Ông Thắng cho rằng, việc tàn phá rừng trên địa bàn là có xảy ra trong thời gian qua. "Tuy nhiên trong phóng sự có một số nội dung phản ánh không chính xác, có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp".
Ngay trong bản tin tối 2.8, VTV đã “trả lời” Công an tỉnh Đắk Lắk bằng cách phát lại phóng sự mà công an cho rằng có sự dàn dựng. Từ một phóng sự phát cách đây 3 tháng, nhiều người chưa xem, cơ quan chức năng ở Đắk Lắk và VTV khiến bạn đọc tò mò và “khai quật” lại để xem cho kỹ.
Ảnh chụp từ Clip.
Bình luận về phóng sự của VTV, nhà báo Đức Hiển - Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, viết: “Hình ảnh về việc nhận mãi lộ bảo kê phá rừng sinh động và chân thực: Cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế Đắk Lắk, trạm bảo vệ rừng, chủ bãi. Giá mỗi chốt 200.000 đồng đến nhiều triệu. Trưởng trạm thừa nhận nhân viên cầm tiền là lính mình; nhân viên giải thích "em cầm tiền của tài xế xe gỗ không vì quyền lợi cá nhân" (?!). Thậm chí tiền mãi lộ được cán bộ cho khất nợ khi lái xe không mang đủ.
Tôi tin chuyện nhận hối lộ làm ngơ cho phá rừng của một số cán bộ mà VTV đã nêu, là có thật.
Tôi cũng nghĩ chuyện VTV dàn dựng một vài cảnh quay nhằm minh hoạ cho tệ trạng phá rừng, như tỉnh Đắk Lắk tố ngược, có thể có thật.
Nhưng ở đây có thể thấy cả hai bên đều không fair (chơi đẹp). Với VTV thì đưa liên tục các chứng cứ đắt giá về việc mãi lộ, hối lộ bảo kê phá rừng và vận chuyển gỗ lậu; nhưng chưa trả lời là các bạn có dàn cảnh, trả tiền mớm lời cho mấy người dân mượn cưa phá rừng để quay phim như Công an Đắk Lắk "tố" các bạn?
Còn công an và chính quyền Đắk Lắc thì trưng ra nhân chứng để cho rằng VTV dàn dựng vài cảnh quay nhưng không cho dư luận biết việc mãi lộ, hối lộ bảo kê phá rừng và vận chuyển gỗ lậu (mà VTV đã quay và chất vấn và cán bộ kiểm lâm thừa nhận) là có hay không có”.
Trong phóng sự rất dài của VTV về những tiêu cực xảy ra liên quan đến chuyện bảo kê phá rừng, công an xác minh được những người có mặt trong phóng sự gồm ông Vũ Dũ D, bà Sùng Thị M, bà Giàng Thị X và ông Vàng A T (cùng ở xã Ea Đáh, huyện Krông Năng). Những người này cho rằng trong tháng 4 có hai người đàn ông và một phụ nữ đến nhà xin phỏng vấn, quay phim tại nương rẫy của họ. Nhóm phóng viên này yêu cầu họ mang theo cưa lốc vào rẫy để cưa cây đã chặt hạ trước đó và một cây còn sống để quay phim. Sau đó, họ được các phóng viên cho 600.000 đồng. Cũng như anh Đức Hiển, tôi cho rằng chuyện này có thể có thật.
Tiếc là trong cuộc họp báo, Công an Đắk Lắk đã “quên” không thông báo chuyện cán bộ bảo kê, nhận hối lộ để gỗ ra khỏi rừng đã được kiểm tra, xác minh đến đâu.
Nếu công an lôi những kẻ bảo kê, ăn hối lộ để lâm tặc phá rừng ra xử lý thích đáng thì mới đúng là thực hiện theo chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ tốt hơn là việc đi tìm cho bằng được những người có mặt trong phóng sự để chứng minh là “có sự cắt ghép”. Bởi, nếu không có những nhân vật này thì phóng sự của VTV cũng thể hiện đầy đủ bản chất của nạn phá rừng ở Tây Nguyên.
Hôm nay (3.8), VTV đã cử một nhóm phóng viên lên Đăk Lăk làm rõ những vấn đề mà công an cho là "dàn dựng". Cũng như nhiều bạn đọc khác, tôi mong muốn sự thật sẽ sớm được sáng tỏ - với những thông tin đa chiều từ tất cả các bên có liên quan. Và việc VTV có động thái kiểm tra nghiệp vụ tác nghiệp của PV để sớm có 1 câu trả lời trực diện cho bạn đọc - tôi cho rằng đó là việc thực sự cần thiết.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.