Điểm mặt các vụ tai nạn công trình tại TP.HCM
Theo người dân phản ánh, thời gian gần đây, công trình xây dựng thuộc dự án Trung tâm thương mại đa chức năng (Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP.HCM) do Công ty TNHH Xây dựng An Phong là nhà thầu đưa cần cẩu trên không “lòi” ra hết cả làn đường làm nhiều người lưu thông qua đoạn đường hoảng sợ.
“Cầu cẩu vắt ngang trời, người tham gia giao thông thì đi bên dưới. Nhìn khối sắt treo lơ lửng trên đầu rất nguy hiểm. Đoạn đường này nhiều người qua lại, nếu xảy ra sự cố rớt xuống thì hậu quả không biết sẽ kinh khủng như thế nào”, anh Quang (người thường lưu thông qua khu vực) cho biết.
Khối sắt khổng lồ của dự án Grand Riverside (278-283 đường Bến Vân Đồn do Hòa Bình thi công) rơi trên cao xuống đường đêm 9.2. Ảnh: Kỳ Phương
Đáng nói là vào đầu tháng 1.2017, công trình này từng bị sập giàn giáo làm nhiều công nhân bị thương.
Tiếp đến, ngày 9.2.2017, công trình của dự án Grand Riverside (278-283 đường Bến Vân Đồn) bỗng dưng có khối sắt khổng lồ (gồm nhiều thanh sắt cỡ lớn) “bay” xuống đường làm nhiều người dân bất an. Vụ việc đã đánh sập hệ thống điện thắp sáng khu vực nhà dân xung quanh. Rất may là lúc đó rơi vào khung giờ ít người dân tham gia giao thông nên không gây thiệt hại về người.
Kinh hoàng hơn, tháng 5.2016, vụ lật cần cẩu của dự án Công trình Cao ốc Toplife Tower (376 Điện Biên Phủ, Q10 do Eximland làm chủ đầu tư) vào trường mẫu giáo cạnh bên gây náo loạn cho hàng trăm phụ huynh và học sinh.
Theo đó, sáng ngày 12.5, khi giáo viên và học sinh ở lớp học thì bất ngờ nghe tiếng tác động lớn trước nhà trường làm nhiều người nín thở. Sự việc thu hút những người hiếu kì đứng lại xem. Nhiều phụ huynh hốt hoảng chạy đến vỗ về, trấn an con trẻ.
Cuối tháng 7.2016, vụ tai nạn được xem như cơn “địa chấn” trong công tác an toàn lao động là vụ sập giàn giáo tại công trình Chung cư Phú Hưng Phát (DreamHome Luxury) làm 1 người chết và 2 người bị thương.
Cần cầu của dự án Toplife Tower (Eximland làm chủ đầu tư) lật vào trường mẫu giáo cạnh bên. Ảnh: Kỳ Phương
Cũng phải nhấn mạnh rằng, trước khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, chủ đầu tư Cao ốc DreamHome Luxury đưa người dân vào ở khi các hạng mục còn ngổn ngang. Vụ sập giàn giáo công trình này được nhiều cư dân sinh sống tại chung cư chứng kiến. Sự việc nghiêm trọng đến mức ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM ra công văn chỉ đạo các sở ban ngành điều tra làm rõ.
Ngoài ra, còn có thể kể đến sự cố khác như cháy block 4 của HQC Plaza, rơi giàn giáo treo tại công trình Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình, sự cố công trình Premium Central (854 - 856 đường Tạ Quang Bửu, quận 8…
Sai phạm tràn lan
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, quý I.2017, xây dựng không phép đang “dẫn đầu” ở khâu vi phạm về hoạt động xây dựng. “Thủ phủ” của các công trình xây dựng không phép nằm ở các quận Bình Chánh, Quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn…
Qua quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 2.000 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Trong đó, xây dựng không phép vi phạm với 1.395/2.096 trường hợp, chiếm tỷ lệ 59,3% (tăng 28 trường hợp, tỷ lệ tăng 2% so với cùng kỳ). Xây dựng sai phép có 956/2.096 trường hợp, chiếm tỷ lệ 40,7%.
Người tham gia giao thông lo sợ về chiếc cần cẩu treo lơ lửng trên đầu. Ảnh: Kỳ Phương
Đáng chú ý tai nạn không chỉ sai phạm ở các công trình không phép xa trung tâm, mà tại khu trung tâm thành phố cũng không ít trường hợp có đầy đủ tính pháp lý vẫn thi công cẩu thả dẫn đến sự cố.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. HCM, đơn vị này sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện công trình sai phép thì Sở sẽ xử lý ngay. Còn các công trình không phép thì phải có sự phối hợp với địa phương vì thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng sở tại. Qua đó, ông Hùng thông tin trong thời gian tới, tại những điểm nóng, Sở sẽ có kế hoạch cụ thể, làm trọng tâm, trọng điểm để xử lý triệt để các vấn đề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.