Trước tháng 10 năm ngoái, tôi chưa từng gặp anh Tăng Xuân Trường (sinh năm 1972). Nhưng mỗi lần có dịp về Hội Nông dân (ND) tỉnh Hải Dương hay Chủ tịch Hội ND tỉnh này là bà Phạm Thị Thu Bình lên Hà Nội họp hành, công tác thì gần như đều nhắc đến tên anh. Nhắc đến tên Tăng Xuân Trường bởi đây là một trong những hội viên được Hội ND tỉnh theo dõi, chăm chút, giúp đỡ, chia sẻ, động viên trên mỗi bước đường sản xuất kinh doanh…
Nông dân rõ mặt, người “Tây” biết tên
Khu sơ chế, bảo quản, đóng gói rau quả thực phẩm mới nhất rộng hơn 1ha đang được anh Trường gấp rút xây dựng tại xã Gia Tân (Gia Lộc). Dân xung quanh hỏi 10 người, thì có tới 9 người gọi đó là cái nhà máy chế biến rau. Toán thợ đang hối hả xây cổng, khuôn viên còn ngổn ngang gạch, đất cát. Phía trong, một khối nhà lắp ghép công nghiệp đã dựng xong.
Anh Tăng Xuân Trường (giữa) trao đổi với đối tác Hàn Quốc về đơn hàng xuất khẩu cà rốt.
Có tới vài chục người luôn tay luôn chân rửa rau, củ, phân loại, đóng hộp vận chuyển vào kho lạnh. Nhóm khác lại tất bật với việc xếp hàng vào xe container. Hơi nhà lạnh tỏa khắp mọi nơi, ấy vậy mà người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại. Chốc chốc, chúng tôi lại thấy xuất hiện dăm người mắt một mí, nói xì xà xì xồ. Ngồi chưa nóng chỗ, nhưng anh Trường cứ nhấp nhổm bởi 2 cái điện thoại thi nhau đổ chuông. Đáp lời xin lỗi của anh, tôi đùa: “Nhìn cái bộ dạng gầy, đen, tất bật suốt ngày của anh thì ai còn “mơ” làm doanh nhân”. Nghe tôi nói thế, anh chỉ cười hề hề rồi trở lại câu chuyện.
Anh Tăng Xuân Trường (thứ 2, phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội ND tỉnh Hải Dương về dây chuyền sơ chế cà rốt.
Thú thực, trong cái không khí ồn ào của tiếng người, tiếng máy, tôi không thể nắm bắt cho hết được những thông tin, con số mà anh đưa ra. Nào là đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng hết mấy chục tỷ đồng, công suất sơ chế bảo quản, số lượng công nhân, chủng loại rau, củ quả, sản lượng cung cấp cho các bếp ăn tập thể của đơn vị, khu công nghiệp… Nóng ruột, tôi mới hỏi thẳng: “Rốt cuộc, từ tháng 10 năm ngoái gặp em ở sự kiện tôn vinh 63 ND Việt Nam xuất sắc tới nay, anh có gì mới?”. Vẫn cái điệu cười hề hề, anh bảo: “Mới nhiều chứ chú. Này nhé, cái khu này xây dựng nhanh và đi luôn vào sản xuất. Thêm nữa, ngoài cái “ông” Trung Quốc, năm nay anh bán rau cho cả mấy “tay” Hàn Quốc, Nhật Bản, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Thái Lan, sắp tới thêm Malaysia. Mấy người mắt một mí trông to cao nói xì xồ líu lo ngoài kia là khách Nhật và Hàn đấy. Tiến độ xuất hàng rất tốt, mấy bữa nay là 2 container/ngày, sắp tới dễ phải 4 cái/ngày (container 28 tấn)… Vẫn chưa hết, anh còn kể cho tôi một loạt “danh sách” công việc sẽ thực hiện trong thời gian tới như đưa phân xưởng sấy, sơ chế rau lá xanh tăng lên 3-4 lần. Tôi hỏi: “Có được mấy ông xì xồ này, chắc anh phải sang tận Nhật Bản, Hàn Quốc để “bắt mối” à?”. Trường khoát tay trả lời: “Không, không, “nó” nghe thông tin rồi tự tìm đến với mình cả đấy. Trước mắt, “nó” mua của mình hàng cà rốt. “Nó” khen cà rốt của Hải Dương tốt. Hiện tôi đang xuất bình quân 200 tấn cà rốt/ngày, sắp tới phải lên tới 700-800 tấn/ngày”.
Người buôn rau xuyên quốc gia Tăng Xuân Trường (trái) lúc nào cũng tất bật với công việc...
Nói chuyện một hồi, Tăng Xuân Trường có đôi lúc thở dài. Thấy vậy, tôi hỏi nguyên do thì được biết, sở dĩ khu nhà xưởng này đi vào xây dựng nhanh là bởi lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan, trong đó có Hội ND, rồi bà con có đất bị thu hồi đều nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện. Thế nhưng, vẫn có một số thủ tục khiến anh phải chạy lên chạy xuống mà chưa xong. “Lãnh đạo người ta ủng hộ cả thôi, cái chính là mấy “ông” chuyên viên, giúp việc cứ hẹn rồi hẹn”- anh Trường giãi bày.
Buôn rau dễ có mấy ai
Với việc thành lập Công ty TNHH MTV Hưng Việt cách đây hơn 5 năm, anh Tăng Xuân Trường đã là doanh nhân có tiếng ở đất Hải Dương. Chắc chỉ ít người biết anh giờ là doanh nhân, chứ ND các huyện trọng điểm trồng rau của tỉnh thì vẫn lấy cái tên “Trường rau” ra mà gọi. Còn với Trường, trước sau đều nói khí khái: “Tôi là ND, là hội viên Hội ND”. Cầm tinh con chuột, học xong lớp 10 phổ thông thì đi bộ đội liền 4 năm. Rời bộ đội, anh về quê thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) làm anh ND trồng rau. Theo lời anh Trường, thường bà con làm ra được cây rau, nhưng trúng mùa thì rớt giá. Có vụ bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt chất đầy ngoài bờ ruộng, thương lái chả thấy bóng dáng đâu đành bỏ thối, tiếc đứt ruột.
Rồi anh một mình khăn gói, lúc đi tàu, khi bắt xe khách lặn lội đi khắp miền Trung, rồi ngược vào Nam tìm và đặt mối tiêu thụ rau xanh. Anh sang tận Trung Quốc tìm hiểu thị trường và chọn đối tác buôn rau qua cửa khẩu. Bức tranh thị trường tiêu thụ ngày một rõ, Trường quay sang vận động, thuyết phục bà con trong xã cho thuê đất để trồng rau. Rồi các mối đặt hàng nhiều hơn, anh lại đứng ra tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống và ký hợp đồng thu mua sản phẩm với hàng ngàn hộ trồng rau trong và ngoài huyện. Ngành nông nghiệp, Hội ND tỉnh những năm qua tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn ND trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP chính là điều kiện thuận lợi để anh Trường thu mua sản phẩm. Có được chút lời lãi, cộng với vay mượn thêm anh lại dùng để mua sắm xe vận tải, xây kho lạnh, xưởng sơ chế… Những năm đầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, thành công là cơ bản.
Tuy vậy, theo thổ lộ của anh Trường, có thành công nhưng cũng có nhiều “pha” thất bại, mất mát. Ban đầu, do tiền vốn ít, đầu tư xe lạnh chưa đủ chuẩn, mang rau vào miền Nam gặp trời nắng nóng vàng rũ hết, đành phải mất thêm tiền để ngành vệ sinh mang đi vứt hộ. Tiền thu mua vẫn phải trả cho bà con.
Con người “3 thật”
Biết anh Trường còn bao công việc bộn bề đang đợi phía trước, sau mươi phút “làm phiền”, chúng tôi xin “rút lui”.
Về đến TP.Hải Dương, tôi gặp bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh. Đúng như dự đoán từ trước, câu chuyện mà bà Bình “say sưa” nhất vẫn là kể về Tăng Xuân Trường. Bà Bình bảo: “Đấy nhé, chú đến nơi mới biết Trường là “3 thật”- người thật, địa chỉ thật, việc thật. Chị nói thật nhé, ở cái tỉnh Hải Dương này mà có được độ 5 “ông” như Tăng Xuân Trường thì chả lo gì cái chuyện tiêu thụ nông sản cho ND. Tỉnh cũng có hẳn công ty chế biến, xuất khẩu nông sản đấy, nhưng bộ máy cồng kềnh, kinh doanh kém năng động. Do cơ chế cả…”. Tôi nhắc đến mấy cái thở dài khi gặp anh Trường, bà Bình trở nên quyết đoán: “Rồi! Chị và Hội ND sẽ có ý kiến với các ngành. Sáng nay họp chị đã có ý kiến với ngân hàng rồi. Những người như Trường rất cần sự ủng hộ. Đầu tư vào nông nghiệp, làm bạn với ND và chọn “cái món” rau, củ tươi đâu phải ai cũng làm được như Trường…”.
Với kiến thức hạn hẹp, tôi định chia sẻ với bà Bình về một số thời cơ, thách thức của những “doanh nhân nông dân” như anh Trường khi cơ hội Việt Nam ký kết thành công Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP, nhưng đành “nén” lại. Bởi những suy nghĩ đó, tôi đã kịp trao đổi với anh Trường trong khoảng thời gian trò chuyện ngắn ngủi. Tuy trả lời là chỉ mới nghe mang máng về TPP, nhưng có vẻ anh có hiểu được lờ mờ khi tôi hỏi anh: “Tại sao khách hàng đầu năm mới 2015 của anh lại là Nhật Bản? Tại sao sau khi mua cà rốt, khách Nhật Bản lại muốn anh đứng ra đầu tư trồng tới vài chục ha măng tây?”. Chưa trao đổi với bà Bình về chuyện này là bởi, tôi muốn Trường có thêm nhiều thành công rõ nét hơn và thử xem những điều mình thổ lộ với anh đúng được bao nhiêu phần…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.