Ở lớp chuyên văn, thầy ra đề: "Hãy kể về đóng góp của gia đình em trong cuộc kháng chiến chống quân bành trướng xâm lược." Ở nhà, mọi việc vẫn bình thường. Khác chăng, chỉ là trong mỗi bữa cơm mọi người đều nói chuyện về chiến tranh. Bố bảo có khả năng phải đi sơ tán. Đài báo liên tục đưa tin những gương anh hùng thiếu niên mà giờ mình đã quên tên. Nhưng mình nhớ mình cũng khát khao được chiến đấu như họ.
Mảnh đất này thật lạ kỳ. Dường như trong lúa gạo có chất gì làm cho máu sôi lên mỗi khi nghe có giặc. Bài văn ấy, mình nhập vai một người lính hành quân qua nhà, trông thấy người yêu ngồi khóc trong khu vườn tan hoang vì đạn pháo. Khu vườn ấy là nơi hai đứa vẫn đêm đêm hò hẹn. Mình được thầy khen là táo bạo và đọc bài cho cả lớp nghe. Cả lũ cười mình một trận. Có đứa còn bảo mình “dê”.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: I.T
Chiến tranh kết thúc sau vài tháng. Mình học hết chuyên văn, chuyển sang chuyên ngữ, rồi đi học Liên-xô năm 1984, đúng năm xảy ra trận chiến Vị Xuyên. Tuy nhiên, lần ấy đám sinh viên bọn mình không hề hay biết. Khi mùa thu vàng tới trên nước Nga và các nước Cộng hòa Xô-viết, bọn mình vẫn hồn nhiên dắt tay nhau đi chụp ảnh, mà không biết rằng ở Vị Xuyên chỉ trong ngày đầu cuộc chiến đã có 600 chiến sĩ hy sinh, và trong 4 năm khi bọn mình học đại học, con số ấy đã lên tới 4.000. Số thương binh là 9.000.
Nghĩ lại, nếu hồi ấy mình ra trận, thì không biết bây giờ số phận thế nào? Bỗng thấy như mình đang mắc nợ người cựu binh Vị Xuyên mà nay đạp xích lô chở tôn.
Đồng đội cũ, bà con hàng xóm cùng người thân khi nghe tin dữ đã đến chia sẻ, động viên cùng gia đình ông Thạch. Ảnh: I.T
Mấy năm trước nhà nước ra luật cấm xe lam, nhưng rồi các cấp phải “làm ngơ”, vì không thể giải quyết sinh kế cho hàng vạn thương binh và cả những người giả thương binh để kiếm sống. Xích-lô thì đã bị cấm từ lâu, chỉ trừ một ít xích-lô du lịch trong phố cổ. Nhưng vẫn còn những người tiếp tục sinh nhai nhờ những chiếc xích-lô chở hàng như người cựu binh này. Họ vẫn ngày ngày lầm lũi vừa đạp vừa cong lưng đẩy những chiếc xích-lô cũ kỹ trong những con phố bụi bặm ven đô, len lỏi trong những ngõ hẻm mà xe tải con cũng không vào được. Đôi khi họ cũng xuất hiện cả trên những con phố lớn khi không phải giờ cao điểm và khi vắng bóng công an. Họ như những cái bóng âm thầm của quá khứ, nhưng lại hiện hữu ngay trong thực tại. Những cái bóng ấy không được ai để ý. Và dường như họ cũng không muốn ai để ý. Bởi khi họ bị để ý thường là khi họ sẽ bị phạt.
Sau cái chết thương tâm của em bé va phải lá tôn trên xe xích-lô, Thành phố đã ra lệnh tổng kiểm tra các phương tiện thô sơ. Sẽ có thêm nhiều người đạp xích-lô bị phạt. Nhưng rồi họ sẽ vẫn phải tiếp tục sinh nhai bằng những chiếc xe thô sơ ấy, vì họ có nghề gì khác đâu(!). Vậy thì tại sao không ai dạy cho họ biết cách hành nghề sao cho an toàn? Có bao nhiêu lớp dạy kỹ năng cho đủ mọi lứa tuổi. Có cả những lớp dạy những phụ nữ hành nghề mại dâm quan hệ tình dục an toàn. Nhưng có lớp học nào dạy những người đạp xích lô biết cách chở hàng an toàn hơn?
Nhưng những người đạp xích-lô như anh cựu binh này sẽ vẫn còn phải tiếp tục duy trì kế sinh nhai bằng chiếc xe thô sơ thêm nhiều năm nữa, cho đến khi không còn sức khỏe, cho đến khi không còn những con phố bụi bặm ven đô, cho đến khi không còn những ngõ hẻm quanh co xe tải không vào được...
Không lẽ từ nay cho đến khi ấy, họ sẽ vẫn chỉ có một cách “học nghề” duy nhất là qua những tai nạn thương tâm?!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.