img img

img img
img img

Câu chuyện giữa Dân Việt Trò Chuyện với ông Nguyễn Hồng Điệp bắt đầu từ cái duyên ăn trầu. Ông thổ lộ, khi còn bé sống ở quê (Ninh Bình), bà nội hay ăn trầu nên thỉnh thoảng cũng xin một miếng ăn.

“Khi làm công tác tiếp công dân, tiếp xúc với nhiều người dân ăn trầu, thỉnh thoảng tôi cũng xin một miếng, dần dần thấy ăn cũng hay. Trầu, cau hòa quện cùng chút vôi có gì đó rất đặc trưng. Từ đó, tôi thích ăn trầu! Khi thấy nhiều người dân đi khiếu nại ăn trầu tôi cũng mang ra ăn chung, rồi nhiều người thấy thế cũng xin một miếng. Các cụ có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” cấm có sai. Đôi khi mình ăn với người dân một miếng trầu việc trò chuyện trở nên gần gũi, cởi mở với nhau hơn rất nhiều”, ông nói rồi cười xòa.

img

Thú ăn trầu nhiều khi tạo được sự giản dị, gần gũi với những người dân, ông thấy vậy có đúng không?

- Lúc đầu tôi không để ý, chỉ ăn trầu đơn thuần. Và cũng chính vì thế, người dân nghĩ ông cán bộ này cũng đơn giản, không có khoảng cách, nên chia sẻ nhiều hơn. Không chỉ ăn trầu, khi hết giờ làm việc, có lúc thấy người dân giở cơm nắm, muối vừng, tôi cũng xin một miếng và ngồi ăn cùng với họ.

Với tính chất đặc thù của công việc, mỗi lần tiếp xúc với dân phải làm sao tạo sự gần gũi để họ nói hết những điều còn uẩn khúc, từ đó chúng tôi mới có cơ sở để hướng dẫn người dân được cụ thể hơn hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền xử lý vụ việc cho đúng.

Ông có thể kể lại kỷ niệm nào đáng nhớ liên quan tới thú ăn trầu của mình?

- Có một việc cách đây nhiều năm đến giờ tôi vẫn nhớ. Khi ấy, tôi cùng vợ đi du lịch và nhận lời mời đến chơi nhà một số bà con đi khiếu nại. Người dân thương mời cơm và lúc về được tặng một túi trầu cau rất to.

Việc đó không qua được “tai mắt” của các cơ quan chức năng, nên đã có báo cáo gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ rằng tôi xuống gặp người dân đi khiếu nại để nhận quà. Đúng là tôi nhận quà thật, một túi to đùng đựng cả buồng cau, nhưng tôi nghĩ đó là tình cảm của người dân, giá trị không lớn, không mang tính chất “đút lót” nên không việc gì không nhận.

Tôi đã trình bày lại sự việc như vậy với Tổng Thanh tra Chính phủ khi được gọi lên. Đây cũng là một “sự cố” liên quan đến chuyện ăn trầu.

img img
img img

Bên cạnh “sự cố” đó, nhiều người còn nói vui rằng, làm công tác công tác tiếp dân được “ăn đủ thứ”. Bố, mẹ, vợ và người thân của ông có ủng hộ công việc rất phức tạp này không?

- Tôi làm công tác tiếp dân đến nay đã được 10 năm. Trước đây, bố, mẹ và vợ tôi cũng không nói gì. Đến năm 2014, khi tôi bị người dân đi khiếu nại xô xát thì mọi người trong gia đình rất buồn và lo lắng.

Thời gian đó, ngày nào người dân đi khiếu kiện cũng đứng trước cổng trụ sở chửi bới, la hét, căng băng rôn náo loạn cả góc phố. Anh em trong cơ quan rất căng thẳng, nhiều người xin nghỉ phép.

img

Tôi cũng rất căng thẳng, nhưng hai Trưởng phòng ở Trụ sở tiếp dân (nay đã nghỉ hưu) đã động viên: Trưởng Ban là chỗ dựa của anh, chị, em trong cơ quan, nếu không vững vàng sẽ ảnh hưởng tới mọi người.

Thú thực, bố mẹ tôi không phải đại gia, nhưng cũng có điều kiện kinh tế, vợ tôi thì công việc ổn định. Mẹ tôi xót con nên nói tôi xin nghỉ, tìm việc khác làm, khó khăn về nhà bà nuôi. Còn bố tôi là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên lâu năm nên không nói gì và hiểu những chuyện như vậy.

Tôi cũng suy nghĩ nhiều, sau khi bình tĩnh lại thấy mình là Thủ trưởng cơ quan nên phải có trách nhiệm, gương mẫu và phải là chỗ dựa cho anh em ở Trụ sở.

Đến nay, tôi vẫn tự hào vì luôn là chỗ dựa cho mọi người, những việc khó khăn nhất, vụ khiếu nại phức tạp nhất, đông người nhất, những việc cấp dưới không giải quyết được tôi nhận ngay.

Ngoài bị xô xát, ông còn gặp những chuyện phiền phức gì nữa?

- Có những người dân đi khiếu nại không đồng ý với ý kiến của tôi nên nhắn tin đe dọa. Họ nói nếu không thế này, thế kia, con tôi đi học có bị thế nào họ không chịu trách nhiệm. Có lúc, tôi đã phải báo cáo lên Tổng Thanh tra, rồi làm văn bản gửi Bộ Công an, Công an TP Hà Nội để xử lý.

Tôi biết người đi khiếu nại nhắn tin đe doạ là ai. Về bản chất họ sẽ không làm thật mà muốn gây sức ép để tôi giải quyết công việc cho họ. Nhưng vô hình chung họ đã gây tâm lý không tốt cho chính người đang giúp họ. Suy cho cùng là do những người dân đó không hiểu nên mới vậy.

Cũng không ít người nhắn tin xúc phạm, chửi bới, dùng những lời lẽ không phải, nhưng tôi không để tâm.

Các dịp Tết Nguyên đán, những người dân đi khiếu nại, trong đó có cả những người từng chửi bới, nhắn tin đe dọa tôi không về quê được mà ở lại quanh khu vực Trụ sở tiếp công dân, tôi vẫn ra gặp gỡ và mừng tuổi.

Tôi nói với họ: Nếu như chính quyền làm việc gì xâm phạm, gây ảnh hưởng đến gia đình các bác thì không phải lỗi của cán bộ tiếp dân. Khi các bác đến đây, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao tiếp dân cho tốt và có cách nào đó để chính quyền giải quyết quyền lợi chính đáng cho các bác.

Tôi cũng nói vui: Các bác đi nhờ chúng tôi mà các bác chửi bới, nhắn tin đe dọa thế thì ai còn dám giúp. Khi cán bộ tiếp dân không dám tiếp, không dám nghe thì không hiểu hết sự việc, không nghe được hết những uẩn khúc thì sẽ tư vấn không được đầy đủ cho chính quyền hoặc cơ quan tiếp dân sẽ chấm dứt việc giải quyết.

Sau khi nghe ra có rất nhiều người đã nhắn tin gửi lời xin lỗi.

img img

Làm công việc phức tạp, gai góc như vậy, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi, chán chường, muốn tìm hướng đi mới cho mình?

- Nếu nói chưa bao giờ chán công việc này thì không phải! Có lúc tôi đã nghĩ phải tìm công việc khác phù hợp hơn hoặc nhàn hơn. Nhưng nói thật, có lẽ vì làm ở đây đã khá lâu nên sau khi nghĩ lại, tôi bỏ ý định đổi công việc.

Đúng là, công việc tiếp dân ở trụ sở vất vả, thu nhập không cao, áp lực về mặt tinh thần rất kinh khủng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng như đã nói, tôi là chỗ dựa cho anh em; thứ hai, nếu dùng từ là cầu nối thì nghe to tát quá, nhưng có thể nói anh em chúng tôi ở Trụ sở tiếp công dân Trung ương là nơi để nói lên tiếng nói của người dân với chính quyền; với người dân, họ hết chỗ đến rồi nên mới tìm đến chúng tôi.

img

Động lực nữa giúp tôi trụ vững với công việc này là được lãnh đạo tin tưởng và quan tâm, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ, các vị lãnh đạo ở Văn phòng Trung ương, Quốc hội…

Hầu hết những tin nhắn của tôi gửi đều được các lãnh đạo trả lời. Đến các kỳ họp Trung ương, kỳ họp Quốc hội, các vị lãnh đạo không những nhắn tin mà còn gọi điện hỏi thăm xem tình hình người dân ở Trụ sở tiếp công dân thế nào.

Trở lại với câu hỏi tôi có muốn xin chuyển công việc khác không, tôi nghĩ mình thừa điều kiện để chuyển việc. Nhưng mình là người hiểu việc, hiểu nghề, được nhiều người dân và lãnh đạo tin tưởng, quan tâm nên tôi vẫn tiếp tục công việc này. Còn lên chức hay chuyển công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn thì đó còn là duyên số của từng người (cười).

Nếu so với bạn hữu có chức vụ tương đương, làm ở những lĩnh vực khác nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn, ông có thấy thua thiệt?

- Tôi nghĩ, làm công việc nào đi nữa thì điều quan trọng là tìm được niềm vui của mình. Với công việc tiếp dân, bên cạnh những khó khăn, vất vả, kể cả có lúc bị đe doạ, xô xát thì tôi có được những niềm vui mà khó ai có được.

Nếu mọi người nhìn được cảnh tôi đi tiếp dân ở các tỉnh phía Nam sẽ hiểu hơn. Khi tôi đến đó, bà con vừa nhìn thấy liền chạy ra chào đón, tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau như gặp người thân, rất phấn khởi.

Rồi qua tiếp dân, khi những quyền lợi của người dân đi khiếu nại được bảo đảm, lúc gặp lại, những tình cảm họ dành cho tôi khiến tôi rất xúc động.

Hay mỗi dịp Tết Nguyên đán, có lẽ tôi là một trong những công chức nhận được nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới nhất, khoảng 400 - 500 tin nhắn đêm giao thừa (cười).

img img

Nhiều năm làm công tác tiếp dân, câu chuyện nào làm ông suy nghĩ hoặc để lại ấn tượng nhiều nhất?

- Có rất nhiều, tôi chỉ xin kể một vài trường hợp. Thứ nhất, một vụ ở miền Nam, người dân này khiếu nại gần 20 năm, sau được đền bù gần 1 tỷ đồng, (số tiền này rất to với người dân đó - NV). Các vị lãnh đạo ở tỉnh có nói đùa với tôi, người dân phải cám ơn anh nhiều vì được đền bù nhiều tiền.

Tôi cười nói lại, giá như đền bù cách đây nhiều năm, số tiền ít hơn nhưng giá trị lớn hơn bây giờ. Bởi làm sao tính hết được những thiệt hại khi người dân mất bao nhiêu năm đi khiếu nại như vậy, xét cả quá trình, rõ ràng người dân rất thiệt thòi.

Trường hợp nữa, tôi nhớ là một nhà giáo quê An Giang, khi đi khiếu nại tóc bà còn xanh, đến khi đạt được kết quả thì đầu đã bạc trắng. Bà được đền bù một nền nhà và cả tiền để xây dựng. Bà gọi điện nói với tôi giọng rất xúc động.

img

Hay trường hợp một bác quê ở Hà Nam, khiếu nại về tiền tuất của chồng. Bà khiếu nại đến 23 năm. Trong vụ này chúng tôi cũng bền bỉ cùng bác suốt cả quá trình dài. Cuối cùng chính quyền đã tính toán và trả lại toàn bộ số tiền trong 23 năm (khoảng mấy chục triệu đồng). Số tiền không lớn nhưng với người dân thì đó là chính nghĩa, lẽ phải, luật pháp đã được bảo vệ dù mất thời gian dài. Bác này sau có gửi thư cảm ơn khiến tôi rất xúc động.

Một trường hợp nữa, có lần thấy một bác đến khiếu nại bị đói, sẵn có gói xôi mang theo để ăn sáng tôi mời bác luôn. Thời gian sau, bác đó gửi bài thơ “Cám ơn bác Điệp cho xôi”. Lúc đó tôi vui và xúc động lắm.

Cộng tất cả những niềm vui đó có phải là động lực để ông tiếp tục gắn bó với công việc hiện nay?

- Đúng vậy! Đó là phần thưởng rất lớn, là động lực cho tôi tiếp tục công việc này. Và cũng từ những điều sung sướng, hạnh phúc khi mình làm có kết quả đó càng khiến tôi khát khao được giúp đỡ người dân nhiều hơn nữa. Bố, mẹ của tôi hay động viên làm tốt việc cho dân chính là tích phúc cho con. Anh em trong cơ quan thấy Thủ trưởng vẫn tiếp tục, họ cũng phấn khởi với công việc.

Đầu năm 2019, tôi bị tai biến nhẹ, phải điều trị ở bệnh viện một tuần. Có công dân đến đăng ký gặp tôi, cán bộ ở đây nói tôi đang phải điều trị ở bệnh viện.

Sau đó, tôi nhận được điện thoại, mở máy thấy giọng của một người đứng tuổi, bác này nói: “Xin lỗi, tôi không dám gọi điện vì mọi người nói ông bị tai biến đang nằm bệnh viện, tôi cầu mong ông sức khỏe để còn giúp dân, ông đừng có làm sao”. Tôi cười bảo “Bác yên tâm, tôi sắp khỏe rồi”. Những chuyện nhỏ thế thôi nhưng tôi rất xúc động.

Ở Hà Nội có một bác nhiều tuổi hơn cả bố mẹ tôi, cứ ngày mùng 1 hoặc 16 âm lịch, lại mang trầu, cau đến biếu tôi. Bác có nói là đi lễ chùa, có lộc là trầu cau mang biếu. Tôi rất cảm động. Sau thấy bác vất vả quá, tôi phải nói dối là không ăn trầu nữa để bác khỏi mang đến.

Có thể nói, khó có cán bộ, công chức nào lại được người dân nhớ đến mức như vậy, đó là những kỷ niệm sẽ mãi mãi trong tôi và là nguồn động lực cho tôi.

img img
img img

Nói đến khiếu nại ở Trụ sở tiếp dân Trung ương, có lẽ vụ Thủ Thiêm được dư luận nhắc nhiều nhất trong những năm gần đây. Ông nghĩ gì về vụ này?

- Tôi đã tiếp, đã lắng nghe rất nhiều vụ khi người dân đến khiếu nại. Nhưng có thể nói vụ Thủ Thiêm là một trong những vụ khiếu nại điển hình về bức xúc và thời gian kéo dài nhất, có những đợt bà con ra Hà Nội nhiều tháng liền.

Trong vụ này, có lẽ tôi là cán bộ nhớ rất nhiều tên người dân và cũng có thời gian tiếp xúc nhiều với họ, đặc biệt là những năm gần đây. Nói thật, nhìn những người dân Thủ Thiêm ra đây khiếu nại là rớt nước mắt. Vừa rồi, đồng chí Chủ tịch UBND TP.HCM thay mặt chính quyền qua các thời kỳ thật tâm xin lỗi người dân Thủ Thiêm, nhưng có lẽ không thấm vào đâu so với những nỗi khổ của họ.

img

Ý tưởng xây dựng khu đô thị của Thủ tướng rất đúng. Nhưng quá trình thực hiện lại sai, áp dụng các chính sách sai, thu hồi đất sai, tính công khai dân chủ ở cơ sở vi phạm nghiêm trọng, người dân không đồng thuận vẫn cưỡng chế. Hệ quả là bây giờ là phải đền bù cả tinh thần và vật chất, nhưng tinh thần thì làm sao đền bù được, bởi có những người đã chết, có những người uất quá mà chết.

Vi phạm của cán bộ đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng tôi muốn chia sẻ để chúng ta rút ra bài học đừng để xảy ra vụ tương tự như vậy, chứ không phải nói ra để đánh bóng tên tuổi, làm rối thêm tình hình.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại của người dân ở Thủ Thiêm trước đây chính quyền địa phương rất bảo thủ, sợ trách nhiệm, sợ sửa sai, ảnh hưởng đến những người đi trước nên để kéo dài quá lâu, gây mất niềm tin của người dân.

Cho nên, giờ nếu chính quyền không thật tâm, không quyết tâm giải quyết rốt ráo cho người dân thì còn phức tạp, khó khăn và càng khó giải quyết. Người dân bức xúc mà chính quyền không chia sẻ được bức xúc đó, người dân sẽ không ủng hộ, mà người dân không ủng hộ thì rất khó thành công.

Trong vụ này, ông thấy mình đã làm hết trách nhiệm với người dân chưa?

- Tôi có thể khẳng định là đã làm hết trách nhiệm. Trong vụ việc Thủ Thiêm, từ đề xuất của Ban tiếp công dân Trung ương, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra và bước đầu đã làm rõ một phần.

Đương nhiên còn nhiều điều tôi vẫn trăn trở. Tôi nghĩ, để giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân ở Thủ Thiêm, ngoài trách nhiệm của TP.HCM, các cơ quan Trung ương cũng phải giúp TP bằng mọi cách, cả trách nhiệm và tình cảm như đưa ra phương án, thông báo về mặt chính quyền…

Có như vậy TP mới thưc hiện được. Còn như chỉ đưa ra một kết luận, một văn bản hướng dẫn thì không phải là kết quả giải quyết tốt.

Với vụ việc này, nếu Tổng Thanh tra yêu cầu, TP.HCM mời chúng tôi sẵn sàng đối thoại với người dân, giải thích cặn kẽ để họ hiểu, việc gì chính quyền đã làm, việc gì chưa làm, điều gì bà con muốn tiếp tục…

Phải kiến nghị giải quyết cho người dân, không tránh khỏi có lúc phải đối đầu với chính quyền địa phương, thậm chí đối đầu với cấp trên. Những lúc đó ông xử lý như thế nào?

- Tôi không ít lần “nói ngược” với cấp chính quyền giải quyết, đặc biệt là cấp cơ sở, thậm chí có quyết định giải quyết rồi, tôi vẫn kiến nghị xem xét.

Đương đầu như vậy điều đáng sợ nhất là bị hoài nghi. Nhưng hoài nghi rằng tôi có tiêu cực gì với dân không thì tôi không sợ vì mình trong sáng, người dân đã khổ sở đi khiếu nại như vậy có tiền đâu mà cho tôi.

Chính quyền địa phương thường muốn bảo vệ kết quả, còn mình thì nói ngược. Nhiều lãnh đạo địa phương cự tôi, tôi cự lại luôn. Tôi xác định, tôi ở Trụ sở tiếp công dân Trung ương mà không nói lên tiếng nói của người dân mà tiếng nói đó mình thấy đúng thì ở làm gì.

img img
img img

Dự báo, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân còn diễn biến phức tạp, ông nghĩ gì về điều này?

- Đúng là dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân thời gian tới còn diễn biến phức tạp. Nhưng, từ khi có Quyết định 1849 ngày 27/12/2018 của Thủ tướng và Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, theo đánh giá của tôi cả hệ thống, bộ máy đã chuyển động..

img

Việc chuyển động này có nhiều lý do. Đầu tiên sắp tới là đại hội Đảng các cấp, chính quyền không làm không được. Tổ Công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng, Tổng Thanh tra là Tổ phó để đi kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Quy định 11 về trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu cấp uỷ thì người đứng đầu muốn “né” cũng không được. Bên cạnh đó là giám sát của Mặt trận Tổ quốc, năm dân vận chính quyền… Hơn nữa, có những vụ khiếu nại không giải quyết xong thì Đại hội cơ sở cũng gặp khó khăn chứ không phải đơn giản.

Tất cả những điều đó tạo nên sức ép để chính quyền phải vào cuộc tiếp dân. Và đến nay, tôi thấy, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương đã cao hơn trước rất nhiều.

Nhiều vụ, Tổ công tác của Phó Thủ tướng thường trực chưa đi kiểm tra thì cơ sở đã làm, rất nhiều địa phương làm. Như vụ ở Kom Tum, Bí thư Tỉnh uỷ tiếp dân, giải quyết và vụ việc kết thúc. Như vậy Tổ công tác chưa kiểm tra, vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo đã được giải quyết, đây là kết quả đáng khích lệ.

Hay ở Đồng Tháp, những vụ người dân khiếu nại phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy đã họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết. Ở Hải Dương, khi Tổ Công tác xuống kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy đã nhận luôn với Phó Thủ tướng thường trực là sẽ cùng với Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết dứt điểm…

Chính quyền làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thì tần suất các vụ việc lên Trung ương sẽ giảm đi, thời gian bà con lưu lại Hà Nội cũng ít hơn.

Với những điều tôi biết, không có lãnh đạo địa phương cấp tỉnh nào còn nói với Tổ Công tác là giải quyết hết thẩm quyền. Tức là, lãnh đạo ở địa phương đã quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trước đây chỉ có mấy tỉnh quan tâm giải quyết dứt điểm vụ việc với sự tham gia của luật sư ngay từ đầu như Quảng Ninh thì giờ có rất nhiều địa phương làm như vậy. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thành lập các Tổ Công tác để giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài.

Với chuyển động như vậy, theo ông, sức nóng của các vụ khiếu nại, tố cáo trước Đại hội có giảm đi?

- Với đánh giá của tôi, những vụ việc cũ sẽ giảm đi rất nhiều. Ngay cả việc mới phát sinh theo thống kê cũng đang giảm đi so với năm trước. Tất nhiên, không giải quyết được hết 100% nhưng sẽ giải quyết được cơ bản.

Chuyển biến đáng ghi nhận là giờ không chỉ chính quyền mà cả cấp uỷ cũng vào cuộc. Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực đã chỉ đạo nếu không giải quyết tốt việc tiếp dân thì phải xem xét lại trách nhiệm thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước. Còn bộ phận tiếp dân thì phải bố trí cán bộ làm tốt và coi đây là nơi rèn luyện, đào tạo để bổ nhiệm, đề bạt và cất nhắc.

Tôi thấy phấn khởi nhất là rất nhiều đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ tham gia tiếp dân, chỉ đạo giải quyết vụ việc rất cụ thể, chứ không chỉ chung chung.

- Xin cảm ơn ông!

 
imgimg
 
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem