Đất nông - lâm trường lãng phí, thu hồi ngay

Ngọc Lê Thứ tư, ngày 11/11/2015 14:45 PM (GMT+7)
Ngày 10.11, Quốc hội đã dành gần 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (NLTQD), giai đoạn 2004-2014.
Bình luận 0

Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, việc sử dụng đất tại các NLT hiện nay còn lãng phí, những nơi sử dụng chưa đúng mục đích cần phải có biện pháp kiên quyết để thu hồi.

Phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp đất rừng

Trước khi bước vào phần thảo luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã trình bày báo cáo giám sát về tình hình sử dụng đất tại các NLT. Theo ông Ksor Phước, qua báo cáo của Chính phủ, đến năm 2014, với 653 NLT đang quản lý, sử dụng hơn 7,9 triệu ha đất.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, mới có 112 NLT đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích hơn 472.000ha; còn 242 NLT đang quản lý sử dụng trên 1,98 triệu ha đất, nhưng chưa thực hiện chuyển sang diện thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền. “Điều này chứng tỏ việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan, cấp chính quyền và các công ty nông, lâm nghiệp là chưa nghiêm, chưa đúng pháp luật”- ông Ksor Phước nêu rõ.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) phát biểu về việc sử dụng đất nông - lâm trường. Ảnh: Hoàng Long

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc sắp xếp, đổi mới các NLT chủ yếu mới là hình thức, đổi tên gọi, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp. “Nhiều nông trường đã hình thành các khu dân cư tự phát, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại để bảo đảm theo quy hoạch có thể công nhận các đơn vị hành chính mới”- ông Hà nói.

ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) lại lo ngại về tình trạng, trong khi đất NLT bỏ hoang nhiều thì người dân tại đó lại thiếu đất sản xuất. ĐB Thu Anh cho biết, qua giám sát cho thấy tại tỉnh Sơn La có 13.534 hộ và tỉnh Yên Bái có 9.799 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở; tỉnh Thái Nguyên có 2.699 hộ thiếu đất sản xuất nhưng đến năm 2014 lại tăng lên đến 10.265 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, ĐB Thu Anh cho rằng, một phần là do tình trạng cho thuê đất tự do diễn ra từ nhiều năm nay tại các địa phương, như ở Gia Lai, người dân cho thuê với mức giá chỉ khoảng 500.000 đồng/sào, nhưng thời hạn thường kéo dài từ 4-5 năm, thậm chí 10 năm.

Trong khi người dân thiếu đất sản xuất thì có một số công ty ký hợp đồng khoán với cá nhân ngoài địa phương mà không ký khoán với người dân tại địa bàn đó, đã gây ra những bức xúc, mâu thuẫn giữa các công ty, lâm trường với hộ dân, giữa hộ dân với chính quyền địa phương. Từ đó đã xảy ra những vụ tranh chấp khiếu kiện về đất đai.

Thu hồi đất sử dụng sai mục đích để giao cho dân

"Từ năm 2004-2014, các NLT chỉ đóng góp được có 1.700 tỷ đồng, như vậy tính bình quân mỗi ha/năm chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo”.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) 

Trước thực trạng bức xúc trên, ĐB Thu Anh đề nghị, Chính phủ cần phải rà soát lại quỹ đất  chưa sử dụng của từng địa phương, kiên quyết thu hồi những diện tích đất sử dụng sai mục đích, kém hoặc không có hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát, sang nhượng trái phép để xem xét giải quyết cho những hộ bị thiếu đất ở và đất sản xuất.

Chia sẻ quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cho rằng: “Chúng ta phải mạnh dạn cho giải thể, phá sản đối với các công ty, nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai giao khoán, đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích. Đẩy nhanh công tác rà soát xác định diện tích 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một phần diện tích rừng phòng hộ xung yếu, rừng nghèo kiệt chuyển sang phát triển rừng sản xuất, giao đất cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn”.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thì xót xa, các NLT, ban quản lý rừng và khu bảo tồn, vườn quốc gia quản lý gần 8 triệu ha. Song, sử dụng đất NLT kém hiệu quả, còn lãng phí, đóng góp vào ngân sách chưa nhiều. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung Nghị định 135/2005 về giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất ở các NLT...

Hai Bộ trưởng giải trình về trách nhiệm

Lý giải về hiệu quả kinh tế của các NLT còn thấp, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang giải thích, trong gần 8 triệu ha đất, chỉ có 600.000ha đất nông nghiệp, trong đó Tập đoàn Cao su chiếm 300.000ha, số còn lại chia cho các NLT, nên đất sản xuất là rất nhỏ. Còn lại là đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên không có nguồn thu.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Quang thừa nhận Bộ TNMT có khuyết điểm đã chậm ban hành văn bản một số hướng dẫn công tác quản lý đất NLT. Chưa tổ chức thanh tra tất cả các NLT sử dụng đất. "Các đại biểu Quốc hội nói nhiều đến trách nhiệm của bộ thế nào, bộ chúng tôi là bộ chủ quản, còn các NLT một phần ở  Bộ NNPTNN, một phần ở Bộ Công Thương, một phần ở UBND các địa phương, cho nên cần phải làm rõ" - ông Quang nói.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, nhìn tổng thể thì một số NLT đã có những đóng góp rất quan trọng. Chính nhờ nông trường mới hình thành được ngành cao su, cà phê, chè... “Tôi băn khoăn khi có ý kiến của đại biểu nói đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất có vẻ là vì NLT. Tôi xin Quốc hội minh xét lại chỗ đó” - ông Phát băn khoăn.

Về trách nhiệm quản lý của ngành, ông Phát xin nhận khuyết điểm với Quốc hội về việc tổ chức thực hiện kém hiệu quả: “Bản thân tôi cũng thấy điều đó, cố gắng làm nhưng không đạt được như mong đợi. Chúng tôi mới chỉ tập trung cho các NLT thuộc diện quản lý của bộ. Việc phối hợp các địa phương kiểm tra, giám sát các nông, lâm trường thuộc diện quản lý của các địa phương, các đơn vị khác còn thiếu”.

                Lương kết (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem