Hôm nay (6.7) bắt đầu Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (đồ họa Việt Anh).
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, sau 11 năm chiến đấu ở Campuchia trở về, vào năm 1991, ông được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6.1991) và được giới thiệu để Đại hội bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Tại Đại hội này, ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.
“Bắt đầu từ thời điểm này trở đi tôi có điều kiện gần gũi, làm việc, trao đổi thường xuyên với ông Đỗ Mười”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhớ lại.
Nói về người tiền nhiệm, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho hay, ông Đỗ Mười là người có nhiều đức tính cách mạng như nhiệt tình, vô tư, trong sáng, gần gũi quần chúng, sát thực tiễn, am hiểu nhiều lĩnh vực, năng nổ, nói phải đi đôi với làm.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (ảnh PV).
“Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có sự độc đáo trong công tác cán bộ, ông nhìn nhận và đánh giá cán bộ rất nhanh, chính xác. Cách lựa chọn cán bộ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ nhằm đáp ứng cho công việc đó mà còn có ý định lâu dài là đưa người được chọn đó vào những vị trí quan trọng hơn trong tương lai. Ông Đỗ Mười đặc biệt chú ý đến những cán bộ trưởng thành từ trong chiến đấu, từ cơ sở”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Do hoàn cảnh của đất nước khi đó mới trải qua thời kỳ chiến tranh chưa lâu nên việc nhìn nhận theo cách của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có lẽ là điều dễ hiểu. Ông Lê Khả Phiêu nói thêm, ông Đỗ Mười là người đưa ra chủ trương với đội ngũ những cán bộ được rèn luyện qua chiến đấu hoặc qua cơ sở cần được lựa chọn cất nhắc. “Từ chủ trương đó đã lan tỏa ra các địa phương nên có nhiều cán bộ ngoài đạo đức, năng lực, đã trải qua chiến đấu hoặc qua cơ sở được lựa chọn để xây dựng thành đội ngũ nòng cốt. Từ đó Đảng và Nhà nước có nguồn cán bộ kế cận dồi dào”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Vẫn theo ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi lựa chọn đội ngũ cán bộ làm chặt chẽ, đúng đắn. “Ông Đỗ Mười trải qua nhiều vị trí công tác, được lựa chọn cán bộ trên nhiều lĩnh vực, với ông không hề có chuyện thân quen, ê kíp, vụ lợi gì, ai có năng lực, năng nổ là ông chọn ngay. Đi công tác ở đâu ông cũng nhìn và đánh giá cán bộ”, ông Lê Khả Phiêu nhấn mạnh.
Theo ông Lê Khả Phiêu cách chọn cán bộ của ông Đỗ Mười nhìn chung chính xác, tỷ lệ sai sót rất nhỏ. “Có lẽ ông trải qua thực tiễn với nhiều vị trí công tác có sự đúc rút kinh nghiệm nên khi lựa chọn cán bộ đã tránh được những sai sót khiến nội bộ hiểu sai nhau, mất ổn định tổ chức. Đây là điểm nổi bật của ông Đỗ Mười, tôi nể phục ông ở điểm này”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Vẫn theo ông Phiêu, ở chiều ngược lại ông Đỗ Mười lại nể phục ông ở quá trình chiến đấu. Chính ông Đỗ Mười khi sang bên quân đội làm việc đã đề nghị giới thiệu để ông Lê Khả Phiêu được bầu vào Trung ương. Sau khi ông Phiêu trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Đỗ Mười lại sang bên Quân đội đề nghị để ông Phiêu tham gia thêm công việc của Thường trực Ban Bí thư cùng ông Đào Duy Tùng (1924 -1998, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư). “Lúc đó tôi nghĩ có lẽ ông Đỗ Mười muốn rút mình ra khỏi Quân đội để làm công tác bên Đảng nữa chăng. Tôi nói những khó khăn của người trở về từ chiến trường còn bỡ ngỡ nhưng ông Mười đã động viên”, ông Lê Khả Phiêu nhớ lại.
Trải qua quá trình công tác, ông Lê Khả Phiêu được bầu vào Ban Bí thư, sau đó được bầu vào Bộ Chính trị. Cuối năm 1997, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, ông được bầu làm Tổng Bí thư thay cho ông Đỗ Mười.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.