Làm mương để nước chảy đi chỗ khác
Ngày 3/8, Dân Việt có đăng tải bài viết “Hết vướng cống lại gặp mương QL20, có sổ đỏ không được làm nhà” phản ánh về việc thi công cống thoát nước trên QL20, sau đó là cống dẫn dòng đi dọc QL 20 khiến gia đình ông Nguyễn Chánh Trung (49 tuổi, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) không được cấp phép xây dựng mặc dù đã có sổ đỏ.
Theo đó, lý do cơ quan chức năng huyện Đức Trọng không cấp giấy phép xây dựng cho ông Trung là: Mặt bằng định vị tứ cận không thể hiện giáp mương dẫn dòng đường Quốc lộ 20. Phương án thi công móng và tầng bán hầm chưa đảm bảo an toàn. Nếu thực hiện theo hồ sơ bản vẽ thiết kế xin phép xây dựng này thì công trình không có đường đi để tập kết vật tư xây dựng công trình cũng như lối đi vào nhà và lối đi lên Quốc lộ 20.
Ông Trung không làm được nhà trên đất của mình dù đã có sổ đỏ. Ảnh: Văn Long.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mậu Thế (Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đức Trọng). Ông Thế giải thích: “Mặt bằng định vị tứ cận không thể hiện giáp mương dẫn dòng đường Quốc lộ là chúng tôi xác định dựa vào giấy xin phép xây dựng của gia đình ông Trung. Chúng ta có thể hiểu rằng khi xin cấp phép xây dựng thì xung quanh lô đất của ông Trung tiếp giáp với những gì thì giấy xin cấp phép phải thể hiện đầy đủ. Trong trường hợp này, trong bản vẽ thiết kế của ông Trung thể hiện thiếu mương dẫn dòng của QL20”.
Cũng theo ông Thế, việc thiết kế cống trên QL20 có 3 giai đoạn: Thiết kế cơ sở, phê duyệt dự án và thiết kế văn bản thi công. “Bản thiết kế thi công đã có sự điều chỉnh và đơn vị thi công đã tiến hành làm cống xong trước khi ông Trung có đơn khiếu nại”, ông Thế khẳng định.
Ông Thế khẳng định, đơn vị thi công đã làm cống xong trước khi ông Trung làm đơn khiếu nại. Ảnh: Văn Long.
“Thực tế, trước đó Bộ GTVT đã có văn bản nếu địa phương không giải quyết được vụ việc với gia đình ông Nguyễn Chánh Trung thì bộ sẽ cắt dự án đến đó. Phần còn lại nếu cống thoát nước xối vào đất của dân thì người dân và địa phương phải chịu. Chính vì vậy, làm cái mương dẫn dòng, để nước chảy đi chỗ khác là có lợi cho người dân”, ông Thế nói.
"Vì vậy, điều bây giờ cần nhất là ông Trung đến Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 để làm thủ tục xin phép cải tạo mặt bằng. Khi được đồng ý, thống nhất phương án cải tạo và bổ sung những phần còn thiếu trong giấy xin cấp phép xây dựng thì huyện Đức Trọng sẽ đồng ý, tạo điều kiện cho người dân xây dựng trên đất của mình" - ông Thế cho hay.
Sẽ tạo điều kiện cho dân làm nhà
Trao đổi về việc này, ông Bùi Duy Anh – Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ IV.1 cho biết: “Theo Nghị định số 11, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thông tư số 50 hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định này nghiêm cấm xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ. Đối với gia đình ông Trung nếu được cấp đất ngoài hành lang đó thì sẽ thực hiện theo luật đất đai”.
Ông Trung đã gõ cửa rất nhiều đơn vị quản lý nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Văn Long.
Ngoài ra ông Duy Anh cũng cho biết, luật đã nghiêm cấm những hộ dân không được đấu nối trực tiếp với quốc lộ, mà chỉ được đấu nối theo hệ thống đường gom. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay trên nhiều tuyến quốc lộ qua các địa bàn, nhiều địa phương không đủ kinh phí để xây dựng đường gom theo luật. Vì vậy, việc đấu nối của người dân hiện nay là mang tính tự phát và vì nhu cầu sử dụng thiết yếu.
Như vậy, nếu như gia đình ông Trung muốn làm nhà trên lô đất của mình, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho gia đình làm đường tạm để tập kết vật liệu xây dựng nhưng phải đảm bảo an toàn và ổn định kết cấu công trình giao thông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.