Công văn triệu tập của Hậu Giang đến tay ông Trịnh Xuân Thanh?

P.V (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 09/09/2016 16:46 PM (GMT+7)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến ông Thanh, trong đó có việc ông xin ra khỏi Đảng. Vấn đề dư luận đặt ra là công văn triệu tập ông Thanh của tỉnh Hậu Giang có đến tay ông Trịnh Xuân Thanh khi mà cả bố đẻ ông và tỉnh Hậu Giang đều không biết ông Thanh ở đâu?
Bình luận 0

Ông Trịnh Xuân Thanh chính xác đang ở đâu? Đến ngày 3.9, ông Trịnh Xuân Thanh đã hết kỳ nghỉ phép để đi chữa bệnh. Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM cho biết, đúng ra ông Trịnh Xuân Thanh phải đến cơ quan làm việc vì ông vẫn là công chức, là tỉnh ủy viên của Hậu Giang và phải tuân thủ những quy định của pháp luật về công chức cũng như những quy định của Đảng.

Tỉnh ủy Hậu Giang về lý cũng phải biết cán bộ như ông Trịnh Xuân Thanh vì sao không đi làm lại sau kỳ nghỉ phép. Nhưng trả lời báo chí, Hậu Giang vẫn chưa rõ ông Thanh đến giờ thế nào. Và dư luận đặt dấu hỏi rất lớn là “cuối cùng ông Thanh đang ở phương trời nào và đang như thế nào?”.

Việc ông Trịnh Xuân Thanh không đến nhiệm sở làm việc sau kỳ nghỉ chữa bệnh đã đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý cán bộ, đảng viên cũng như cách ứng xử cần có đối với một nhân sự đã từng giữ chức vụ quan trọng trong Đảng, chính quyền.

Trong khi đó, thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết, hiện chưa có việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

img

Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus tư nhân mang biển xanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8.9, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM cho biết trên hệ thống của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an chưa cập nhật tình trạng cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cấm xuất cảnh đối với trường hợp này.

Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM, chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền cấm công dân xuất cảnh.

Cụ thể, theo Điều 22 Nghị định 07/VBHN-BCA quy định cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với các trường hợp người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự và người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế, chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh đang trong giai đoạn kiểm tra nên về nguyên tắc ông Thanh chưa bị cấm xuất cảnh.

Vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đến hôm nay đã có thêm những thông tin chính thức và rõ ràng hơn.

Thông tin chính thức và mới nhất phát ra từ Ủy ban Kiểm tra trung ương sau cuộc họp 3 ngày (6 đến 8.9) của cơ quan này tại Hà Nội là đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Thanh.

Sau khi xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh (tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016), Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Thanh.

Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm. Do đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong khi đó, theo thông báo của văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang, ngày 8.9 văn phòng Tỉnh ủy đã nhận được văn bản của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho thường trực Tỉnh ủy (bản photo, được gửi qua đường bưu điện).

Trong văn bản này, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề liên quan đến bản thân ông do đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng.

Như vậy đến thời điểm 8.9.2016, thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận được đơn xin ra khỏi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời, thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề nêu trên.

Ông Lê Công Lý - chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang - xác nhận với Tuổi trẻ văn bản mà Tỉnh ủy Hậu Giang nhận được có chữ ký của ông Trịnh Xuân Thanh giống với văn bản đang được lan truyền trên mạng xã hội trong mấy ngày qua.

Trước đó, tháng 6.2016, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bị dư luận phản ứng vì sử dụng chiếc xe biển số xanh hiệu Lexus. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc xác minh.

Kết quả cho thấy chiếc Lexus mà ông Thanh sử dụng thực chất là xe thuộc sở hữu tư nhân đã được “hóa kiếp”, gắn biển xanh xe công của UBND tỉnh Hậu Giang để cho ông Thanh sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, xác định thêm: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban thường vụ Đảng ủy, HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Vụ việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Thanh lại được thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác.

Với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngày 15.6, Ban Tổ chức trung ương yêu cầu Hậu Giang tạm dừng bầu cử chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 16.6, ông Thanh có đơn xin vắng mặt tại phiên họp đầu tiên HĐND tỉnh khóa mới và nộp đơn xin không tái cử phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tháng 7.2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử (ông Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội tháng 5-2016). Kết quả, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Ngày 13.7, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đã vào Hậu Giang công bố kết luận sai phạm của ông Thanh.

Khoảng đầu tháng 8.2016, ông Trịnh Xuân Thanh có đơn xin thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh gout. Tuy nhiên đến nay, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đã hết thời gian nghỉ phép (vào ngày 3.9) nhưng ông Thanh vẫn chưa trở lại Hậu Giang công tác.

Ngày 9.9, ông Lê Công Lý - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đã gửi thư triệu tập đến tận nhà của ông Trịnh Xuân Thanh. 

Theo ông Lý, thứ ba tuần sau (13.9) ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt tại Hậu Giang theo thư triệu tập của Tỉnh ủy để giải quyết những có liên quan.

Ông Hồ Chí Trung - cán bộ ngành công an về hưu (ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang) cho biết, chính ông là người đã bỏ phiếu bầu ông Trịnh Xuân Thanh là ĐBQH khoá 14.

“Quan điểm của tôi việc khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh là đúng. Qua đọc tin tức trên báo chí, tôi thấy ông Thanh không phải chỉ có 1 lỗi là sử dụng xe biển xanh, ông ấy còn nhiều lỗi khác và một số người có liên quan cũng như vậy. 

Vì vậy, đầu tiên cần phải khai trừ khỏi Đảng, đưa ra khỏi chính quyền để xử lý. Xử lý Thanh phải xử lý từ gốc, vì sai từ Trung ương đến Hậu Giang, không thể đơn giản chỉ 1 mình ông Thanh. Một mình ông Thanh không thể làm được. 

Tôi đề nghị sau khi khai trừ ông Thanh ra khỏi Đảng thì phải truy cho đến cùng vụ việc”, ông Hồ Chí Trung nhấn mạnh.

Theo Vietnamnet

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem