Tuyên bố của Trung Quốc về bãi Tư Chính là không thể chấp nhận

Thành An (thực hiện) Thứ hai, ngày 23/09/2019 07:29 AM (GMT+7)
"Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng về việc Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực bãi Tư Chính là hoàn toàn không có cơ sở kể cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử"- PGS.TS TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo khẳng định.
Bình luận 0

Trước sự việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo để nhận diện rõ những lập luận sai trái và âm mưu của Trung Quốc tại biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

img

Nhà giàn DK1/11 (còn gọi là nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3) trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. (Ảnh: Hoàng Thành).

Lập luận không có cơ sở

Thưa PGS.TS Vũ Thanh Ca, mới đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa. Ông bình luận gì về phát ngôn này?

- Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng về việc Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Vạn An (tên Trung Quốc đặt cho Bãi Tư Chính) là hoàn toàn không có cơ sở, kể cả về lịch sử và pháp lý. 

img

PGS.TS Vũ Thanh Ca - ĐH Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo. (Ảnh: IT)

Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, một vùng bãi ngầm, thậm chí là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. 

Như vậy, tính pháp lý của bãi ngầm Tư Chính chỉ phụ thuộc vào khoảng cách tới bờ biển (hoặc bờ đảo) của các quốc gia lân cận. Nếu khu vực bãi ngầm nằm trong khoảng cách 200 hải lý (370,6 km) tới bờ biển của quốc gia gần nhất, nó sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia đó. 

Nếu nó nằm trong khoảng cách 350 hải lý (648,5 km) tới bờ biển của quốc gia gần nhất và địa hình đáy biển thoải dần ra bên ngoài, nó sẽ thuộc vùng thềm lục địa của quốc gia đó. Nếu nó nằm trong khoảng cách nêu trên của hai quốc gia, nó sẽ thuộc vùng biển chồng lấn của hai quốc gia này và cần được đàm phán để phân định ranh giới biển.

Bãi ngầm Tư Chính nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160 hải lý và cách bờ đảo Hải Nam khoảng trên 600 hải lý. Như vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không liên quan tới Trung Quốc.

Để chống lại quy định nêu trên của luật pháp quốc tế, lý luận của Trung Quốc khi tranh chấp với Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính là khu vực này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trái phép.

Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: 1) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn và 2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. 

img

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Thành).

Cấn lưu ý, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là một phần của luật pháp quốc tế. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, “đường lưỡi bò” là phi pháp và không tồn tại cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” nên bãi Tư Chính thuần túy là thuộc Việt Nam và Trung Quốc không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp. 

Như vậy, có thể thấy rằng về mặt pháp lý Trung Quốc đã sai hoàn toàn khi nói bãi Tư Chính thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.

Về mặt lịch sử, Trung Quốc xưa kia là quốc gia hướng nội địa và từ khi Việt Nam xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ 16 cho tới đầu thế kỷ 20, nhà nước Trung Quốc không có bất cứ động thái nào để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 cũng nêu rõ có thể trong lịch sử một số quốc gia có thực hiện đánh cá và một số hoạt động kinh tế khác trên biển, nhưng cái gọi là “quyền lịch sử” của quốc gia đó từ khi UNCLOS ra đời chỉ được giới hạn trong vùng biển mà quốc gia đó được phân định theo UNCLOS.

Bãi Tư Chính cách đảo Hải Nam của Trung Quốc trên 600 hải lý nên Trung Quốc không thể dùng cái gọi là lịch sử để nói đây là vùng biển Trung Quốc.

Trung Quốc có truyền thống bóp méo luật pháp quốc tế

Trước những diễn biến và động thái của Trung Quốc trong nhiều năm qua, ông có thể chỉ rõ, vạch trần âm mưu của Trung Quốc trong việc muốn viết lại Luật biển và hòng độc chiến biển Đông?

- Trung Quốc là một quốc gia có truyền thống bóp méo luật pháp quốc tế một cách sai trái. Cùng với việc bóp méo luật pháp quốc tế, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh cơ bắp và bẫy kinh tế để buộc các quốc gia khác phải chấp nhận lập luận sai trái về việc diễn giải luật pháp quốc tế của mình. 

img

"Không có nước nào có thể đưa ra yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý, nội dung được quy định trong UNCLOS". (Ảnh: Hoàng Thành).

Các chiến thuật mà Trung Quốc sử dụng để lập luận sai trái về việc diễn giải luật pháp quốc tế, từng bước độc chiếm Biển Đông là “tằm ăn lá dâu”, “cây bắp cải" và “vùng xám”. 

Chiến thuật “tằm ăn lá dâu” giúp họ từng bước chiếm trọn Biển Đông; trong khi chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám” là họ sử dụng rất nhiều lực lượng khác nhau, trong đó chủ yếu là lực lượng dân quân biển ngụy trang dưới dạng các tàu cá được trang bị vũ khí để sẵn sàng phối hợp với các tàu chấp pháp dân sự trên biển như tàu hải cảnh và các loại tàu khác, thậm chí tàu chở hàng để quấy nhiễu vùng biển các nước khác. 

Với các chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám”, Trung Quốc thực hiện việc “bắt nạt” các nước yếu hơn và quản lý chặt, không để tranh chấp trên biển biến thành tranh chấp vũ trang, nhằm gây căng thẳng lâu dài, buộc các nước mà Trung Quốc gây hấn phải đầu hàng, chấp thuận những yêu cầu sai trái của Trung Quốc.

Trở lại với vấn đề người phát ngôn của Trung Quốc cho rằng từ tháng 5/2019 phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước thuộc bãi Vạn An (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam... Ông có thể phân tích rõ lập luận sai trái này của phía Trung Quốc?

- Theo quy định của UNCLOS, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại khu vực bãi Tư Chính và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm phạm trái phép. 

Nếu Trung Quốc muốn nghiên cứu khoa học và thăm dò, khai thác tài nguyên trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam thì Trung Quốc phải xin phép và được sự cho phép của Việt Nam. 

Hành động trái phép của Trung Quốc tại khu vực này là vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và có thể xem là hành động xâm lược.

Có thể thấy tình hình Biển Đông hiện nay đã trở nên rất cấp bách, tiềm ẩn những nguy cơ Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để hành xử, vi phạm luật pháp quốc tế và tự ý khoan thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam. 

10 giải pháp cấp bách

- Để ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là mưu đồ của nước này tại vùng bãi Tư Chính, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì? 

Đối mặt với nguy cơ mới, để đấu tranh một cách hiệu quả với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôi cho rằng chúng ta cần cấp bách thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục các hoạt động phản đối về mặt ngoại giao với Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tiếp xúc song phương, trao công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh, qua các kênh Đảng, chính quyền và các kênh có thể có. Tất cả các tài liệu phản đối sau này sẽ được sử dụng trong cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền.

Thứ hai, trên thực địa, ta cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì phản đối các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động truyền thông để cung cấp cho nhân dân trong nước và các bạn bè quốc tế biết về hoạt động của các tàu Trung Quốc và những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. Cần cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu. Nên tổ chức các chuyến đưa phóng viên trong nước và nước ngoài tới hiện trường Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam để lan tỏa thông tin, khẳng định tính chính danh của Việt Nam.

Thứ tư, cần tận dụng tất cả các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là các diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc để thông báo cho bạn bè thế giới biết về các hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc cũng như các nỗ lực kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần gửi công hàm tới Tổng Thư ký, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc và khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Thứ năm, cần vận động để tìm cơ hội điều trần tại nghị viện các nước, đặc biệt là Mỹ và các nước lớn khác, về các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và vùng biển Việt Nam để các nước khác hiểu và tham gia đấu tranh chống các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Thứ sáu, vận động Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông do các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cùng đề xuất và đưa ra. Theo đó, Dự luật này yêu cầu Chính phủ Mỹ trừng phạt các tổ chức, cá nhân Trung Quốc đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động cải tạo đất, bồi đắp đảo, xây ngọn hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động tại Biển Đông hoặc đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định của các khu vực trên Biển Hoa Đông. Trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc đang xâm phạm, cản trở hoạt động dầu khí  vùng biển Việt Nam, Malaysia và Philippines, việc Nghị viện Mỹ thông qua Dự luật này sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Thứ bảy, cần tuyên bố công nhận và ủng hộ Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc; đồng thời xem xét các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) về việc diễn giải các Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đối với vùng biển Việt Nam để tăng cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sử dụng các kết quả tư vấn để vô hiệu hóa công hàm phản đối Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam do Việt Nam trình cũng như do Việt Nam hợp tác trình lên Ủy ban ranh giới ngoài của thềm lục địa Liên hợp quốc.

Thứ tám, cần xem xét tới đề xuất của Giáo sư Carl Thayer về việc thông báo sẽ bắt giữ các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam và đề nghị Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã các tàu đó. Cần thông báo rộng rãi chủ trương này cho các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.

Thứ chín, cần tích cực chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế thích hợp về việc Trung Quốc xâm phạm và hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác cả về chính trị, ngoại giao và quốc phòng với các nước ASEAN và các nước khác, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức v.v. để tăng cường sức mạnh của mặt trận đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và chống lại các hành động bành trướng, bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông và vùng biển Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem