Gần đây trên diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin phê phán, cho rằng nhà thơ Trần Đăng Khoa đang "đổi màu, bay màu"; Trần Đăng Khoa theo Việt Tân.... Đáng chú ý, có người còn dựng cả Clip để quy kết Trần Đăng Khoa “kích động nhân dân và tham mưu cho lãnh đạo phát động chiến tranh với Trung Quốc”.
Được biết, tất cả những thông tin trên xuất phát từ việc phân tích, dựa vào những bài viết, những ý kiến trên trang facebook cá nhân của nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng chủ quyền của Việt Nam.
Trong bài viết “Một sự xuyên tạc trắng trợn” được đăng trên trang facebook cá nhân, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã lên tiếng bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, quy chụp ông. Mặc dù vậy những thông tin ồn ào xung quanh nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn không lắng xuống.
Để độc giả có được những thông tin chân thực và toàn diện về sự việc, chuyên mục CONG&THẲNG đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà thơ Trần Đăng Khoa xung quanh những vấn đề đang được cho là gút mắc nhất. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện:
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ảnh T.L).
Thưa ông, khi đưa thông tin trước vấn đề có tính nhạy cảm, phức tạp lên facebook mà ông ví như “bãi hoang”, ông có lường trước việc mình bị phản ứng với những lời lẽ khó nghe, nhiều người sẽ cho rằng ông thế này, thế kia?
- Trước hết phải nói rằng tôi không viết facebook mà viết báo. Tôi phê phán sự ngang ngược của Trung Quốc mấy chục năm nay rồi. Hầu như Trung Quốc giở trò xấu nào, tôi cũng lên tiếng. Các bài hầu hết đều in trên báo giấy trong mấy chuyên mục tôi giữ. Sau hai ngày báo ra, đồng nghĩa việc tòa soạn đã phát hành xong số báo đó tôi mới đưa nội dung bài viết của mình lên Blog: laokhoa.blogtiengviet.net. Bây giờ tôi đưa lên Facebook Trần Đăng Khoa và Fanpage Nhà thơ Trần Đăng Khoa để mọi người đọc miễn phí.
Nhiều người quen hỏi sao viết facebook mà anh viết dài thế (1.800 chữ, tương đương một trang báo khổ giấy A3). Khổ, tôi có viết Facebook đâu. Đấy là những bài báo. Nội dung các bài báo đều là những sự kiện, những vấn đề nóng của đời sống xã hội như giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những tốt đẹp tôi ca ngợi. Tôi có hàng trăm bài về những tấm gương sáng vượt khó, ca ngợi những con người rất đẹp trong đời sống thường ngày. Và tôi cũng phê phán rất gay gắt những cái xấu, cái ác, những điều chướng tai, gai mắt hay sự nhũng nhiễu phiền toái, làm khổ dân. Các bài viết của tôi thường đăng trên các báo Tuổi trẻ và đời sống; Cựu chiến binh, Sức khoẻ và đời sống……
Qua theo dõi trên mạng xã hội ông thấy những bài viết của mình có bị nhiều người phản ứng, rồi đưa ra nhận xét kiểu quy chụp không?
- Việc khen chê là bình thường. Hầu hết người đọc ủng hộ. Cũng có ý kiến trái chiều, nhưng đều có tính xây dựng. Tôi rất biết ơn. Chỉ có vừa rồi, nhân có loạt bài viết về trò ngang ngược của Trung Quốc, tôi có nói rằng: Vấn đề nóng nhất của chúng ta là ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chứ không phải làm đường cao tốc Bắc Nam. Đường chúng ta vào Nam rất tốt. Đường Hồ Chí Minh xuyên quốc gia có đến chục năm nay rồi đã khai thác hết đâu. Hà cớ gì cứ quyết làm đường cao tốc để rồi lại rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Đừng sa vào bẫy nợ Trung Quốc. Bài học đường sắt Cát Linh Hà Đông còn đó.
Rồi tôi chia sẻ bài trả lời phỏng vấn của bà Phạm Chi Lan. Bà Lan cũng có quan điểm như vậy. Bà còn đề xuất, nếu đưa đấu thầu thì phải gạt những kẻ xâm chiếm lấn đất biên giới, biển Đông ra ngoài. Sau bài này, mới có lời đe doạ rất thô tục. Sau đó là bài thơ nói tôi đổi mầu, rồi ý kiến bảo tôi phản động theo nhóm Việt Tân. Rồi facebook D.N.L, tôi nghĩ là DLV của phe nhóm nào đó, và chắc chắn không tử tế gì, bảo tôi kích động chiến tranh.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông khiến dư luận bức xúc (ảnh IT).
Theo nhiều bạn đọc, anh ta xúc phạm GS khả kính Phan Huy Lê. Rồi xúc phạm cả tôi và Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tôi không biết ông Lương có tội lỗi gì. Nhưng trong lòng dân, ông ấy là một biểu tượng. Chúng ta có rất nhiều anh hùng. Nhưng anh hùng đã thành biểu tượng thì chỉ có ba người thôi. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” và anh hùng Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Trong ba biểu tượng đó, chỉ Lê Mã Lương còn sống. Và ông Lương khi tuyên dương anh hùng rồi vẫn tiếp tục đánh giặc. Ông ấy từng chỉ huy chiến đấu trên biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
Tôi thấy cái trò quy chụp theo kiểu Hồng vệ binh không thể chấp nhận được, nó từng làm khổ nhiều người. Nhiều bạn bè tôi bảo việc gì ông phải thanh minh. Ông thanh minh, ông lại nhỏ đi. Tôi không quan tâm đến việc nhỏ hay lớn. Nhưng tôi còn mẹ già ở quê. Cụ đã hơn 100 tuổi rồi. Cụ cực kỳ dị ứng về chuyện đó. Nếu có ai ở quê cho cụ xem clip người ta nói con cụ kích động chiến tranh, đọc cho cụ nghe những bài bảo con cụ đổi màu, rồi lại phản động, liệu cụ có sống nổi không? Thế nên tôi phải giữ cho mẹ tôi được yên tuổi già. Nếu không, tôi chẳng chấp làm gì.
Trong các bài viết ông có nghĩ mình đã “phóng bút” để phản biện mạnh nên dẫn tới phản ứng ngược lại không thưa ông?
- Tôi không phóng bút mà rất cân nhắc. Báo chí Trung Quốc chửi chúng ta rất tàn bạo, đặc biệt là tờ Hoàn Cầu, tờ Phụ trương của tờ báo Đảng Trung Quốc, nếu báo lá cải, ta chẳng chấp, họ xuyên tạc chúng ta, tại sao chúng ta không lên tiếng?
Khi tôi sang Trung Quốc, một anh bạn đồng cấp nói với tôi: “Đừng có kích động chiến tranh, tiếng nói của người khác không sao nhưng tiếng nói của anh có tác động mạnh với dân, chúng ta phải phải bỏ qua những chuyện lặt vặt vì đại cục”.
Mất biển, mất đảo mà là lặt vặt ư? Tôi bảo các bạn kích động đánh chúng tôi, xuyên tạc chúng tôi thì chúng tôi buộc phải nói lại. Và tôi lên tiếng có phần quyết liệt, gay gắt. Nhưng gay gắt thế nào cũng không bằng họ xuyên tạc chúng ta. Nếu như chúng ta im lặng cả thì sẽ rất nguy hại.
Xin cảm ơn ông (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.