Trong buổi làm việc, ông Hoàng Kim Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết, hiện diện tích bãi triều ở Quảng Minh là hơn 1.500ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 1.000ha. Thời gian qua, liên tục xảy ra mâu thuẫn giữa người dân nuôi trồng thủy sản và dân khai thác tự nhiên. Do vậy, huyện quy hoạch lại bãi triều là để phân chia lại cho rõ ràng khu vực nuôi trồng và khu vực khai thác tự nhiên, tránh mâu thuẫn giữa người dân và cũng để phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng, huyện sẽ cấp kinh phí cho xã Quảng Minh.
|
Hàng trăm chòi canh ngao của dân có nguy cơ bị phá dỡ. |
Về thông tin chính quyền xã Quảng Minh liên tục tổ chức phá bãi ngao của người dân như NTNN đã phản ánh, ông Chiến thừa nhận, trong quá trình xã thực hiện cưỡng chế còn nhiều điểm chưa hợp lý đã gây phản ứng từ người dân.
Để việc nuôi trồng thủy sản được chuyên nghiệp và ổn định, ông Chiến cho biết, UBND huyện Hải Hà đã có chủ trương thành lập HTX nuôi trồng ở xã Quảng Minh. Đây cũng chính là nguyện vọng của nhiều người dân địa phương với mong muốn ổn định để làm ăn lâu dài, đóng góp vào kinh tế địa phương.
Trong buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Hải Hà đã không thể chỉ ra một cách cụ thể tính hiệu quả của việc quy hoạch, chia lại bãi triều so với hiện nay.
Để làm 1 chòi canh ngao tốn kém khoảng 70 triệu đồng. Nếu chính quyền yêu cầu phá dỡ rồi thay mới hàng trăm chòi thì dân thiệt hại biết bao nhiêu cho kể. Đó là chưa tính đến việc chúng tôi đầu tư tiền cải tạo, dọn bãi, nhiều nhà còn bơm cả cát vào.
Về phía các hộ dân ở Quảng Minh, anh Nguyễn Văn Sơn - chủ một hộ nuôi ngao - phân tích: “Việc quy hoạch lại bãi triều không chỉ làm tốn kinh phí của Nhà nước mà còn làm khó cho chúng tôi vì hiện nay, chỉ riêng việc UBND xã không cho người dân thả giống từ giờ đến hết tháng 9 cũng đã gây thiệt hại cho vụ ngao tới từ 15 - 20 tỷ đồng”.
Theo anh Sơn, nếu quy hoạch lại rồi phân chia nhỏ lẻ bãi triều thì cũng sẽ làm rối thêm tình hình. Còn nếu chính quyền có chủ trương quy hoạch để ổn định lâu dài, dân không phản đối nhưng chỉ mong chòi nào giữ nguyên chòi đó. Để làm 1 chòi canh đã tốn kém vài chục triệu đồng. Nếu chính quyền yêu cầu phá dỡ rồi thay mới hàng trăm chòi thì dân thiệt hại biết bao nhiêu cho kể.
“Đó là chưa tính đến việc chúng tôi đầu tư tiền cải tạo, dọn bãi, nhiều nhà còn bơm cả cát vào. Nếu quy hoạch lại, chính quyền có tính những khoản này để đền bù cho dân hay không?” - anh Sơn lo âu.
Khánh Gia - Hoàng Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.