Bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính trong thập kỷ vừa qua, Bồ Đào Nha chứng kiến làn sóng di cư mạnh mẽ để kiếm kế sinh nhai. Bằng chứng là đang có hơn 2 triệu công dân quốc gia bán đảo Iberia này sống tại hải ngoại, chiếm khoảng 1/5 dân số.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 1.

Trong khoảng 5 năm, ông Jose Fernandes là một trong số di dân theo dạng mưu sinh đó. Thất nghiệp, không kiếm đủ tiền chu cấp cho gia đình, ông quyết định đến Thụy Sĩ tìm việc làm cải thiện cuộc sống. Kế hoạch ban đầu của ông là đưa cả vợ và 3 đứa con đi cùng, nhưng vấn đề nhanh chóng nảy sinh: Bruno, cậu con thứ, từ chối đi cùng. Không chỉ vậy, Bruno còn dọa bỏ trốn nếu cố ép cậu sang Thụy Sĩ. 

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 2.

Chơi cho đội trẻ Boavista lúc bấy giờ, một Bruno non nớt vẫn không sẵn sàng rời bỏ đội bóng quê hương. “Ở Thụy Sĩ, họ đâu biết chơi bóng đá”, cậu nhiều lần phản bác lời bố mẹ.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 3.

Cuối cùng, mong ước của cậu cũng trở thành hiện thực. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, trong khi ông Jose thu dọn hành lý để đến miền đất hứa, mẹ của cậu, bà Virginia Borges, quay trở lại Gueifaes, một quận ngoại ô Maia, cách Porto 15 phút đi xe – để giúp con trai theo đuổi giấc mơ chơi bóng.

Sớm hơn rất nhiều so với kỳ vọng của bà, quyết định vô cùng khó khăn đó của gia đình đã được đền đáp. Trong trận đấu của đội U19, Bruno thu hút sự chú ý bởi một tuyển trạch viên từ Novara, Italia và nhận được đề nghị hấp dẫn để thoát ly khỏi gia đình vào giữa năm 2012. Khác hẳn với đề nghị đi ra nước ngoài từ ông bố, lần này Bruno lập tức gật đầu. Và như vậy, ở tuổi 17, sau khi Novara và Boavista đạt thỏa thuận chuyển nhượng với mức phí 40.000 euro, đến lượt cậu lên đường.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 4.

Khi Bruno đến sân bay Porto vào tháng 8/2012, không một ông kính máy quay nào đợi cậu. Không người hâm mộ, không tiếng la hét, chỉ có cậu và người thân trong gia đình. Khác hẳn cái cách cậu rời Bồ Đào Nha 8 năm sau, vào tháng 1/2020, để đầu quân cho M.U, một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới. Cậu là Bruno Fernandes.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 5.

Bruno Fernandes không phải là một thần đồng, nhưng hiện tại anh là một trong những cầu thủ được đề cập đến nhiều nhất tại châu Âu. Sau nhiều năm lang bạt, cuối cùng tiền vệ người Bồ Đào Nha tìm thấy miền đất hứa của mình ở Sporting Lisbon. Tại đội bóng cũ của Figo và Cristiano Ronaldo này, Bruno đã đạt được hiệu suất đáng kinh ngạc trong 2,5 mùa giải: 63 bàn thắng, 48 kiến tạo sau 135 trận đấu.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 6.

Bruno là cầu thủ vượt trội đến nỗi một trong những đồng đội của anh, cầu thủ người Macedonia, Stefan Ristovski từng nói với anh một cách nghiêm túc: “Hãy ở lại với chúng tớ trong mùa giải tới – nếu không, chúng tớ chỉ còn là đám chết giẫm”.

Tại Lisbon, Fernandes đã kết hợp đặc biệt hiệu quả với trung phong người Hà Lan, Bas Dost, chân sút sau đó đã chuyển đến Eintracht Frankfurt. “Cậu ấy có kỹ thuật hoàn hảo”, Dost chia sẻ trên FourFourTwo. “Bruno xử lý bước một xuất sắc và những cú sút không thể tin nổi”.

Thực tế, người hâm mộ Sporting Lisbon đã không được chứng kiến một tiền vệ có tầm ảnh hưởng lớn như vậy kể từ huyền thoại Bulgaria, Krasimir Balakov, người đã làm nức lòng nửa xanh thành Lison những năm đầu thập niên 1990. Ngay cả Cristiano Ronaldo và Luis Figo cũng không có được chỗ đứng trang trọng như vậy trong lịch sử đội bóng.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên sau khi câu chuyển chuyển nhượng kéo dài vài tháng, việc Fernandes đến sân bay Tyres để đáp máy bay riêng đến Manchester được chiếu trực tiếp trên truyền hình Bồ Đào Nha.

“Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này một thời gian dài và tôi có thể cam đoan: Bruno Fernandes là cầu thủ xuất sắc nhất chúng tôi có ở Bồ Đào Nha trong vài năm qua”, Sousa Cintra, cựu chủ tịch Sporting Lisbon lý giải.

“Và điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng: cậu ấy thậm chí còn xuất sắc hơn nữa về mặt con người. Cậu ấy là mẫu cầu thủ nâng tầm đội bóng. Cậu ấy lễ độ và kiên định. Cậu ấy mang đến động lực mới cho phòng thay đồ của chúng tôi, dẫn dắt các đồng đội và thúc ép họ chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng. Cậu ấy đến Sporting Lisbon như Ronaldo đến Real Madrid: một thương vụ tuyệt hảo”.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 7.

Người hâm mộ M.U cũng không mất nhiều thời gian để nhận ra phẩm chất quý giá của Fernandes. Tiền vệ người Bồ Đào Nha trở thành cứu tinh cho Quỷ đỏ khi bổ sung những thứ đội bóng này thiếu nhất: Khả năng sáng tạo và khí phách bất phàm.

Gần như ngay lập tức, Fernandes đóng vai trò tiên quyết xoay chuyển mùa giải tưởng chừng bỏ đi của Quỷ đỏ. Ngoài những bàn thắng và kiến tạo, hành động đạt tay lên miệng hàm ý “Câm mồm đi” hướng đến Pep Guardiola, HLV Man City  đánh thức niềm kiêu hãnh ngủ quên trong sâu thẳm trái tim Quỷ đỏ.

Riêng HLV Solskjaer có thể xem Bruno Fernandes là cứu tinh cho chiếc ghế của ông tại Old Trafford. Vị chiến lược gia người Na Uy miêu tả tiền vệ người Bồ Đào Nha là “sự pha trộn giữa Paul Scholes và Juan Sebastian Veron”, và khẳng định “não bộ của cậu ấy có tốc độ xử lý nhanh hơn hẳn người khác” và ca ngợi “phẩm chất bí ẩn” của anh.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 8.

55 triệu euro, số tiền M.U chi ra để chiêu mộ Bruno Fernandes ban đầu bị xem là khoản đầu tư hớ, nhưng anh đã chứng minh điều ngược lại, thậm chí có thể khẳng định anh là thương vụ thành công nhất của Quỷ đỏ trong kỷ nguyên hậu Fergie.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 9.

Fernandes không phải lúc nào cũng nhạy bén đánh hơi săn bàn. Thực tế trong những ngày đầu theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, anh chơi ở hàng phòng ngự thay vì trung tuyến. Mặc dù chưa bao giờ hào hứng với kế hoạch trở thành một hậu vệ, tuy nhiên thời gian phá bóng trong chân cầu thủ tấn công đối phương đã cho Fernandes nhiều kinh nghiệm quý báu để trở thành cầu thủ khôn ngoan hơn.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 10.

Và vì điều đó, anh đặc biệt biết ơn một người: Sergio Marques, người đã nhắn tin chúc mừng sau khi anh ra mắt M.U. Marques là HLV bóng đá đầu tiên của Fernandes. Họ gặp nhau khi Fernandes mới 7 tuổi và gia nhập FC Infesta, một đội bóng nhỏ ở Matosinhos, gần Porto.

“Tiềm năng của Bruno bộc lộ từ rất sớm”, Marques cho biết. “Cậu ấy có năng khiến, nhưng rõ ràng cần mài giũa. Nhóm tuổi do tôi huấn luyện tập vào các ngày thứ Hai, Tư và Năm, và thi đấu vào thứ Bảy. Nhưng cậu ấy muốn học hỏi thêm, vì vậy tôi đã hỏi liệu cậu ấy có muốn thực hiện các bài tập một đối một để cải thiện kỹ năng hay không”.

“Cậu ấy nói có, vì thế vào khoảng 18h30 mỗi tối thứ Ba, tôi và Bruno sẽ luyện tập kỹ năng chuyền và kiểm soát bóng. Một  số người ngày nay mô tả cậu ấy là mẫu cầu thủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng tôi coi đặc điểm đó chỉ là niềm tin mạnh mẽ vào khả năng bản thân”.

Những màn thể hiện đầy hứa hẹn của Fernandes trong màu áo Infesta tại giải đấu trẻ khu vực đã thu hút Porto, nhưng thay vào đó, anh gia nhập Boavista vì đội bóng này cung cấp dịch vụ chuyên chở đến sân tập bằng xe buýt.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 11.

Cho đến năm 15 tuổi, Bruno chủ yếu thi đấu ở vị trí trung vệ. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, cậu ấy đến gặp riêng HLV và tuyên bố không muốn chơi ở hàng phòng ngự nữa. Thay vào đó, anh yêu cầu được khoác áo Pasteleira, đội bóng vệ tinh của Boavista, theo dạng cho mượn. Và chính ở đó, số phận bất ngờ mỉm cười với Fernandes, như để chứng minh anh sinh ra không phải để đá hậu vệ.

“Vào thời điểm đó, chúng tôi đang đánh giá lại các cầu thủ, để tìm ra vị trí tối ưu. Đầu mỗi mùa giải, chúng tôi đều làm việc này”, Antonio Peres, HLV của Pasteleira nhớ lại. “Nếu chúng tôi có sẵn một “số 10”, có lẽ cậu ấy lẽ không tiến lên trên sân cỏ. Nhưng chúng tôi đã không có và cậu ấy nắm lấy cơ hội của cuộc đời”.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 12.

“Cậu ấy thành công ngay lập tức, cậu ấy ghi bàn trong mọi trận đấu. Là một thủ quân, Bruno đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các đồng đội. Cậu ấy luôn ở lại sau các buổi tập để rèn thêm kỹ năng đá phạt và dứt điểm”.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 13.

Cá tính của Bruno là một trong những khía cạnh nổi bật khi Novara quyết định chiêu mộ anh. Ngân sách của đội bóng miền bắc Italia này không quá dư dả nhưng họ đã cử trưởng bộ phận tuyển trạch, Mauro Borghetti đích thân đến Bồ Đào Nha xem “chân cẳng” Fernandes. Trước đó, Miguel Pinho, người đại diện và cũng là anh rể của Fernandes đã giới thiệu anh cho Novara. Bất chấp sự hoài nghi bàn đầu, họ đã không phải hối hận về quyết định cuối cùng.

“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Fernandes là ở Bồ Đào Nha. Tôi không hề biết gì về cậu ấy”, Borghetti chia sẻ. “Cậu ấy được giới thiệu cho chúng tôi, nhưng ngoài điều đó, cậu ấy chưa hề được đội bóng nào phát hiện”.

“Tôi đến xem một trận đấu U19 và cậu ấy là một trong hai cậu bé sinh năm 1994 – những cầu thủ còn lại đều lớn tuổi hơn, sinh năm 1993. Cậu ấy không tạo ra màn trình diễn trên cả mong đợi, nhưng đã thể hiện cá tính và kỹ thuật tuyệt vời. Tôi nghi ngờ cậu ấy có thể biết ai đó đã đến gặp cậu ấy vào ngày hôm đó – trong những thời khắc nhất định cậu ấy đã hoạt động cần mẫn hơn. Nhưng không thể phủ nhận rằng cậu ấy có tài năng”.

“Mùa giải đó, Novara vẫn thi đấu tại Serie A nhưng chúng tôi sắp phải xuống hạng Serie B, vì vậy mục tiêu của chúng tôi là mang về những cầu thủ trẻ có thể tăng giá trị chuyển nhượng trong những mùa giải tiếp theo”.

Cuối cùng, họ kết luận rằng Fernandes đáp ứng mọi yêu cầu. Sau khi đồng ý một thỏa thuận với Boavista, đội bóng Italia đã mời Bruno và mẹ đến để hoàn tất vụ chuyển nhượng cũng như du ngoạn một vòng thành phố.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 14.

“Trước khi lên đường, mẹ của Bruno đã bỏ 50 euro vào túi cậu ấy để phòng trường hợp cậu ấy cần mua bất cứ thứ gì ở đó”, Peres, HLV của Pasteleira nhớ lại. “Đó là số tiền nhiều nhất bà ấy có thể trao cho cậu con trai”.

Từ xuất thân khiêm tốn, Fernandes đã chứng kiến những người thân yêu phải rời bỏ quê nhà để kiếm tìm tương lai tươi sáng hơn. Một thời gian sau khi bố anh sang Thụy Sĩ làm ăn, ông anh trai lớn hơn Fernandes 6 tuổi cũng tiếp bước. Là một cầu thủ làng nhàng, Ricardo sớm treo giày và rời tổ ấm đến Anh làm nhân viên dọn dẹp tại một bệnh viện. Bây giờ Bruno cũng ra đi, nhưng theo cách khác.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 15.

Khi đặt chân đến Italia năm 2012, Fernandes không hiểu một từ tiếng Ý. Và để mọi việc càng tệ hơn, HLV Attilio Tesser của Novara cấm các tân binh nói chuyện bằng tiếng Anh với ông trong tháng đầu tiên.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 16.

Nhưng khó khăn này không cản được tiền vệ người Bồ Đào Nha, dù lúc đó “em chưa 18”. Anh chỉ trải qua 3 tháng với đội U19 Novara. Màn trình diễn ấn tượng nhanh chóng giúp anh có vị trí tại đội một, vốn đang què quặt ở giữa bảng xếp hạng Serie B sau khởi đầu đáng thất vọng.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 17.

Từ khi Fernandes xuất hiện, Novara hồi sinh và kết thúc ở vị trí thứ 5, giành vé dự play-off. Tiền vệ người Bồ Đào Nha được báo chí địa phương xưng tụng là “Maradona thành Novara”, với 23 lần ra sân và 4 bàn thắng. Những ông lớn như Juventus hay Milan bắt đầu để mắt đến anh. Trong khi đó, Borghetti nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, cậu ấy chắc chắn có giá trị ngang Maradona”.

Fernandes được Udinese săn đón vào mùa Hè 2013. Đội bóng này chèo kéo anh bằng lời hứa ra sân thường xuyên và tăng lương gấp nhiều lần mức 1.500 euro/tháng ban đầu. Anh gật đầu và trải qua 3 năm gắn bó cùng Le Zebrette. Tại đây, Fernandes phát triển mối quan hệ đối tác đặc biệt ăn ý với Antonio Di Natale, huyền thoại sống của Udinese. Mặc dù vậy, tiền đạo kỳ cựu người Italia chưa hoàn toàn hài lòng với hậu bối người Bồ Đào Nha và công khai chỉ trích vào năm 2015.

“Đôi khi cậu ta làm tôi khó chịu”, Di Natale cho biết. “Cậu ta tài năng hơn bất kỳ ai trong chúng tôi, cậu ta sở hữu đôi chân đáng kinh ngạc nhưng đôi khi cậu ta trượt dài trong các trận đấu”.

Di Natale đòi hỏi nhiều hơn ở Fernandes. Và Fernandes muốn nhiều hơn ở Udinese. Vì vậy, rốt chuyện, anh lại chuyển CLB một lần nữa vào năm 2016, lần này điểm đến là Sampdoria, nơi anh được trao chiến áo số 10 của Roberto Mancini. Tuy nhiên, sự thiếu tham vọng của đội bóng này, cụ thể chỉ cán đích ở vị trí thứ 10 tại Serie A và dừng bước ngay vòng 1/8 Cúp QG Italia khiến con người hãnh tiến như Fernandes trở nên đơn độc tại Stadio Luigi Ferrrari.

Thế nên, anh quyết định hồi hương chỉ sau 1 mùa giải. Với 8,5 triệu euro, Fernandes trở thành cầu thủ đắt giá thứ hai trong lịch sử Sporting Lisbon. Anh được vinh danh là Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG Bồ Đào Nha ngay mùa giải đầu tiên. Nhưng khởi đầu đầy hứa hẹn đó bị phá vỡ bởi nhóm CĐV quá khích chừng 50 người. Nhóm người cực đoan này cảm thấy thất vọng vì Sporting không đủ điều kiện dự Champions League nên đã đột nhập khu tập luyện Alcochete của đội bóng và tấn công toàn đội bằng thắt lưng, nắm đầu và gậy gộc vào tháng 5/2018.

“Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế. Tôi sợ điều đó có thể xảy ra với gia đình mình, và (sau vụ tấn công) tôi tức tốc đưa vợ con đến Porto”, Fernandes nói trong lời khai về vụ tấn công và cho biết thêm rằng anh thậm chí đã thuê bảo vệ riêng.

Hệ quả của vụ tấn công là Fernandes nằm trong 9 cầu thủ… bị hủy hợp đồng. Nhưng ngay sau đó, BLĐ Sporting Lisbon lại muốn tái ký hợp đồng với anh. Trước khi đồng ý quay lại, tiền vệ này đã từ chối những đề nghị từ Anh và Tây Ban Nha, với mức lương gấp đôi ở Lisbon. Đó là chữ tín của Fernandes.

Mặc dù một số CĐV vẫn hoài nghi về lý do Fernandes trở lại, anh trả lời bằng màn trình diễn bùng nổ nhất của một tiền vệ trong lịch sử đội bóng. 32 bàn thắng, 17 kiến tạo ở mùa 2018/19, phá kỷ lục được thiết lập trước đó bởi Alex, ngôi sao người Brazil của Fenerbahce ở mùa 2010/11. Màn trình diễn phi phàm ấy chính là chìa khóa mở cánh cửa để Fernandes gia nhập Manchester U.U, nơi anh sắm vai cứu tinh hàng tuần.

Bruno Fernandes: Cãi lời cha, gia tài của mẹ và hành trình trở thành cứu tinh M.U - Cầu Thủ - Ảnh 19.

Từ thằng bé cãi lời cha đến chuyến phiêu lưu chỉ với 50 euro gia tài của mẹ tại Italia, từ Sporting Lisbon náo loạn đến M.U điêu tàn, Bruno Fernandes đã và đang đi trên hành trình dài đầy biến động mà bên cạnh tài năng, nếu không có khí phách phi phàm, anh không thể vượt qua.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem