Ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an. (Ảnh: Bộ Công an)
Hôm qua (11/3), Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 11/3/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958 tại Bình Định, cư trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại khoản 2, Điều 249, Bộ luật Hình sự năm 1999. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Ông Nguyễn Thanh Hóa giữ hàm thiếu tướng Công an nhân dân và từng đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an. Tuy nhiên, ngày 11/3, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Thanh Hóa.
Sau khi báo chí đưa tin về vụ án trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, những người phạm tội “Tổ chức đánh bạc” có tính chuyên nghiệp hoặc thu lời bất chính lớn sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, điều 249 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” có 3 điều khoản, trong đó khoản 1 và khoản 2 có quy định về khung hình phạt tù, còn khoản 3 chỉ quy định về hình phạt bổ sung.
Cụ thể, khoản 1 tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và Điều 248 (Tội đánh bạc) của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Khoản 2 của tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm nếu hành vi thuộc 3 trường hợp sau: Có tính chất chuyện nghiệp; Thu lời bất chính lớn, rất lớn, hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm.
“Như vậy, người phạm tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” thuộc các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp hoặc thu lời bất chính lớn quy định tại khoản 2 sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Ngoài hình phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2, người phạm tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Kiên cho biết.
Bộ Công an và công an các địa phương đã triệt phá thành công nhiều đường dây tổ chức đánh bạc quy mô hàng nghìn tỷ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.