Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
guyễn Văn Thọ được các đồng nghiệp đánh giá là một cây bút tài hoa, sung sức và đặc biệt có thế mạnh viết về đề tài chiến tranh, về số phận những người lính thời hậu chiến. Với hơn 10 năm trực tiếp cầm súng ở nhiều chiến trường ác liệt, ông đã có được những trải nghiệm quý giá, từ đó cô đặc lại thành những con chữ thấm đẫm máu – nước mắt – tình yêu, để rồi tạo nên những tác phẩm về đề tài chiến tranh được bạn đọc yêu thích như: Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh, Vô danh trận mạc, Người Hà Nội, Thằng Phoóng em tôi, Vàng xưa, Mùi thuốc súng…
Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 6/10/1948, quê quán tại Đà Thôn, xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, hiện đang sống tại làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019), Dân Việt Trò Chuyện đã có cuộc gặp gỡ với nhà văn khoác áo lính này, để nghe ông trải lòng về những kỷ niệm thời chiến tranh cũng như quan điểm, triết lý sống của một người lính – nhà văn thời hậu chiến.
Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, là một người lính từng vào sinh ra tử, trực tiếp cầm súng chiến đấu trong suốt 10 năm (từ 1965 – 1975), mỗi dịp 27/7 chắc hẳn luôn đem lại cho ông nhiều cảm xúc?
- Đúng vậy, ngày 27/7, cùng với các dịp 30/4, 2/9, luôn là những ngày đầy cảm xúc và đặc biệt quan trọng với cá nhân tôi. Vào những dịp này, tôi thường chọn cách ngồi ở nhà một mình, dành thời gian tĩnh tâm để tưởng nhớ về những đồng đội, trong đó nhiều người đã không bao giờ trở về. Trong cõi riêng tư đó, chúng tôi như lại được trò chuyện với nhau, cùng nhau sống lại một thời gian khổ mà hào hùng của dân tộc.
Vả lại liệt sỹ cũng như chiến tranh là một vấn đề hệ trọng, với tư cách một nhà văn suy tư, để viết về nó cần hết sức trách nhiệm. Ông cha ta nói tĩnh thì minh, nhà văn muốn viết cần trí minh nên tôi chọn cách tưởng niệm, hồi nhớ như vậy.
Nói tới đây, ông ngưng lại, dường như không kìm nén được cảm xúc đang dâng trào. Giọng ông nghẹn đi. Sau lớp kính, có thể thấy lấp lánh những giọt nước mắt. Ông chậm rãi kể tiếp:
- Tôi có một người bạn thân nhập ngũ cùng ngày và vào cùng đơn vị. Anh ấy là người theo đạo, nhà ở Tăng Bạt Hổ, gần nhà tôi. Chúng tôi thân nhau từ hồi cùng nhập ngũ, yêu thương đùm bọc, đến điếu thuốc cũng chia đôi, lá thư tình của người yêu anh ấy gửi cũng đọc cho tôi nghe. Thân thiết là vậy, nhưng trong một trận đánh ở Đồng Hới (Quảng Bình), bạn tôi không may trúng một mảnh rốc két và hy sinh.
Tôi ám ảnh mãi cái giây phút thấy bạn tôi mãi lìa xa đồng đội. Làn da xanh tái, bạn tôi ra đi khi mới 20 tuổi, không một lời trăng trối. Tôi đau đớn lắm, lén lút tiễn đưa bạn tôi theo cách của những người theo đạo. Tôi dùng dao găm chuốt cành cây, tạo một cây thánh giá rồi đặt lên ngực bạn và thầm khấn: Vinh ơi, mày đã hy sinh vì đất nước, xin cầu cho mày lên nước Chúa, mày đi đi!
Nhiều năm trở lại đây, cứ vào dịp 27/7, tôi lại trốn trong nhà, muốn tĩnh lặng một mình trong vườn để có thể cảm nhận được các đồng đội đã khuất. Có lúc tôi thấy như mình được trò chuyện với họ theo những cách cảm của riêng mình. Có thể tôi nghe thấy họ qua tiếng lá lao xao, qua tiếng chim gù, thậm chí là qua cả những thanh âm đang vang lên đâu đó trong con ngõ nhỏ nhà tôi.
Có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi hâm, chẳng giống ai. Nhưng đó là quan điểm của mỗi người. Chúng ta ai cũng có một cách tưởng nhớ. Và tôi chọn cách riêng của mình.
Đã từng chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau, với ông, chiến trường nào là khốc liệt nhất, để lại cho ông những cảm xúc mạnh mẽ nhất?
- Năm 1965, học hết cấp III, tôi tình nguyện vào quân ngũ và được biên chế ở Trung đoàn cao xạ 220 để bảo vệ Hà Nội, tiếp đó là bảo vệ nhiều căn cứ phía Bắc. Có thể nói đây là thời kỳ khốc liệt, gian khổ nhất, độ dày đặc giao chiến có tháng hơn cả thời kỳ tôi đi B (miền Nam) sau này. Có tháng phải đào tới 20 công sự, giao chiến hơn 60 trận.
Bởi đây là thời kỳ giặc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 1 (1965 – 1968). Chúng ném bom xuống quanh Hà Nội và Hà Nội triền miên. Trận địa của chúng tôi ngày nào chẳng hứng bom.
Tại sân bay Hoà Lạc, 4 máy bay F105 D của Mỹ thả gần 16 quả bom bi mẹ, mỗi quả lại chứa 350 quả con. Quanh tôi bom nổ dày đặc như pháo hoa, cả trận địa nát bươm, lính mình hy sinh nhiều. Tại đó, Đại đội phó của tôi hy sinh. Có một đồng đội gục ngay trên người tôi, máu cậu ấy chảy loang đỏ cả chiếc áo tôi đang mặc, chiếc gương mợ tặng tôi, đeo bên túi áo trái cũng vỡ vụn. Thắt lưng đứt làm ba đoạn.
Ở trận đánh sau đó, đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ khu Cao - Xà – Lá (gần Hà Đông). Ở đây, địch cũng thả bom phá, bom bi dày đặc. Quân mình hy sinh cũng nhiều. Cậu mợ tôi ở nhà nghe bộ đội cao xạ đóng tại đó hy sinh nhiều. Lập tức mợ bảo với cậu tôi: Con nó đang chiến đấu ở Cao Xà Lá, không biết lành dữ thế nào, cậu không tới xem con nó ra sao!
Lập tức, cậu tôi đạp xe đến Cao Xà Lá để tìm tôi. Khi cậu vừa đến nơi thì cũng là lúc đơn vị tôi được lệnh chuyển sang trận địa khác. Đoàn xe ô tô chở lính bắt đầu lăn bánh. Cậu tôi đứng bên lề đường, giữa khói xe bụi mù mịt, không biết làm cách nào tìm tôi, tay cầm nải chuối cứ hớt hải gọi lớn: Thọ ơi, cậu đây!
Cả đoàn xe chở lính đi qua chỗ cậu tôi đang đứng. Đồng loạt hàng chục cánh tay giơ lên vẫy và đồng thanh hô: Con đây, Thọ đây.
Lúc đó, tôi cũng đang trên chiếc xe trong đoàn xe lướt qua chỗ cậu. Tôi lấy hết sức hét lên: Cậu ơi, con đây!
Thế nhưng giọng tôi chìm nghỉm trong tiếng xe xích, xe Jin, hoà vào tiếng đâu cũng nhận con đây, của các đồng đội. Cậu tôi ngơ ngác. Còn tôi chỉ biết bất lực nhìn ông khuất dần trong bụi mờ, thấy cậu tôi vẫn ngơ ngác như cố tìm tôi trong đoàn xe đó. Trên tay cậu, nải chuối đã rụng gần hết chỉ còn leo pheo vài quả, vì vội vã hớt hải cố tìm đứa con ông.
Sau đó, cậu tôi nghe tin đơn vị tôi chiến đấu ở Văn Giang. Ông lại bất chấp bom đạn tiếp tục đạp xe sang đó để tìm tôi. Nhưng thật tiếc, cứ khi cậu tôi đến đơn vị tôi cũng lại di chuyển. Tôi và cậu cứ đuổi nhau ¬như vậy suốt thời kỳ tôi chiến đấu ở Hà Nội và vùng phụ cận… Đó là một trong những chuyện mà tôi cứ nhớ mãi về cha mẹ mình.
Cuộc chiến nào cũng nhiều hy sinh mất mát, người lính trên chiến trường luôn cận kệ với cái chết trong gang tấc hàng ngày, hàng giờ. Ông có thấy mình quá may mắn khi trở về gần như lành lặn?
- Trải qua suốt chiều dài cuộc chiến, tôi nghĩ mình may mắn thoát chết, chỉ bị vài vết thương nhẹ ở phần mềm, bởi nhiều điều, nhưng có một số lý do chính. Trước khi gia nhập quân đội, trong tôi đã được định hình, hun đúc sẵn một tinh thần yêu nước, quyết tử cho đất nước mà mình thẩm thấu được khi đọc những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp, Nga… như Tarat Bumba, Những người khốn khổ hay Thép đã tôi thế đấy, Nữ anh hùng Gian đa…
Bên cạnh đó, cậu tôi cũng vẫn luôn nói với tôi quan niệm về một kẻ trượng phu: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao…”.
Thế nên tôi ra trận, cũng như hàng trăm, hàng nghìn người lính khác suy nghĩ về cái chết, sự hy sinh cho tình yêu Tổ quốc nhẹ nhàng lắm. Nó như một điều có thể phải xảy ra nếu anh yêu đất nước, nhân dân, đồng đội hết lòng, mà bất cứ ai rồi cũng sẽ phải nếm náp cái địa ngục trên dặm trường dấn thân.
Rồi sau nay, khi đã trở thành người lính, lời thề trung thành với Tổ quốc trở nên vô cùng thiêng liêng. Những lúc khó khăn, thiếu thốn ngoài mặt trận, tưởng chừng như không vượt qua được thì chính tình đồng đội đã níu kéo mình lại, hun đúc tạo ra bản lĩnh người chiến binh thực sự, dù thú thực đã có những lúc khổ quá, đói quá, cũng nghĩ tới chuyện bỏ trốn về nhà ít bữa.
Thời điểm mới vào chiến trường, cũng có lúc tinh thần cũng bị dao động. Ra mặt trận chiến đấu thấy ác liệt quá, bệnh tật sốt rừng nguy hiểm và đói rách vô cùng. Ra Quảng Bình an dưỡng, lại có một vài lời rủ rê tự về phép, tôi cũng băn khoăn, do dự nghĩ: hay mình bỏ về phép thăm mợ vài hôm.
Nhưng rồi nhớ lời cha mẹ, lại thấy đồng đội đang chiến đấu, những người đã vào sinh ra tử cùng mình, nhiều khi còn nhường cả đồ ăn và cả sự sống cho mình, sao có thể bỏ họ mà đi được?
Ông luôn tâm niệm “Không có con đường nào là đường cùng, ở cuối đường hầm sẽ luôn có một lối thoát”. Suy nghĩ này đã cứu ông thoát chết nhiều lần hay chính từ những lần thoát khỏi tay tử thần, ông mới chiêm nghiệm như vậy?
- Là cả hai. Tôi tâm niệm như vậy là vì khi trải qua cuộc chiến gian khổ, tôi càng thấy thấm thía hơn. Có những lúc tôi bị lạc rừng, giặc tứ bề, trong tình thế như vậy càng phải bình tĩnh để tìm lối thoát. Tôi nhớ lần tôi và Quý, một cậu sinh viên vừa xung phong vào chiến trường bị lạc ở hạ Lào (trong cuộc chiến Nam Lào). Lúc đó trời mưa to, cậu ấy lại bị thương khá nặng ở đùi và bị ngấm nước mưa nên rét, mặt mũi tái nhợt, người run lên từng chặp.
Cậu ấy thều thào nói với tôi: “Em chết mất” rồi liên tục gọi mẹ. Tôi là lính cựu nên cố động viên cậu tân binh “Có tao, chúng ta sẽ không chết ở đây. Mày đừng sợ”.
May mắn sao chúng tôi đã tìm được một căn hầm chữ A của bộ đội ta. Tôi để cậu ấy nằm trong hầm và ra ngoài tìm cây xăng lẻ bóc vỏ mang về nhóm lửa. Nhưng do mưa ướt, nên vỏ cây khó cháy.
Đang không biết phải làm sao thì tôi chợt nhớ trong balo còn nhiều giấy tờ chép lời bài hát, bài thơ thời chiến của Tố Hữu, Phạm Tiến Duật… và cả những lá thư cậu tôi gửi cho tôi, chép các bài thơ Đường...
Nuốt nước mắt vì tiếc, tôi gom toàn bộ các giấy tờ đó để nhóm lửa. Vừa đốt, tôi vừa đọc thơ cho Quý nghe và giấu những giọt nước mắt âm thầm rơi. Khi đọc đến bài thơ tôi viết tặng bố tôi đúng vào dịp ông tròn 60 tuổi, tôi không kìm được xúc động khóc thành tiếng. Bài thơ đấy cho đến giờ tôi vẫn còn thuộc nằm lòng:
Nhờ đốt lửa, có hơi ấm Quý hết lạnh và ngủ thiếp đi. Sáng sau địch rút, chúng tôi dìu nhau tìm được đội công binh, gửi Quý về trạm phẫu thuật còn tôi lại trở về đơn vị.
Bản thân tôi cũng từng đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết đôi lần. Tôi nhớ vào năm 1972, khi tôi cùng những người lính của trung đội 12 li 7 vây đánh Khung – Xê – Đôn (Nam Lào). Lúc bấy giờ Sở Chỉ huy tiểu đoàn đang bị quân đội địch, Thái Lan và Quân đội hoàng gia Lào vây đánh. Sở Chỉ huy cấp báo gọi cứu viện bộ binh nhưng vì họ cách khá xa, không thể đến kịp để giải vây, trong khi trung đội 12 li 7 của chúng tôi cách Sở Chỉ huy tiểu đoàn 2km. Chúng tôi lập tức về để giải cứu Sở Chỉ huy.
Tôi và một đồng chí nữa tên Đức đã dóng súng máy 12 li 7 bắn thắng vào Sở Chỉ huy của địch. Núng thế, địch gọi 4 máy bay A37 đến cứu viện.
Bốn chiếc A37 có máy bay L19 chỉ điểm, thả một loạt bom 12 quả, vào đúng nơi hai khẩu 12 li 7 đang gá ở tư thế bắn bộ binh. Tôi và Đức là xạ thủ không thể bỏ chạy, biết chết vẫn liều ở lại chỗ súng máy. Hai thằng nằm ngửa nhìn quả bom tròn xoe đang rơi xoáy đúng chỗ nằm. Trong tích tắc tôi thầm nghĩ vậy là mình sẽ chết…
Tôi bình tĩnh đón chờ cái chết và đếm: 1 giây, 2 giây, 3 giây... Đến giây thứ 7 theo quán tính tôi ôm đầu cúi xuống thật thấp, nghe tiếng nổ lộng óc, đất đá mảnh đạn bay rào rào. May mắn sao, quả bom bay chệch chỗ tôi và Đức trong gang tấc, thổi đổ nghiêng khẩu 12 li 7. Tôi bị sức ép bắn đi vài mét, còn Đức chỉ bị thương nhẹ.
Ông từng tiết lộ, thời kỳ ở đại đội cao xạ 12 li 7, ông có “nghề” viết thư thuê, đặc biệt là thư tình để đổi lại quà là chút thuốc lá, thuốc lào. Ông có thể kể một chút về những bức thư tình viết thuê đấy được không?
- Những năm 1971, 1972 sau khi tham gia chiến dịch Lam Sơn 719, tôi cùng đồng đội rút về hậu cứ. Thời đó, đồng đội tôi đa số đều là từ nhà quê ra chiến trường. Nhiều anh em không có điều kiện đi học, văn hóa chỉ lớp 3, 4, cao nhất là lớp 7, viết một câu văn còn ấm ớ nữa là viết thư tình!
Còn tôi là con nhà tiểu tư sản, có điều kiện học nhiều, đọc nhiều hơn các anh em nên anh em tin cậy chắc sẽ viết hay hơn.
Thời đó, ra trận giành giật sự sống mỗi ngày, chẳng ai hơi đâu mà nhớ nhung. Sự nhớ nhung tha thiết chỉ khi mình ở hậu cứ. Không đe dọa của bom, đạn - chết và sống, quanh chúng tôi chỉ là rừng xanh núi đỏ quạnh hiu. Đấy là lúc người ta nhớ nhung nhiều nhất.
Người ta trẻ, bỗng khát khao gần gũi, khao khát yêu và bày tỏ niềm yêu. Lính già biết mùi ái tình nằm võng nhớ vợ, “đầu độc” đám lính trẻ bằng sự hồi tưởng, kể lại rõ từng chi tiết, kể cả nhạy cảm nhất, chuyện vợ chồng của mình... Để sau đó tất cả khoái chí cười khùng khục với nhau.
Viết một lá thư tình cho lính cực kì đơn giản. Tôi gọi đối tượng muốn thuê, nhờ viết thư tới bên võng hỏi bạn gái tên gì? Béo hay gầy? Tóc dài hay ngắn? Học với nhau trước khi chia tay, hay là cùng đội sản xuất…
Rồi cứ dựa vào đấy mà viết thư. Ví như, anh nhớ lắm những đêm hai đứa mình đập lúa ở sân đình, tát nước… Cứ thêm trăng thêm sao "cho nó tình"...
Rồi ông nào muốn mức độ “cao hơn” thì tả mùi tóc thơm, mùi môi thơm, ngón tay, bầu ngực mềm...
Thường những lá thư như thế viết trên giấy học trò mà tụi lính chúng tôi giấu tận đáy ba lô sặc mùi rêu mốc. Cho vào phong bì mỏng và đen, cũng chả cần tem. Dán kín, đi bộ ba tiếng bốn tiếng, mang ra đường tuyến, nịnh khéo cánh lái xe đoàn 559 gửi quay ra Bắc là kiểu gì cũng đến tay người nhận.
Thư viết xong là có “nhuận thư” ngay. Có đứa khen thư hay quá, xông xênh cho hẳn xuất thuốc lá vụn 100g hay một phần ba phong thuốc lào. Thằng nào keo kiệt tôi cũng nặn bằng được vài điếu thuốc Sông Cầu…
Xem chừng công việc “làm ăn” bằng nghề viết thư thuê cho lính của ông rất phát đạt?
- Đúng, mọi chuyện có vẻ như vậy cho đến một lần. Lần đó, tôi đang đặt bẫy chim gáy ngoài nương thì anh Khục đến và nhờ tôi viết thư cho con trai anh. Anh Khục quê Hải Dương, hơn tôi 8 tuổi là Tiểu đội trưởng trung đội bạn. Anh có tài kéo nhị như tiếng violon da diết lắm.
Anh đưa cho tôi một bì thư cũ, bên trong là một mảnh giấy học sinh đã nhàu nát. Thì ra đấy là lá thư của vợ anh gửi đã một năm trước. Bức thư được nắn nót trên giấy học trò, trên cùng vẽ đôi chim bồ câu đang bay lượn. Một mặt trăng rất to tròn xoe có những tia sáng bắn ra vẽ ở cuối trang. Anh chú thích là tranh của con anh.
Thư kể con trai anh Khục đã sáu bảy tuổi suốt ngày nhắc bố. Nó mong bố Khục về làm đèn ông sao cho nó như thằng Tâm nhà bên. Tôi chưa lấy vợ, chưa có con. Nhưng tự dưng kí ức tuổi thơ của tôi ùa về. Tôi nhớ Thước em trai tôi (NSND Nguyễn Thước - NV). Bấy giờ nó mới mươi tuổi, chắc vẫn còn tuổi chơi trăng và mong rằm. Ngồi ở bên suối giữa rừng xanh, tôi nhớ buồn tênh mùa thu Hà Nội.
Thế là tôi viết một mạch bức thư gửi con trai anh Khục. Lá thư như lời tôi nói với thằng em ruột hiền như đất. Thư về một đêm trăng rằm trung thu tử tế vui vẻ nhất của dĩ vãng. Tôi sẽ làm cho nó chiếc đèn ông sao đẹp nhất to nhất bằng giấy bóng. Những cái nan tre được chuốt để chiếc đèn sẽ đẹp nhất trong khu phố. Thư tôi, thay từ phố bằng làng, thay anh bằng bố, thay em bằng con trai. Lá thư của tôi viết cho em trai vụt biến thành thư anh Khục viết cho con trai. Có lẽ đấy là lá thư thật nhất trong cuộc đời viết thư thuê của tôi.
Anh Khục lục ba lô trả nhuận thư bằng một cái quần đùi lính còn rất mới. Tôi thầm nghĩ, sao có thế nhận món đồ lớn như thế? Đùn đẩy một hồi, tôi đành sượng sùng cầm cái quần đùi lính rộng thùng thình…
Ngay hôm sau toàn đơn vị được lệnh ra trận. Hành quân năm sáu đêm ngày cũng về dưới miền trung du có cái cứ điểm sâu vào miền tranh chấp cài răng lược. Căn cứ có một hai đại đội địch. Khoảng hơn 150 lính biệt động quân Việt Nam Cộng hòa tinh nhuệ trấn giữ…
Trận ấy ác liệt lắm, anh Khục hy sinh. Anh ở trung đội bộ binh đánh chiếm đầu cầu cứ điểm, giã 12 li 7 thẳng vào đám lính ngụy và rồi ăn trọn quả DKZ.
Lúc chuẩn bị chôn anh, mọi người thấy lá thư tôi viết cho anh gửi con trai vẫn còn trong túi áo ngực, đầy máu, nhoè hết cả chữ. Anh chưa kịp gửi thư đi. Lá thư có giá bằng cái quần đùi thùng thình.
Cái quần đó, tôi cố giữ vài tháng định sau này nếu sống sót mang về tìm gặp con anh Khục để kể cho nó nghe về bố nó, vậy mà cuối cùng đến mùa trăng ấy, đơn vị đói quá, tôi phải lục cái quần đùi cuối cùng của trung đội ra, đem vào bản đổi lấy 5 cân gạo và 1 chú gà trống to để nấu cháo loãng ăn.
Lúc vừa chia xong bát cháo loãng, tôi lén bưng cháo ra ngoài lán, vừa húp vừa khóc rấm rứt một mình, thầm gọi anh Khục ơi, em đổi cái quần rồi...
Năm ngoái nhà văn chia sẻ đang đắm mình trong cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Vậy tới giờ, cuốn tiểu thuyết đã hoàn thành được bao nhiêu và vì sao ông lại coi đây là món nợ cuối cùng của ông với cuộc đời?
- Đã 8 năm tôi vật lộn với cuốn tiểu thuyết mà chưa xong, nhưng đến thời điểm này tôi cũng đã viết được khoảng 60-70%. Tôi coi đây là món nợ cuối cùng của tôi với cuộc đời, cũng là “quả đại bác” nên tôi cần phải viết rất cẩn thận. Tên của cuốn tiểu thuyết được tôi đặt là “Những cánh rừng không tới”.
Tôi viết về chiến tranh quá nhiều, đặc biệt là truyện ngắn. Tuy nhiên với truyện ngắn không thể tải hết những vấn đề về chiến tranh mà chỉ tiểu thuyết mới có thể giải quyết được. Với cuộc chiến, tôi coi cuốn tiểu thuyết này chính là món nợ phải trả.
Đề tài chiến tranh là đề tài rất rộng, nó có hàng vạn vạn chi tiết. Nhà văn phải biết chọn như thế nào trong một bối cảnh nhất định, trong một số chữ nhất định. Từ vấn đề hiện thực, nhà văn sẽ phải chọn lọc những chất liệu có tính khái quát lên thành vấn đề chung của con người thời đại và đời sống.
Quan niệm của tôi là hiện thực chỉ là chất liệu để kiểm nghiệm sự suy ngẫm, tổng kết đã chín qua thời gian. Văn học không thể mô phỏng hiện thực một cách tự nhiên chủ nghĩa, mà phải là sự dựng lại các vấn đề của hiện thực với tư cách là một dị bản của hiện thực. Điều đó thực sự là thử thách đối với người cầm bút như tôi.
Đã gần 45 năm sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trôi qua, giờ đây ngồi trong khu vườn tĩnh lặng này, hồi tưởng lại quá khứ, ông có muốn nhắn gửi gì cho các đồng đội mình, đặc biệt những người đã ngã xuống hay không?
- Hơn 10 năm cầm súng và chiến đấu ở mọi chiến trường, cho đến giờ, sau gần 45 năm hòa bình, nhưng trong tâm trí tôi dường như vẫn còn nguyên vẹn những nỗi ám ảnh không thể xoá nhoà.
Ám ảnh đầu tiên là những tiếng khóc ai oán suốt đêm của bà con tại Văn Giang, Hưng Yên. Hồi đó, trong một trận chiến đấu ác liệt tại trận địa ở đây, quân ta và dân làng sống cạnh trận địa bị tổn thất rất lớn.
Tôi đã nghe tiếng khóc suốt mấy đêm liền của bà con. Tiếng khóc ai oán, lúc tưởng chừng như ngay bên tai mình, có lúc lại nghe văng vẳng rất xa. Tiếng khóc lúc trào lên dữ dội, lúc lại nỉ non như của người vợ tìm thấy chồng, người mẹ tìm thấy con, anh chị thấy em đã mất. Tiếng khóc đó đeo đẳng mãi, không bao giờ tôi quên được….
Một ám ảnh khác và ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi cho đến tận bây giờ, đó là sau khi trở về từ chiến trường, tôi luôn bị mộng mị, giật mình thức giấc mỗi đêm. Trong các cơn mộng mị, tôi đều la hét, tay chân vung lên đánh loạn xạ. Có lần, nửa đêm nằm mơ bị địch bắt, tôi đánh mạnh vào giường tới mức tự làm gãy 3 chiếc nan giường. Hôm sau, vợ đầu và đứa con đầu của tôi nằm tách riêng. Kể từ đó tôi không bao giờ có thể ngủ chung giường với vợ con…
Sau này, khi vài cựu binh Mỹ tìm đến nhà tôi chơi, tôi có nói với họ: Các ông là những người lính đi xâm lược, chúng tôi cũng là người lính, vì bảo vệ Tổ quốc nên phải đánh lại các ông. Nhưng tiếng khóc của mẹ các ông thì cũng giống như tiếng khóc của mẹ chúng tôi thôi…
Nhiều thập kỷ qua đi, những người lính đã hy sinh sẽ luôn bất tử trong trái tim những đồng đội như chúng tôi. Nhân ngày 27/7, với tư cách là một cựu binh, tôi xin gửi lời cầu chúc tới tất cả những gia đình nông dân, những gia đình có con, em đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc luôn được bình an, ấm no. Cầu mong cho dân tộc Việt Nam chúng ta không phải trải qua một cuộc chiến tranh nào nữa!
- Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ!
“Để có một vị trí thực sự trong làng văn, người viết phải mang đến cho bạn đọc một tiếng nói riêng, một phong cách riêng, không thể trộn lẫn. Nguyễn Văn Thọ rất thấm thía điều ấy. Anh viết chật vật, vất vả nhưng bạn đọc lại đón nhận anh một cách dễ dàng. Một loạt truyện ngắn ra đời: Nhà ba hộ. Lá bùa. Vàng xưa. Một người Đức. Rồi sau này là Mùi thuốc súng. Đó là những tác phẩm thực sự gây được tiếng vang. Rồi đến khi tiểu thuyết Quyên xuất hiện, người ta lại thấy hình như tiểu thuyết mới là thế mạnh của Nguyễn Văn Thọ…”,
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.