Một ngày giữa tháng 3, đã thành lệ từ nhiều năm nay, trong ngôi nhà nhỏ ở làng quê nghèo ven biển (thuộc thôn Khối, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), ông Nguyễn Văn Thống (54 tuổi) lại khoác chiếc áo hải quân gắn đầy huy chương, đôi bàn tay chằng chịt thương tật run run thắp nén nhang trên bàn thờ để tưởng nhớ những đồng đội đã khuất.
30 năm trận chiến bi hùng
Những ngày này, lúc nào ông cũng đau đáu hướng về biển, những trăn trở trong ông lại ùa về. 30 năm trước, 64 đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả sau cuộc chiến ác liệt, đầy bi tráng ở Gạc Ma (thuộc vùng biển Trường Sa). Ông là một trong 9 cựu binh sống sót trở về đất mẹ, mang trên mình đầy thương tích.
Đưa tay quệt dòng nước mắt, ông bảo, vào những ngày tháng 3, ông và những đồng đội còn sống của mình đều một lòng hướng về Gạc Ma, dự lễ kỷ niệm, tự tay thả những vòng hoa xuống biển để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống. Lần nào cũng vậy, những vòng hoa khi thả xuống biển luôn dập dềnh theo ngọn sóng, theo tàu một quãng xa.30 năm đã qua đi nhưng chưa một ngày nào, người lính này lại quên được trận hải chiến kinh hoàng đó. Khi ấy, ông Thống 24 tuổi. Ông bảo, nhiều đồng đội của ông lúc đó còn trẻ hơn nhiều, đa phần mới 18, đôi mươi.
Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống. (Ảnh: I.T)
Ông nhớ lại, cuối năm 1987, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện chiến dịch CQ 88, tăng cường khả năng bảo vệ các đảo, bãi đá chủ quyền.
Đêm 11.3, xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hoà), con tàu HQ 604 chở hơn 100 người, chủ yếu là lực lượng công binh rẽ sóng rời khỏi vịnh vài hải lý đã trở nên nhỏ nhoi, như chiếc lá trước biển cả mênh mông. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, đến chiều 13.3, tàu đến Gạc Ma. Nhiệm vụ của những người lính như ông là giữ đảo, đồng thời vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo làm nhà...
"Chúng tôi đều kiệt sức vì bị thương nặng, giọng thều thào, chỉ dặn nhau được một câu là nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình, rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Thế rồi tôi lịm đi, không biết gì nữa", ông Thống nhớ lại.
|
"Khoảng 6h30 sáng 14.3.1988, hơn 50 lính Trung Quốc bất ngờ mang súng AK bao vây và áp sát bộ đội ta. Chúng tôi bảo nhau đứng thành một vòng tròn vây quanh lá cờ Tổ quốc, quyết tâm giữ được lá cờ. Sau một hồi giằng co, lính Trung Quốc đã nã súng vào thiếu uý Trần Văn Phương khiến anh gục xuống. Lúc này trung sĩ Nguyễn Văn Lanh chạy lên đỡ lá cờ và đá văng khẩu súng của tên sĩ quan. Một tên lính gần đó đã đâm lưỡi lê vào trung sĩ Lanh khiến anh gục xuống, trên tay vẫn ghì chặt cán cờ" - ông Thống kể,, giọng chùng xuống.
Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, Trung Quốc bắn pháo 100 ly làm tàu HQ 604 hỏng nặng, sau đó chúng xông về phía tàu, nã pháo dồn dập khiến tàu thủng nhiều lỗ. Lúc này, ông Thống thấy tàu nghiêng ngả, nước bắt đầu tràn vào qua các lỗ thủng bởi đạn pháo, ông đành nhảy khỏi tàu, túm được tấm ván để vừa bơi vừa bám.
Tàu chìm dần xuống biển, lúc đó khoảng 7h30. Ông Thống bị thương nặng ở mắt, ông lờ mờ nhìn thấy nhiều đồng đội ra khỏi tàu, đang bơi vào Gạc Ma. Do đuối sức, ông không thể bơi theo đồng đội và bị sóng biển đánh ra xa.
"Tôi bị thương rất nặng, máu chảy lênh láng. Tôi túm chặt ván gỗ và để mặc nó trôi trên biển", ông Thống dừng lại một hồi.
"Lúc đó tôi không tin là mình còn cơ hội sống. Giữa mênh mông biển cả, nhìn quanh không thấy ai, tôi gọi tên các đồng đội nhưng không nghe thấy tiếng trả lời, người cứ lịm dần đi vì mất nhiều máu. Nhiều vết thương trên người bị ngâm dưới nước biển lại càng đau xót", ông Thống kể.
Đến khoảng 4h chiều, sau nhiều tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, đói, khát và mất nhiều máu, ông Thống bất ngờ gặp được một đồng đội là Lê Văn Đông cũng đang trôi dạt trên biển. Hai người nhận ra nhau là đồng hương, cùng quê ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
"Chúng tôi đều kiệt sức vì bị thương nặng, giọng thều thào, chỉ dặn nhau được một câu là nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình, rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Thế rồi tôi lịm đi, không biết gì nữa", ông Thống nhớ lại, giọng vẫn còn run run.
Sau này được nghe đồng đội kể lại, ông bị quân Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu, ném vào một ca bin. Sau 3 ngày thì mới đến được đất liền và ông bị giam trong xà lim của Trung Quốc cùng 8 đồng đội. Khoảng vài tháng đầu, ngày nào chúng cũng dựng dậy và tra hỏi, xem ai là chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì... nhưng đều không moi được thông tin gì.
Lá thư 25 chữ
Khoảng năm 1989, lúc này có Hội chữ thập đỏ quốc tế đến thăm, ông và đồng đội của mình được phép viết thư về nhà, nhưng không được quá 25 chữ. Ông và đồng đội bàn nhau, cuối cùng thống nhất viết: "Con đang ở Trung Quốc, gia đình cứ yên tâm".
"Lúc đó, tôi không biết gia đình có nhận được lá thư hay không nhưng chúng tôi cũng chỉ có một ước nguyện là để gia đình biết tin mình còn sống, vậy là đã mãn nguyện lắm rồi", ông Thống nói.
Sau rất nhiều lần hỏi cung, tuyên truyền đủ cách nhưng không khai thác được gì từ những người lính Việt Nam, tháng 8.1991, Trung Quốc đành trao trả 9 tù binh Gạc Ma về Việt Nam. Tính từ ngày ngày bị bắt, ông Thống và đồng đội của mình bị giam cầm 3,5 năm. "Khi trở về, cả 9 người chúng tôi mới biết mình đã được báo tử", ông Thống nhớ lại.
Đó là một ngày tháng 8 nhưng Quảng Bình vẫn nắng bỏng rát. Cả gia đình, các anh chị, cha mẹ lập cập ra đón, nước mắt như mưa. Chẳng ai nói được với ai câu nào, chỉ biết ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Tấm di ảnh lúc đó mới được gỡ xuống. Bà con làng xóm biết tin cũng chạy sang, thăm hỏi chúc mừng.
Giấy báo tử của cựu binh Nguyễn Văn Thống. (Ảnh: NVCC)
Đêm đó, cả nhà ông không ai ngủ được. Người mẹ già cứ ôm lấy con, mân mê bàn tay đầy thương tật của con mà khóc không thành tiếng. Bà bảo bao nhiêu năm, cứ tưởng con trai đã thân xác ngoài biển khơi, chưa một ngày bà không nghĩ đến con.
Ông Thống trở về bị hỏng một mắt trái, chân tay chằng chịt sẹo. Ông là người bị thương nặng nhất trong số 9 cựu binh còn sống sót trở về.
Năm 1992, ông kết hôn với người con gái cùng xã, có với nhau 2 mặt con trai. Ông Thống được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cấp cho mảnh đất ở gần chợ. Hàng ngày, ông phụ vợ buôn bán lặt vặt ngoài chợ, rồi sửa xe đạp, kiếm vài đồng nuôi con. Cuộc sống của người lính Gạc Ma cho đến nay vẫn chưa lúc nào hết vất vả. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát.
Những năm sau này, nhiều cựu binh trong trận hải chiến Gạc Ma đã tìm được đến với nhau. Nhiều anh em, đồng đội ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... dù bị cuốn vào mưu sinh trên miền quê cát trắng gió Lào, mỗi người mỗi cảnh, đa phần có cuộc sống khó khăn, chật vật, đặc biệt là những người lính từng bị giam cầm sức khoẻ giảm sút nhưng thỉnh thoảng họ vẫn tụ họp, tưởng nhớ những người đã khuất hay cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
"Nhiều lúc tôi và mấy anh em chỉ biết gọi điện cho nhau, kể về đồng đội đã hy sinh ngoài biển cả mà lòng quặn thắt. Nhiều đồng đội của chúng tôi giờ làm lao động tự do, thu nhập thất thường, các con cũng không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn...”, ông Thống bỏ lửng câu nói.
Sáng 14.3.1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì lính Trung Quốc bất ngờ đưa quân và đưa tàu chiến đến ngăn cản.
Tại đảo Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang đã cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.
Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15.3.1988. 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, 9 chiến sỹ khác bị quân Trung Quốc bắt khi cố gắng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
|
Kỳ tiếp: Những người mẹ 30 năm ngóng con về từ lòng biển Gạc Ma
Vui lòng nhập nội dung bình luận.