“Bóng rối” hay ho tới cỡ nào mà được chọn công diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT?

Khánh Đăng Thứ năm, ngày 16/05/2024 11:14 AM (GMT+7)
Vở kịch “Bóng rối” có chủ đề về tình yêu đồng tính của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được công diễn 1 suất duy nhất trong ngày 17/5 – Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT.
Bình luận 0

Vở kịch "Bóng rối" do nhà văn Vũ Hoàng Hoa viết kịch bản, NSND Tạ Tuấn Minh đạo diễn, được Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt khán giả vào tối ngày 16/11/2023.

Vở kịch có sự tham gia của NSND Lan Hương (vai bà ngoại), NSND Việt Thắng (vai dượng hói), Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng, mẹ Kiên), Nguyễn Vũ (vai Duy, bố Kiên), Thế Nguyên (vai Cedric), La Thiên (vai Kiên), Thanh Hường (vai bà nội), Minh Thu (vai Linh), Thảo Trang (vai Bi - Kiên lúc bé) Vũ Tuấn (vai Baku)…

“Bóng rối” hay ho tới cỡ nào mà được chọn công diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT?- Ảnh 1.

"Bóng rối" được dàn dựng với thủ pháp mới lạ, phá vỡ các quy tắc của sân khấu truyền thống. Ảnh: NHKVN

Vở kịch có chủ đề về tình yêu đồng tính với đầy sự mới lạ trong cách thể hiện này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Tính từ lúc ra mắt đến nay, "Bóng rối" đã công diễn hơn 20 đêm diễn. Có những suất hơn 200 ghế ngồi của Nhà hát Kịch Việt Nam không đủ chỗ ngồi, khán giả phải đứng hoặc ngồi dọc lối đi để theo dõi vở diễn. Ngày 17/5 tới đây, nhân Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT, Nhà hát Kịch Việt Nam lại tiếp tục công diễn lại vở kịch này.

"Bóng rối" là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (La Thiên đóng) sau cú biến động tâm lý – bố đột ngột qua đời. Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi và thân thương. Bố như hiện thân của nhân vật hoạt hình bước ra từ tập truyện tranh, dìu cậu đi từ những giấc mơ bé thơ đến lúc trưởng thành. Bởi lẽ đó, khi nghe tin bố đột ngột qua đời, Kiên rất sốc. Cậu rất tò mò về cái chết của bố - một nghệ sĩ điêu khắc tài năng, bởi mẹ cậu luôn giấu giếm lí do. Khi bước chân vào căn phòng sáng tạo nghệ thuật của bố, Kiên đã lạc trong những giấc mơ và cũng từ đây nhiều giấc mơ khác đã được mở ra.

“Bóng rối” hay ho tới cỡ nào mà được chọn công diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT?- Ảnh 2.

Vở kịch "Bóng rối" mang đến nhiều thông điệp cho người xem. Ảnh: NHKVN

Trong giấc mơ, Kiên lội ngược về quá khứ, chìm đắm trong hạnh phúc khi thấy những yêu thương bố mẹ dành cho mình khi còn bé và nghẹn trào nước mắt khi biết sự thật trái ngang về những thứ ẩn sau hạnh phúc hôn nhân của bố mẹ. Hóa ra, bấy lâu nay, bố mẹ Kiên luôn gồng mình che giấu một bí mật và họ đã không được sống như mình muốn. Đặc biệt, bố Kiên (Nguyễn Vũ đóng) – một người sáng tạo nghệ thuật đã luôn tạo ra những hình khối khô khốc, co quắp, đớn đau… vì tâm hồn ông bị giam cầm.

Và trong giấc mơ đa chiều không gian và thời gian ấy, Kiên đã biết được sự thật về tình yêu của bố với nhà văn Cedric (Thế Nguyên đóng) – người bạn thân nhất của mẹ. Người mà cả mẹ và cô ruột đều yêu say đắm và rất muốn được đáp lại tình yêu. Mẹ Kiên (Khuất Quỳnh Hoa đóng) đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân. Bà đã mở cho bố Kiên một lối đi nhưng bố Kiên đã không thể bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: "Mẹ ơi, con thương mẹ… Bố ơi, con thương bố".

“Bóng rối” hay ho tới cỡ nào mà được chọn công diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT?- Ảnh 3.

"Bóng rối" kể câu chuyện về những ẩn ức và bi kịch của tình yêu đồng tính. Ảnh: NHKVN

Và cái kết mở mà Tạ Tuấn Minh chọn để kết thúc vở kịch đã rất hợp tình hợp lý khi gợi lên trong tâm tưởng người xem những suy nghĩ khác nhau. Đạo diễn đã cố tình để mỗi khán giả viết nên một cái kết cho riêng mình.

Thông điệp cuối cùng khi màn nhung khép lại đó là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát hoặc tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội… nên ta mãi chưa chạm tới. Những cuộc đấu tranh nội tâm như những cuộc chiến khiến ta lâm vào bi kịch của chính ta.

"Bóng rối" truyền tải nhiều thông điệp góc khuất sâu thẳm trong mỗi người

“Bóng rối” hay ho tới cỡ nào mà được chọn công diễn trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị cộng đồng LGBT?- Ảnh 4.

NSND Lan Hương, NSND Việt Thắng có màn đối đáp rất duyên dáng và hài hước trong vở diễn. Ảnh: NHKVN

Nhà văn Bình Nguyên Trang đánh giá, đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã cố tình làm rối khán giả khi dàn dựng "Bóng rối" với cách kể chuyện rất mới. Cấu trúc thông thường bị xé ra, thành một cấu trúc khác. Không gian, thời gian của câu chuyện như trộn lẫn vào nhau. Nhiều thủ pháp sân khấu được đạo diễn sử dụng giống như một "mê cung" mà người xem không hề được phép vừa xem, vừa xao nhãng.

"Có bóng gì trong "Bóng rối", có lẽ là bóng của dũng cảm, sẵn sàng bước qua cái cũ, sẵn sàng bước qua ngờ vực. Từ cách nhìn như vậy, xem "Bóng rối" là "mừng rối". Điểm cộng đặc biệt của vở diễn là dàn diễn viên đẹp, diễn xuất những pha tâm lý phức tạp giỏi, đắt. Xem "Bóng rối" rồi thấy yêu sân khấu nhiều hơn", nhà văn Bình Nguyên Trang chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem