào bán. Ảnh: Dân Việt
Đến ngày 23.11.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lần nữa ra Quyết định điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư chợ Đình Hương cho Tổng Công ty Đông Bắc. Thời hạn được kéo dài thêm 2 năm, tới tháng 9.2019.
Tại khu vực tầng 2, công nhân Tổng Công ty Đông Bắc đang thi công. Ảnh: Dân Việt
Tới thời điểm này, nhiều hạng mục của khu chợ vẫn đang dở dang. Ghi nhận của phóng viên đến ngày 27.2 tại khu chợ Đình Hương, nhiều công nhân vẫn đang xây dựng. Tuy nhiên, tầng 1 đã có hơn 40 kiot đang bán hàng.
Bà H (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) nói với phóng viên: “Mỗi kiot như của tôi mua của Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc với giá 250 triệu đồng thời hạn 5 năm. Tiểu thương chúng tôi nghe bà Thắm, ông Bắc nói cứ vào chợ buôn bán bình thường đi vì UBND tỉnh và UBND thành phố đã cho phép.
Chúng tôi đâu ngờ là hệ thống phòng cháy chưa hoạt động, nước thải xả thẳng ra phía ngoài rất hôi thối, ô nhiễm. Phía trên họ đang xây dựng, đập gõ cả ngày”.
Những đề nghị lạ kỳ
Việc Tổng Công ty Đông Bắc ì ạch triển khai dự án và được gia hạn tận 2 năm khiến dư luận thành phố Thanh Hóa “trầm trồ thán phục”.
Chưa hết, với lý do chợ cũ xuống cấp, mất mỹ quan, Tổng Công ty Đông Bắc tiếp tục xin ý kiến của lãnh đạo UBND thành phố Thanh Hóa cho tiểu thương vào buôn bán trong chợ “ngay và luôn” dù chợ vẫn đang… xây.
Chấp thuận đầu tư ghi rõ dãy kiot 2 tầng, nhà chợ chính phải xây 3 tầng nhưng thực tế là ngược lại. Ảnh: Dân Việt
Và thật lạ lùng, phía thành phố Thanh Hóa vẫn đồng ý cho Tổng Công ty Đông Bắc “lùa” tiểu thương vào ngôi chợ đang xây này, bất chấp nguy hiểm tính mạng.
Tại văn bản ngày 28.1.2019, phía Phòng Kinh tế thành phố Thanh Hóa còn “đề nghị Thành phố đồng ý để Tổng Công ty Đông Bắc bố trí địa điểm, sắp xếp các hộ kinh doanh tại chợ Đình Hương cũ và các hộ kinh doanh tạm tại khu vực dọc hai bên đường vành đai phía Tây vào trong khu vực chợ Đình Hương mới để kinh doanh”.
Kiot xây 3 tầng (thay vì xây 2 tầng, ảnh dưới). Ảnh: Dân Việt
Lạ lùng hơn, nhẽ ra với việc chợ đang xây, phòng cháy chưa có tuyệt đối không được để Tổng công ty Đông Bắc đánh cược với mạng sống tiểu thương cũng như người dân nhưng phía thành phố Thanh Hóa một mặt vừa đồng ý, một mặt vừa “tỏ ra cho có trách nhiệm” khi “rào trước” đẩy toàn bộ trách nhiệm về phía Tổng Công ty Đông Bắc.
“Phải bố trí địa điểm và sắp xếp các hộ kinh doanh minh bạch, khoa học, thuận tiện cho việc kinh doanh, mua bán; Cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho các hộ kinh doanh và nhân dân vào chợ mua bán, đảm bảo các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động kinh doanh mua bán tại chợ.
Chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động, kinh doanh mua bán theo quy định; Cam kết đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng chợ đảm bảo về thời gian thực hiện dự án theo Quyết định số 4661/QĐ-UBND ngày 23.11.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đưa chợ vào hoạt động đảm bảo theo các quy định của pháp luật” - UBND TP Thanh Hóa yêu cầu.
Đường điện còn chưa hoàn thành. Ảnh: Dân Việt.
Dù đã cho phép Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc “lùa” tiểu thương, người dân vào chợ bất chấp cháy nổ nhưng trong văn bản lại yêu cầu chủ đầu tư “hoàn thành việc đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chợ, nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống phòng cháy chữa cháy trước ngày 25.3.2019” - tức sau khi chợ đã đưa vào sử dụng nhiều tháng.
Nhiều tiểu thương lỡ đóng hàng trăm triệu cho Tổng Công ty Đông Bắc rất bức xúc. Ảnh: Dân Việt
Khẳng định với phóng viên, Thiếu tá Lê Đình Lợi - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thanh Hóa nói: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một văn bản đề nghị nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy cho chợ Đình Hương (mới) từ Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc.
Sau khi báo phản ánh, tôi đã báo cáo lên trên. Ngay tới đây, chúng tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra. Việc để tiểu thương, người dân vào chợ khi chợ đang xây là rất nguy hiểm, trái quy định về phòng cháy chữa cháy”.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc…
Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc
Từng bị hàng loạt doanh nghiệp tố “thông thầu” để trúng dự án đấu thầu, xây dựng, kinh doanh và khai thác chợ Còng (huyện Tĩnh Gia) giá trị 100 tỷ đồng nhưng sau đó bị đình lại.
Trong vụ đấu giá trúng 375 lô đất vàng (200 lô đất liền kề, 175 biệt thự) tại Khu đô thị Đông Hương (thành phố Thanh Hóa), công ty con của Tổng Công ty Đông Bắc cũng bị phản ứng quyết liệt buộc UBND tỉnh Thanh Hóa phải ban hành quyết định hủy bỏ kết quả.
Tổng Công ty Đông Bắc còn “xém” được giao 2 khu đất vàng (Trường THPT Nguyễn Trãi - số 38 Lê Hoàn; Phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Thanh Hóa - 179 Trường Thi, cả hai khu đất nằm đối lưng vào nhau) có tổng diện tích lên tới 6.301m2 để đổi lấy việc xây một ngôi trường ngoại thành thành phố Thanh Hóa.
Trước đó, Tổng Công ty Đông Bắc đã được giao lô đất vàng 40 Lê Hoàn (phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa) có diện tích 1.867m2. Và nếu như sự vụ BT xây trường học đổi lấy 2 khu đất vàng này diễn ra thành công theo như dự tính, Tổng Công ty Đông Bắc sẽ nắm trong tay 3 khu đất vàng gộp thành một khối có diện tích lên đến 8.168m2.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.