Sáng nay (23.5), tại phiên xét xử ngày thứ 7 vụ chạy thận khiến 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện viện kiểm sát đã tiến hành đề nghị mức án đối với ba bị cáo.
Cụ thể, vị đại diện VKS công bố, bác sĩ Hoàng Công Lương đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Viện kiểm sát đề nghị phạt Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo.
Kết thúc phiên xét xử, trả lời phóng viên, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, anh rất thất vọng về mức án mà viện kiểm sát đề nghị.
VKS đề nghị phạt Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, anh rất thất vọng về mức án mà viện kiểm sát đề nghị.
Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng, mức án của vị đại diện VKS công bố trước phiên toà là hoàn toàn không phù hợp với sự khách quan của vụ án, cũng như không phù hợp với các quy định của pháp luật.
"Không phù hợp là bởi, trong trường hợp này, tất cả các hành vi khách quan đã chứng minh, về mặt chủ thể BS Hoàng Công Lương không phải là người có trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ trong vụ án này.
Mà trong trường hợp này, trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Bệnh viện, Trưởng phòng vật tư, Giám đốc công ty Thiên Sơn và Trưởng khoa là ông Hoàng Đình Khiếu", ông Thiệp nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, sự vắng mặt của ông Dương sẽ làm khó khăn trong việc làm sáng tỏ nhiều tình tiết quan trọng tại phiên tòa bởi ông Dương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ông này cũng là người trực tiếp ký hợp đồng, cung cấp thiết bị lọc thận nên cũng phải chịu trách nhiệm về sự cố. Theo luật sư Nam, không triệu tập được ông Dương sẽ không làm rõ các hành vi về trách nhiệm của ông này và có nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Sự vắng mặt của ông Trương Quý Dương tại phiên tòa xét xử liên quan sự cố y khoa tại chính Bệnh viện và đúng thời điểm ông làm giám đốc không những thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà khiến dư luận hồ nghi về việc ông Dương lo ngại điều gì từ phiên tòa này mà phải ra nước ngoài đúng thời gian diễn ra phiên tòa.
“Một vụ án phải xét xử dựa trên các chứng cứ được thu thập một cách đầy đủ, toàn diện theo luật tố tụng. Việc xét xử tại phiên tòa là việc điều tra, xem xét một cách công khai, đối chất giữa các nhân chứng và các bị cáo với nhau để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Từ đó đưa ra một phán quyết chính xác, công bằng. Ông Dương cũng là người liên quan trong vụ án này nên bắt buộc phải có mặt tại tòa để làm sáng tỏ nhiều vấn đề”, vị luật sư nêu quan điểm.
Luật sư Trần Thu Nam nêu ví dụ, trong vụ án này ông Trương Quý Dương chỉ bị xác định là người có trách nhiệm liên quan, nhưng nếu ông Dương có mặt tại tòa, trong quá trình thẩm vấn, nếu xác định hành vi của ông ta đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, Chủ tọa phiên tòa hoàn toàn có quyền khởi tố bị can và yêu cầu điều tra bổ sung.
“Biết đâu trong quá trình thẩm vấn ông Dương, lại lộ ra nhiều nhân vật khác liên quan đến vụ án”, luật sư nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, luật sư Nam cho rằng, TAND Hòa Bình nên triệu tập ông Trương Quý Dương cho phiên xét xử được khách quan hơn. Tuy nhiên, cái khó bây giờ là ông Dương đã xuất cảnh ra nước ngoài nên việc triệu tập sẽ là rất khó.
“Nếu ngay từ đầu ông nếu Trương Quý Dương được xác định là tội phạm, ông này sẽ bị cấm xuất cảnh. Nhưng ông ta chỉ bị xác định là người có trách nhiệm liên quan nên vẫn có thể ra nước ngoài được.
Nếu ông này được xác định là tội phạm nhưng vẫn cố tình ra nước ngoài, và nếu Việt Nam có kí kết Hiệp định hỗ trợ tư pháp với nước mà ông Dương đang ở, có thể thông quan Hiệp định này để trục xuất ông Dương về nước phục vụ điều tra”, luật sư Nam nói.
Về thông tin ông Trương Quý Dương đã ủy quyền cho người khác đến tham dự phiên tòa, luật sư Trần Thu Nam cho rằng, đây chỉ là một giao dịch dân sự. Người được ủy quyền được quyền từ chối không tham dự phiên tòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.