Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột?

Thứ năm, ngày 26/01/2023 05:52 AM (GMT+7)
Chợ Chuột ngày ấy nay là chợ Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), giờ đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ, hàng hóa đa dạng hơn. Nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nét sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc tinh mơ đến tầm giữa ngày. Những ngày cận tết, chợ đông đúc, náo nhiệt hơn.
Bình luận 0

Cận Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, có người bạn rủ: “Năm Mèo phải đi chợ Chuột mới gọi là biết hết quê mình”. Thấy tôi ngớ người, người bạn giải thích, tôi mới biết hóa ra ở Kiên Giang có một cái chợ tên rất dân dã, mộc mạc, đó là chợ Chuột. Chợ này ngày nay có tên gọi chính thức trong văn bản hành chính là chợ Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột? - Ảnh 1.

Sạp rau, củ của chị Huỳnh Ngọc Đang (bìa phải) - tiểu thương chợ Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) luôn đông khách. Chợ Minh Thuận trước kia có tên là chợ Chuột vốn bán nhiều chuột rừng.

Đến chợ Chuột, tôi lần dò mãi mới tìm ra nguyên do vì sao có tên gọi ấy. “Gọi là chợ Chuột vì trước đây những ngày cận tết, người dân từ trong rừng ra thường mang theo những xâu chuột bắt được họp lại đem bán. Lúc trước, chuột nhiều vô kể, giờ bớt rồi, người dân không còn bày bán nhiều. Ngày nay, thỉnh thoảng vẫn có người đem chuột ra chợ bán”, ông Danh Đạt, nhà ở gần chợ Minh Thuận giải thích. 


Chợ Chuột ngày ấy nay là chợ Minh Thuận, giờ đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ, hàng hóa đa dạng hơn. Nhưng người dân nơi đây vẫn giữ nét sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc tinh mơ đến tầm giữa ngày. Những ngày cận tết, chợ đông đúc, náo nhiệt hơn. 

Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột? - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Liễu (bên trái) đã 14 năm gắn bó với sạp bán trái cây tại chợ Minh Thuận.

Là chợ nông thôn nên từ đầu tới cuối chợ, nhiều người dân đi chợ quen biết nhau. Chợ bán nhiều món quê từ mớ lá chuối, các loại lá thuốc nam, tập tàng, trái me tươi, củ khoai hay mớ cá tôm, vài con gà, con vịt... 

Ở cuối góc chợ, thỉnh thoảng, mấy bà cụ ngồi bỏm bẻm nhai trầu, trước mặt là mấy lọn bông súng còn bám bùn và mớ hẹ nước xanh mướt.

Không như nhiều chợ ở thành phố, chợ Chuột huyên náo từ rất sớm, tiếng cười nói của người dân hỏi thăm nhau chuyện mùa màng, đồng áng, tiếng í ới của các thương lái chuyển hàng lên chợ. 

Theo người dân địa phương, năm 1992, nhà lồng chợ xây dựng tạm bằng khung gỗ, lợp tole. Đến năm 2015, chợ Minh Thuận được xây dựng; đến năm 2017 thì hoàn thiện, đưa vào sử dụng, với 144 lô mua bán nông sản, hàng tươi sống và 56 lô kinh doanh bách hóa tổng hợp.

Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột? - Ảnh 3.

Cửa hàng tạp hóa của chị Lê Thị Bé Năm tại chợ Minh Thuận bán đủ các mặt hàng bánh kẹo, hóa mỹ phẩm.

Ông Nguyễn Văn Dớn - nhân viên quản lý chợ Minh Thuận kể: “Chợ Minh Thuận ngày nay khác nhiều so với trước, không còn chợ chồm hổm, thúng, sề của bà con bán cặp con kênh. Khi có chủ trương di dời vào chợ mới, người dân chần chừ vì sợ tốn kém. 

Ban quản lý chợ gặp rất nhiều khó khăn khi giải tỏa khu chợ cũ, cũng trầy trật khá lâu, hết làm căng chuyển qua năn nỉ, thuyết phục. Mãi đến năm 2019 mới giải tỏa hoàn toàn khu chợ chồm hổm, đưa hoạt động mua bán vào nề nếp, trật tự”.

Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột? - Ảnh 4.

Đến chợ Minh Thuận, người dân dễ dàng tìm mua được những món bánh quê  như bông lan, bánh kẹp, bánh da lợn, bánh bò.

Chợ mới, đường mới, việc đi lại, mua bán của người dân được thuận tiện, dễ dàng hơn. Đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng. Điều đáng mừng, khi chợ có nhà lồng mới đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 200 hộ dân trong xã Minh Thuận. 

Chợ Chuột ở Kiên Giang nay là chợ nào, vì sao chợ này lại gọi là chợ Chuột? - Ảnh 5.

Trẻ em được cha mẹ mua sắm quần áo, nón tại chợ Minh Thuận.

Từng bán quần áo ở lề đường, sau khi chợ Minh Thuận được xây dựng, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm đăng ký một lô tại khu chợ bách hóa tổng hợp để bán.

“Lúc trước chỉ có vài hộ buôn bán, người đi chợ ít. Từ khi chợ được mở rộng đến nay, người dân trong và ngoài xã đến mua sắm, việc buôn bán xôm tụ hơn. Chợ đông khách nhất từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch. Ở đây, người dân đi làm ở Bình Dương rất nhiều. Năm nào tăng ca, thưởng nhiều, bà con về quê mua sắm nhiều, ăn tết lớn. Những ngày cận tết, có ngày tôi bán được từ 12-15 triệu đồng”, chị Thắm chia sẻ.

Trong tiếng nói cười, nhộn nhịp của phiên chợ sớm, đâu đó vọng lại mấy câu bàn luận, dự báo việc mua bán trong những ngày giáp tết năm con mèo. 

Chị Lê Thị Liễu đã 14 năm gắn bó với sạp bán trái cây tại chợ Minh Thuận nói: “Qua chợ mới mua bán thuận lợi hơn, trái cây lên sạp nhìn tươi, ngon và sạch sẽ hơn. Năm nào cũng vậy, khoảng từ 28 đến 30 tết, tôi bán được nhiều lắm. Mong là năm nay các tiểu thương mua bán được để đón tết sung túc, đủ đầy hơn”.

Ngồi một quán cóc ven chợ Minh Thuận ăn tô bún mắm, trong cái se lạnh của tiết trời vào xuân, lặng lẽ ngắm từng dòng người qua chợ, tôi vẫn còn nghe những tiếng người thăm hỏi, sẻ chia thân thiết. Nhiều người đi chợ không quên mua vài chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, nhành mai về chưng tết. Nụ cười rạng rỡ, bước đi tung tăng của các em nhỏ được bà, mẹ dẫn đi mua sắm quần áo mới... Khung cảnh ấy tạo nên nét đẹp chợ quê bình dị nhưng không kém phần náo nhiệt.

Theo những người lớn tuổi tại xã Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, chợ Chuột có từ khoảng những năm 1990. Nơi đây, trước chỉ là một bãi đất trống, vài nông dân đem nông sản ra đó trao đổi, lần hồi thu hút người mua kẻ bán mà thành chợ.

Bích Linh-Bích (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem