Như Dân Việt đã phản ánh, thời gian qua hàng chục hộ dân tại thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã có đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương về việc Dự án thủy điện Chư Pông Krông nổ mìn thi công làm nứt nhà. Dự án này do Công ty Hưng Phúc làm chủ đầu tư, Chi nhánh 515 - Công ty Cổ phần Sông Đà 505 thi công.
Để xây dựng thủy điện Chư Pông Krông, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xin loại hơn 5ha đất rừng ra khỏi rừng đặc dụng.
Dự án được triển khai từ năm 2007. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018, dự án mới được khởi công xây dựng do "vướng" nhiều vấn đề trong đó có việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không đồng ý chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng Nam Ka để làm thủy điện.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi hơn 5 ha rừng đặc dụng này của tỉnh cũng gặp phải sự phản đối của dư luận. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tháo gỡ bằng cách xin loại hơn 5ha đất rừng nằm trong quy hoạch thủy điện Chư Pông Krông ra khỏi rừng đặc dụng, chuyển về cho địa phương quản lý vì đất này không còn rừng.
Trên cơ sở đó lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty Hưng Phúc thuê để triển khai dự án thủy điện Chư Pông Krông.
Ngày 8.6, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc (Công ty Hưng Phúc) do vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh làm Giám đốc.
Tuy nhiên ông Hồng khẳng định mình không hề "kéo" dự án về cho gia đình. Bởi dự án thủy điện Chư Pông Krông đã xin chủ trương đầu tư từ năm 2006, lúc ấy ông chưa về Sở Công thương.
Tháng 9.2009 ông Hồng về Sở Công thương làm Phó phòng và đến cuối năm 2015 mới được bổ nhiệm làm Phó giám đốc phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về năng lượng, thủy điện, kỹ thuật an toàn, môi trường công nghệ.
Theo người dân xã Quảng Phú, việc nổ mìn thi công thủy điện Chư Pông Krông đã khiến nhà cửa họ bị nứt.
Về thắc mắc vì sao mãi đến năm 2017, khi ông đang đương chức Phó giám đốc Sở Công thương thì việc chuyển đổi 5,41 ha rừng đặc dụng mới thành công? Ông Hồng cho biết về thủ tục chuyển đổi thì do các Sở khác thực hiện.
“Tôi chỉ giúp công ty vợ tôi trong vấn đề kỹ thuật, còn các vấn đề khác do công ty thực hiện. Sau chuyện này, chắc chắn tỉnh sẽ làm rõ và tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nếu cần thiết tôi sẽ xin thôi không làm Phó giám đốc Sở” – ông Hồng nói.
Về việc quá trình thi công dự án thủy điện Chư Pông Krông làm ảnh hưởng đến nhà dân, ông Hồng cho biết, chủ đầu tư sẽ kiểm tra và có bồi thường cho dân.
Được biết, ngoài thủy điện Chư Pông Krông, Công ty Hưng Phúc còn có thủy điện Dray H'linh 3 đã được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2013. Theo ông Hồng, hiện thủy điện Dray H'linh 3 thu về khoảng 2 tỷ đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.