Trước khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng đoàn T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng có gần 20 năm đảm nhiệm những chức vụ quan trọng tại tỉnh miền núi phía Bắc Sơn La như: Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Sơn La…
Đặc biệt, trong quá trình làm “tư lệnh” tại Sơn La, ông Thào Xuân Sùng đã ghi được nhiều dấu ấn trong các hoạt động, nhất là với công tác bài trừ tệ nạn ma túy và Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La.
Chiều nay, 27.12, tại trụ sở Ban Dân vận T.Ư, lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đã thay mặt Bộ Chính trị đọc quyết định phân công ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận T.Ư làm Bí thư Đảng đoàn T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Nhân sự kiện này, PV Dân Việt đã ghi nhận lại ý kiến của người dân tỉnh Sơn La về giai đoạn ông còn gắn bó với mảnh đất này
“Không có ông Sùng thì ma túy làm loạn…”
Đó là nhận định của ông Dương Thanh Long – công dân tổ 10, phường Quyết Tâm, TP.Sơn La về hiệu quả hoạt động phóng, chống tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La những năm ông Thào Xuân Sùng làm Bí thư Tỉnh ủy. Ông Long kể: Ma túy ở đâu ra mà nhiều đến thế, nó lan nhanh trong thế hệ trẻ 7x, 8x làm tang thương nhiều gia đình và rối tinh cả trật tự công cộng.
Có những năm 2004-2008, cứ mở tivi Sơn La ra là thấy thông báo tin buồn “con, em chúng tôi mắc bệnh hiểm nghèo…”, tuổi người chết thì toàn đầu 7, đầu 8 mà thấy xót xa. Ngoài đường thì con nghiện đi thành tốp, tay cầm kim tiêm. Chúng xin đểu cũng nhiều mà ăn cướp cũng không ít. Những ai không may gặp phải chúng thì cũng ngậm miềng chịu thiệt vì chúng hung tợn lắm.
Còn ông Nguyễn Hữu Huân ở tổ 15, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La thì lắc đầu: Nói đến “con nghiện ma túy” những ngày ấy thì đến giờ tôi vẫn phát khiếp. Cứ hở cái gì ra là mất trộm ngay. Do cần tiền hút chích nên chúng rất liều và cùn, từ đôi dép, cái quần tới con gà, xe đạp, xe máy… sểnh ra là mất. Dân chúng tôi đêm ngủ cũng không yên lòng. May mà nhờ chính sách xử lý các “con nghiện” triệt để của ông Sùng nên bây giờ TP. Sơn La mới an toàn như thế này.
Tệ nạn ma túy được đẩy lùi, người dân thành phố Sơn La chung vui với cuộc sống bình yên, hạnh phúc. (Ảnh: K.T)
Với những cán bộ làm công tác ở Hội Chủ Thập đỏ hay Tỉnh Đoàn Sơn La thì “những ngày tháng ấy thường gắn các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, phòng chống phát triển người nghiện mới với thu nhặt bơm kim tiêm mà người nghiện sử dụng xong vứt bừa bãi. Có những buổi sáng ra quân nhặt bơm kim tiêm ngay trong lòng Thành phố này mà chúng tôi thu được tới mấy bao tải, nhiều cái còn máu đỏ tươi” – bà Nguyễn Thị Huệ - cán bộ Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Sơn La nhớ lại.
Bà con vùng tái định cư thủy điện Sơn La vui mừng đón những mùa vàng bội thu trên quê mới.
Hoàn thành sớm 2 năm cuộc di dân mang tầm thời đại
Trong lịch sử Việt Nam, cuộc di dân tái định cư Thủy điện Sơn La được đánh giá là cuộc di dân mang tầm thời đại bởi số lượng hộ dân phải di dời trong 5 năm lên tới hơn 12.500 hộ dân mà chỉ thực hiện trong nội tỉnh Sơn La và gắn di dân với tái định cư, đảm bảo “nơi ở mới thuận lợi hơn nơi ở cũ”. Khẩu hiệu hành động mà Đảng bộ tỉnh Sơn La ngày ấy – dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Thào Xuân Sùng là “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.
Tại các điểm tái định cư thủy điện Sơn La, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống được đầu tư hoàn chỉnh
“Ngày ấy, chúng tôi theo dõi rất chặt thông tin di dân tái định cư của tỉnh vì chúng tôi cũng là những hộ phải di dời vì lòng hồ thủy điện. Chúng tôi thấy ông Thào Xuân Sùng có mặt ở nhiều nơi gian khó để kiểm tra, tuyên truyền, vận động và chỉ đạo việc di dân. Ông ấy lắng nghe ý kiến người dân và tham mưu kịp thời với Trung ương nên người di dân như chúng tôi đã được hưởng nhiều chính sách tốt đẹp của Nhà nước. Chúng tôi có từ cái nền nhà tới đất sản xuất, nhà văn hóa, nhà lớp học, kênh mương tưới tiêu, đường làng ngõ xóm được cứng hóa…” – ông Lò Văn Thanh, dân bản Quỳnh Thuận (xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), tâm sự như vậy.
Chỉ trong vỏn vẹn 5 năm, hàng chục ngàn hộ dân phải di dời và hàng chục ngàn hộ dân sở tại phải sẻ chia quỹ đất ở, đất sản xuất, nguồn nước, nguồn rừng… đã từng bước ổn định đời sống và sản xuất; đó là một kết quả rất lớn vì dòng điện của Tổ quốc. Kết quả ấy đã và sẽ tiếp tục góp phần giúp tỉnh Sơn La bứt phá, vươn lên; đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Người dân tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Sông Mã có điều kiện sống và làm giàu tốt hơn nơi ở cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.