Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ sớm bổ sung mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới cho vùng này. Về phía Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng hứa chuẩn bị 22.000 tỷ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên với tham vọng trồng được 200.000ha mắc ca. Ông có nhận định gì về khả năng triển khai mục tiêu này?
- Tôi thấy vấn đề này không đơn giản. Trước hết, về điều kiện sinh thái thì khu vực Tây Nguyên chỉ có vùng Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng là có điều kiện đất đai phù hợp. Thế nhưng, vùng này chủ yếu đã trồng cà phê, tiêu rồi thì chẳng lẽ phá đi mà trồng mắc ca. Đất trồng thuần đã không còn ha nào, rồi không được phá rừng thì lấy đâu ra diện tích đủ lớn để trồng.
Thứ 2 là căn cứ vào tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT, đó là chỉ trồng ở nơi nào đã khảo nghiệm thành công. Về nguyên tắc, thành công là khi anh bước vào giai đoạn kinh doanh tối thiểu 3 năm, đánh giá về năng suất, chất lượng, giá thành… khi đó mới gọi là thành công nhưng đến nay vẫn chưa có. Thực tế, thời gian để nghiên cứu cây mắc ca thành công thì phải mất từ 10 - 15 năm hoặc ở Trung Quốc dù phải qua tận Úc mời chuyên gia, mua bản quyền… nhưng cũng phải mất đến 7 năm…
Tức là khi đã đáp ứng những tiêu chuẩn đó, còn phải kèm theo nhiều tiêu chuẩn khác?
- Mắc ca là loại cây trồng cực kỳ khó tính. Theo nghiên cứu quốc tế đã khuyến cáo, chỉ trồng trên độ cao trên 500m so với mặt nước biển, yêu cầu tháng 11, 12 và tháng 1 phải có 5 tuần có nhiệt độ ở ngưỡng 18 độ C thì mới thuận lợi trổ hoa. Nói chung nhiệt độ và ánh sáng rất quan trọng để cho cây tổng hợp diệp lục tố và phát triển. Nhiệt độ lý tưởng để cho cây mắc ca phát triển và cho năng suất cao và chất lượng hạt tốt là từ 20-25 độ C, khi nhiệt độ lên quá 35 độ C thì cây sẽ không phát triển, tàn úa và có thể dẫn đến chết cây.
Như ông nói, mắc ca nếu như trồng thực sinh thì chỉ… chặt làm củi. Vậy phải chọn giống như thế nào?
- Trước hết, phải căn cứ vào điều kiện đất đai xem có phù hợp hay không. Kế đến là chọn cây giống, phải là giống ghép, nguồn gốc do Bộ NNPTNT công nhận. Kế đến phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến mà thị trường thế giới công nhận. Có như thế mới tạo ra sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn và đạt được 3 USD/kg.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi thì hiện 1ha cây cho thu hoạch tốt, ngay tại nước Úc là nơi nguyên sản ra cây mắc ca cũng chỉ cho lãi khoảng 5.000 đô la Úc (khoảng 80 triệu đồng), thì so với những cây trồng khác hiện nay ở vùng Tây Nguyên cũng không thắng được.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.