Vụ án 2 nông dân nhận… hối lộ: “Đình chỉ điều tra để né bồi thường”?

Mai Quốc Ấn Thứ hai, ngày 22/08/2016 08:53 AM (GMT+7)
"Đây không phải là một vụ án phức tạp bởi mọi thứ gần như đã rất rõ ràng. Án tham nhũng với số tiền nêu trên ở mức 7, 8 năm tù là mức án không cao, nhưng có đúng không lại là chuyện khác. Công an huyện Hàm Thuận Nam làm cách này dường như để né bồi thường, xin lỗi công khai?” - luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng đánh giá về vụ án hai nông dân ở Hàm Thuận Nam bị đưa ra tòa về tội… nhận hối lộ.
Bình luận 0

Ngày 20.8, Dân Việt có bài viết “Nông dân nhận hối lộ, cán bộ “vẽ án” như thần”, phản ánh vụ việc hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Lò To, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị khởi tố, đưa ra tòa xét xử về tội... nhận hối lộ. Bản án này sau đó đã bị hủy để điều tra, xét xử lại. Rốt cuộc, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra ông Tuấn và ông Nam với lý do “chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Lý do “chuyển biến tình hình” là rất mơ hồ

Nhận định về vụ án khá hy hữu này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng đánh giá, việc đình chỉ điều tra vì “chuyển biến tình hình" là một cách nói hết sức mơ hồ, không có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Luật sư Hưng nhận định, đây không phải là một vụ án phức tạp bởi mọi thứ gần như đã rất rõ ràng. Án tham nhũng với số tiền nêu trên ở mức 7 và 8 năm tù là mức án không cao nhưng mức án ấy có đúng hay không lại là chuyện khác.

“Nhiều luật sư đồng nghiệp của tôi đã phân tích cách làm này của công an huyện Hàm Thuận Nam dường như là để né tránh bồi thường, xin lỗi công khai. Tôi cũng đồng tình và xin bổ sung thêm là việc đình chỉ điều tra như vậy sẽ bỏ ngỏ việc những người sẵn sàng giúp người khác rồi được bồi dưỡng theo kiểu tình làng nghĩa xóm sẽ không dám làm việc tốt nữa. Vì bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị khởi tố như hai nông dân này!" - vị luật sư nêu ý kiến.

img

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (phải) và ông Nguyễn Thành Nam - những người bị cho là "nhận hối lộ" trong những ngày tại ngoại chờ điều tra lại (Ảnh Phương Nam).

Trong khi đó, luật sư Phạm Hoài Nam, hãng luật Bến Nghé lại đặt ngược vấn đề về trách nhiệm của cơ quan điều tra trong vụ hai nông dân bị khởi tố tội nhận hối lộ.

"Họ (cơ quan điều tra) đình chỉ điều tra vụ án thì hai nông dân vẫn có những ngày bị giam giữ, vẫn từng phải ra tòa và mang tiếng là bị can chứ không phải là người bị oan thực sự. Việc né tránh bồi thường, xin lỗi công khai đồng nghĩa với việc họ (cơ quan điều tra) không thừa nhận việc họ khởi tố là sai. Đây là cách né tránh trách nhiệm bồi thường oan sai cho hai người nông dân này, cho thấy thái độ coi thường pháp luật của họ” - luật sư Nam khẳng định.

Luật sư Nam cũng cho rằng trong vụ án này, xuất hiện dấu hiệu vi phạm luật hình sự về "xâm phạm các hoạt động tư pháp" khi khởi tố, điều tra và truy tố người không có tội. Vì thế ông đề nghị cơ quan Cục điều tra Viện Kiểm sát tối cao cần vào cuộc xem xét, nếu có người gây ra oan sai cần phải xử lý nghiêm minh.

“Nỗi oan biết tỏ cùng ai?”

Theo hồ sơ vụ án, ông Nam là thôn trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam. Tháng 4.2011, ông Nam được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm Tổ trưởng và ông Tuấn làm Tổ phó Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý.

Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ dân nghèo.

Đa số hộ nghèo ở Lò To khi vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên. Ông Nam thấy ông Tuấn thường xuyên bỏ bê việc đồng áng gia đình để lo làm thủ tục cho các hộ dân và đi lại cực khổ (đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30 km) nên trong một cuộc họp hướng dẫn cho các hộ nghèo vay vốn; ông Nam đề nghị bà con nên phụ tiền xăng xe, tiền điện thoại cho ông Tuấn đi lại, liên hệ để vay giúp tiền cho bà con và mọi người có mặt đều đồng ý.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam, trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn "đã ép buộc" những hộ dân cần vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã "nhận hối lộ" của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng.

Đến ngày 6.8.2015, TAND huyện Hàm Thuận Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Tuấn 8 năm tù, ông Nam 7 năm tù dù những người dân được triệu tập tới tòa làm chứng đều khẳng định họ chỉ phụ tiền công cho ông Tuấn đi vay giúp chứ không hề đưa hối lộ.

Trao đổi với PV, ông Nam cho biết cảm giác hiện nay của ông là nỗi oan ức không biết tỏ cùng ai. Còn ông Tuấn cho biết ông và gia đình chỉ mong cơ quan chúc năng trả lại sự trong sạch.

"Nhà tôi cũng làm nông như mọi người nhưng tới mỗi đợt xét duyệt cho các hộ dân vay vốn tôi phải phải bỏ hết việc nhà và mất cả tuần để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Đơn được duyệt, tôi lại phải vượt 30km đi làm thủ tục rồi nhận tiền về giao không sót một đồng cho từng hộ dân được vay. Người dân thấy ông vất vả, họ bồi dưỡng chứ tôi không hề ép buộc ai" - ông Tuấn nói.

Trường hợp của gia đình ông Nam thê thảm hơn: "Khi nghe nói tôi bị giam 8 năm tù thì nhiều mối làm ăn cắt đứt, đòi lại vốn khiến tôi giờ phải đi vay nóng để trả tiền cho họ".Cả hai nông dân này đều mong các cơ quan chức năng minh oan cho họ để chí ít họ được sống yên ổn ngay tại quê nhà.

"Thôn Lò To xa trung tâm, thuộc vùng chân núi nên ở đây không có báo chí, chẳng có internet để mọi người biết rằng chúng tôi bị oan. Khi đi ra đường, tôi có cảm giác mọi người nhìn mình như tội phạm. Ngay cả quyết định đình chỉ điều tra dân ở đây cũng không biết thì lấy gì để nói mình oan đây?" - ông nông dân Nguyễn Thành Nam than thở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem