Theo các nhà khoa học, chỉ cần uống một giọt dịch chất chiết xuất từ chất scopolamine của hoa chuông, một người khỏe mạnh có thể rơi vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức.
Do có độc tính cao nên cây hoa chuông thường được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... với một lượng rất nhỏ, hoặc được sử dụng như một loại “thuốc sự thật” để lấy lời khai tù nhân, phạm nhân hoặc làm mất tri giác tạm thời.
Cách đây chưa đầy 1 tháng, ngày 12.5, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Ung Bí đã tiếp nhận 2 bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau đầu, nôn mửa, thần kinh không tự chủ. Theo người nhà cho biết, trước đó, được người hàng xóm giới thiệu về loài hoa có tên là hoa loa kèn (hoa chuông) được cho là quý, ăn lành tính và mát, lại thấy trong vườn nhà sẵn có nên bà M (một trong 2 bệnh nhân đã hái về nấu canh.
Cây hoa chuông. Ảnh Internet
Sau ăn khoảng 30 phút bà M và chồng thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đi lại không bình thường. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận, hai bệnh nhân trên bị nhiễm độc Scopolamine do ăn hoa cây hoa chuông. Các bác sỹ bệnh viện cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ đến tính mạng là rất cao.
Ngày 23.4.2015, được mách là ăn lá hoa chuông có thể trị bệnh mất ngủ, hai vợ chồng bà Nụ (Hà Nội) cũng đã phải nhập viện cấp cứu. Theo bác sĩ Phạm Hữu Hiển, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vợ chồng bà Nụ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nhịp tim rối loạn, thở khó, toàn thân tê bì, có lúc bị ảo giác, hoang tưởng...
Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu và giải độc cho bệnh nhân. Sau 24 giờ điều trị, vợ chồng bà Nụ khỏe lại, hiện đã xuất viện.
Và mới đây nhất, ngày 10.6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận năm bệnh nhân trong cùng một gia đình gồm 5 người cùng trú phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có biểu hiện ngộ độc. Nguyên nhân cũng được xác định là do mọi người bị ngộ độc lá cây hoa chuông.
BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân trên, tất cả đã được hồi sức cấp cứu, hô hấp tuần hoàn, rửa dạ dày, truyền dịch, thở máy...Hiện tại một bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất đang thở máy, bốn bệnh nhân còn lại đã tỉnh.
Các bác sĩ cảnh báo, tất cả các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa độc tố cực mạnh, có thể dẫn đến ngộ độc sau khi ăn. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng,... Ở dạng ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng..., nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.