img
 
img
img

img hởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp càng khó hơn do đặc tính bất ổn định và thiếu đa dạng về sản phẩm nông nghiệp bắt nguồn từ trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp của Việt Nam nhìn chung còn thấp.

Mặc dù vậy, nông nghiệp lại là ngành vô cùng tiềm năng đối với các start-up, thị trường vô cùng rộng lớn. Vấn đề là lựa chọn sản phẩm nào, phân khúc gì và triển khai kinh doanh ra sao để giảm thiểu tối đa rủi ro, tận dụng các cơ hội và khai thác triệt để các thế mạnh của người sáng lập để thành công.

Hãy cùng lắng nghe câu chuyện của chị Vũ Hoài Thu, người sáng lập thương hiệu Nấm Lý tưởng, với 6 năm đã đưa thương hiệu Nấm Lý tưởng phong tỏa 100% các kênh mua sắm hiện đại, trở thành đơn vị kinh doanh phân phối nấm lớn nhất toàn miền Bắc.

Vũ Hoài Thu hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng (Nấm Lý tưởng). Tiếp xúc nhiều mới thấy chị là người phụ nữ cầu toàn, đôi lúc cầu toàn đến tỉ mỉ. Sự cầu toàn không chỉ thể hiện trong suy nghĩ, hành động mà còn được áp dụng ngay trong công việc, đôi khi tôi nói đùa là “sự cầu toàn của chị đang tạo áp lực cho chính chị và những cộng sự làm việc chung”.

Và không ít lần – vì cầu toàn mà chị tự đưa mình vào “rắc rối”.

Chị cứ thắc mắc tại sao tôi lại chọn chị để phỏng vấn, tôi chỉ đơn giản trả lời, tôi chọn chị bởi vì chị khác biệt. Ngay từ khi mới bắt đầu, thay vì mơ về thành công khi khởi nghiệp, chị xây dựng cho mình đầu tiên là kịch bản thất bại và sẵn sàng đối diện với điều đó. Nhưng kinh doanh đâu phải là sân chơi dễ đoán đọc, chị đã không thể thất bại như cách chị lường trước…

img
img

Năm 2012, Thạc sỹ Truyền thông Vũ Hoài Thu – khi ấy đang là Phó Giám đốc một công ty truyền thông nước ngoài có tiếng tại Việt Nam có chuyến công tác tại Mỹ. Điều đó vốn dĩ bình thường với người phụ nữ đang quen bận rộn, nó chỉ khác thường ở điểm: Thay vì nhắm mắt nghỉ ngơi thì hôm đó chị lại đọc tạp chí rồi bị cuốn hút bởi câu chuyện về 2 chàng trai khởi nghiệp từ nấm, đến mức nó đã thay đổi cả cuộc đời chị.

Không rõ câu chuyện về 2 chàng trai cùng hình ảnh những cây nấm nhỏ đeo đẳng chị trong bao lâu, chỉ biết là một ngày đẹp trời chị đột ngột nộp đơn xin thôi việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp cũng như gia đình. Làm sao không ngỡ ngàng được khi vị trí của chị khi ấy là ước mơ của nhiều người, không ngăn cản sao được khi thứ mà chị chọn để đeo đuổi còn quá mới và quá nhiều khó khăn.

img

“Giống như nhiều người, chồng tôi phản đối gay gắt. Tôi không nhớ đã phải dùng bao lý lẽ để thuyết phục, tôi chỉ nhớ khi tôi nói rằng: Tuổi trẻ chỉ có một, em muốn được sống với đam mê và khát vọng của mình. Vài năm nữa khi em có tuổi, sức ỳ đã quá lớn có muốn em cũng không thể làm được nữa thì chồng tôi cũng đành ậm ừ đồng ý” – chị Thu kể.

Chị chọn nấm, còn người thân của chị chọn an toàn. Chị có lý khi muốn theo đuổi đam mê và thử thách nhưng gia đình chị cũng không hề vô lý khi mong muốn chị toàn tâm toàn ý cho công việc hiện tại, cho gia đình nhỏ chuẩn bị chào đón thành viên thứ hai. Không ít người đã gọi tên quyết định của chị là “liều” và đầy “mơ mộng”, thiếu đi sự thực tế.

Nhưng với một người phụ nữ đã quen làm việc bằng cách lên kế hoạch bài bản, chắc chắn đó không phải là phút mộng mơ cảm tính – vốn là điểm yếu của đa số phụ nữ.

Lá đơn xin nghỉ việc cuối cùng đã được gửi. Chị bước sang một chương mới của cuộc đời mình ở cái tuổi không còn trẻ…

img
 
img

Quyết định gắn bó với nấm nhưng chị chưa vội sản xuất nấm cũng chưa vội lập nhà xưởng mà trước tiên chị nghĩ: Phải đi học đã. – chị Thu kể.

Khóa học hơn 20 ngày ở tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (Viện di truyền) thực sự giúp chị vỡ vạc nhiều điều về nấm.

“Khi quyết định rẽ ngang, tôi chỉ mới thích chứ chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng sau khóa học ngắn đó tôi được tiếp cận với đa chiều thông tin, thông tin từ những người đang làm nấm, từ các thầy dạy về nấm, và đặc biệt là những thông tin về chuyên môn, về thị trường” – chị Thu nhớ lại.

img

Sau khi kết thúc khóa học, chị càng thận trọng với từng bước đi của mình, chưa nóng vội đi vào sản xuất mà tiếp tục thăm dò thị trường. Chị dành nhiều thời gian trong ngày để lang thang ở các siêu thị. Chỗ nào cũng bày bán nấm, nhưng rất hiếm để có thể tìm mua được sản phẩm nấm có xuất xứ từ Việt Nam, đa phần đều là hàng nhập ngoại.

Những câu hỏi xuất hiện dồn dập trong đầu chị: Tại sao nấm được trồng rất nhiều mà lại không thể phân phối ở các siêu thị lớn? Tại sao lại phải dùng hàng nhập khẩu? Tại sao và tại sao? Hàng loạt câu hỏi ấy giúp chị hiểu rằng thị trường trong nước vô cùng tiềm năng và đang bị bỏ ngỏ.

Đây chính là cơ hội mà chị cần nắm bắt và khởi động thật nhanh mọi kế hoạch đã dự định từ trước. Và quan trọng hơn “tôi xác định chỉ tập trung vào nấm Việt Nam vì tôi tin nấm trồng ở Việt Nam sẽ không hề thua kém gì các loại nấm nhập khẩu, chỉ là người tiêu dùng chưa biết đến và các nhà sản xuất chưa tự tin, mạnh dạn đầu tư mà thôi”.

Lập kế hoạch chi tiết đến đâu thì khi hành động chị lại “thần tốc” bấy nhiêu, đó chính là điều bất ngờ mà chị khiến người đối diện luôn có cảm giác tò mò đầy thú vị. Chưa sản xuất nấm, chị lựa chọn trở thành một mắt xích quan trọng trong khâu tiêu thụ - đó là nhà phân phối thương mại về nấm. Chị đi khắp các tỉnh thành trong cả nước như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Đà Lạt... để lựa chọn đối tác.

Chưa hết, ngoài 3 loại nấm cơ bản đã có truyền thống ở Việt Nam là nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, chị đã bàn bạc với các đối tác sản xuất thêm một số loại nấm đặc sản nữa để tung ra thị trường hơn chục loại nấm “made in Việt Nam” 100%.

Và thật bất ngờ, những sản phẩm nấm được khoác tấm áo mới, chễm chệ ở những vị trí đẹp và bắt mắt nhất tại các hầu khắp các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội.

Nấm tươi Lý Tưởng “chào sân” đầu năm 2013, chỉ chưa đầy 1 năm sau khi chị nghỉ việc, sinh con...

Chị chia sẻ: Nhiều người khởi nghiệp cứ cân nhắc mãi. Suy nghĩ, phân tích biết tới đâu gọi là “đã chín”. Phải biết điểm “đủ” để quyết định hành động ngay, cứ lao vào làm cái đã, vừa làm vừa sửa tiếp, nếu sai thì làm lại, hãy luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, cả tinh thần lẫn tài chính.

img
img

Khi những sản phẩm nấm tươi đầu tiên lên kệ là lúc chị bắt đầu một kế hoạch mới cho mình, cũng là “nhánh” thứ hai mà khi lựa chọn tên công ty, chị đã ấp ủ trong đầu: Kinh doanh thực phẩm chế biến.

Tất nhiên vẫn là nấm – loại thực phẩm đã mê hoặc và quyến rũ chị.

Nhưng đâu dễ như làm nấm tươi. Khi phân phối nấm tươi chị có thể đưa ra tiêu chuẩn để người sản xuất làm theo, chị thu mua rồi tạo cho nấm một hình hài, diện mạo mới để đến với thế giới người tiêu dùng. Còn sản phẩm chế biến từ nấm lại khác. Từ trước đến giờ chưa ai làm, đồng nghĩa với việc không có công thức, không có thị trường.

img

“Ngay lúc đó tôi nhận thức được 2 vấn đề: Mình sẽ là người đầu tiên bước chân vào thị trường và cũng sẽ là người nắm được lợi thế trong phân phối. Nhưng đó cũng chính là thử thách vô cùng lớn khi phải chấp nhận sự thật là vì mới nên sẽ khó được đón nhận” – chị tính toán.

Đúng như chị dự đoán, tuy “một mình một chợ” nhưng đâu dễ “bán buôn”. Những ruốc nấm, pate nấm, giò nấm, bột canh nấm, nem, chả nấm… tất cả đều là khái niệm mới toanh với người tiêu dùng. Có người thích thú khám phá nhưng cũng có người e dè, hoài nghi.

Chưa kể thói quen của người tiêu dùng Việt là ưa chuộng những thực phẩm tươi, không quen với đồ chế biến sẵn, đó chính là “khối băng” vững chãi mà ngay từ đầu chị xác định phải “phá” được bằng chính chất lượng sản phẩm của mình.

Và hành trình ấy với chị lại là câu chuyện dài.

Mỗi sản phẩm ra đời, được đem đi tiêu thụ chị lại hồi hộp đón chờ phản ứng, “có người khen lạ, nhưng cũng có người chê thẳng thắn là không ngon, chẳng có gì thú vị… tôi đón nhận hết” .

Như phía trên đã nói, sự cầu toàn của Hoài Thu đôi khi đẩy chính chị vào “rắc rối”. Chị tự đề ra mục tiêu mỗi năm phải đưa ra thị trường khoảng 10 sản phẩm mới. Ngay khi nghe xong, tôi đã đánh giá đó không phải là chướng ngại vật dễ chinh phục, và bản thân chị cũng thừa nhận điều đó. Bằng chứng là không ít sản phẩm vẫn đang phải tìm mọi cách “lấy lòng” người tiêu dùng. Thậm chí, đã có sản phẩm chị phải ngậm ngùi loại bỏ vì không được đón nhận.

Sắp tới, nước mắm nấm, nấm đông trùng hạ thảo ngâm với mật ong…là những “chiến binh” mới nhất đang được chị kỳ vọng có thể chinh phục được thị trường…Có thể đó sẽ là những chiến binh tinh nhuệ nhất, cũng có thể sẽ phải tạm dừng bởi sự đắt đỏ và kén người dùng. Nhưng có hề gì khi chủ nhân của những sản phẩm ấy là người không ngại đối diện với khó khăn, thậm chí còn luôn “lên kịch bản” trước cho sự thất bại của mình.

img
img

Thu khác biệt. Đây cũng chính là lý do mà tôi lựa chọn để kể về câu chuyện truyền cảm hứng của chị. Sự khác biệt ấy đến từ chính suy nghĩ “sẵn sàng thất bại” của chị.

Với đa phần các start-up khi khởi nghiệp, những điều họ lo ngại nhất là vốn, là kinh nghiệm quản trị, hay thiếu nhân sự giỏi…, thì chị lại không. Về kinh nghiệm quản trị, điều hành, start up khi đã có 10 năm kinh nghiệm đi làm thuê kinh qua các vị trí từ nhân viên tới quản lý cấp trung rồi giám đốc bộ phận là một sự thuận lợi đối với chị. Nhân sự và mối quan hệ, thiếu có thể nhờ tới sự hỗ trợ từ bên ngoài. “Vốn lại không phải là khó khăn, vì tôi xác định từ đầu vốn đầu tư không nhiều, chưa kể tôi chọn cách làm từng bước một, đầu tư gối và làm dần dần chứ không phải làm ồ ạt, ko chọn rủi ro về vốn” – chị nhấn mạnh.

“Đặc biệt nhất, tại thời điểm quyết định thành lập doanh nghiệp, tôi đã để riêng ra một số vốn để mình sẽ làm việc này và có kế hoạch rõ ràng cho nó, đó là 2-3 năm nếu như mô hình ko hiệu quả, mình tiêu sạch số vốn đó, quay trở lại từ đầu thì mình cũng sẽ không bị mất mát gì nhiều vì đã không đặt cược hết, mình vẫn đảm bảo được tính an toàn về tài chính và tâm lý”.

Phải chăng chính tâm thế sẵn sàng đó đã khiến “thất bại” không gọi tên chị, mà ngược lại mang đến cho chị nhiều cơ hội hơn…

Quá trình kinh doanh gặp không ít khó khăn vì sự cạnh tranh. “Khi bạn đi quá nhanh và thành công sẽ có nhiều người ghanh ghét bạn,” chị Thu nói. Đối diện với những thông tin thiếu tích cực về sản phẩm của mình, chị “chỉ thanh minh vừa đủ và thanh minh với những người cần thanh minh” và tiếp tục tập trung vào việc củng cố hoàn thiện sản phẩm. Sản phẩm của Nấm Lý tưởng vẫn “phủ sóng” ở hầu như 100% các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

“Trong ngành thực phẩm này, nếu bạn chỉ phạm sai lầm một lần, bạn không có cơ hội làm lại, bao nhiêu công sức xây dựng một doanh nghiệp, một thương hiệu có thể đổ bể. Nấm Lý tưởng đã có thương hiệu, chịu sự giám sát của tất cả các hệ thống bán hàng trung gian (các hệ thống siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch…) và sự giám sát của nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và ATVSTP vì vậy những thông tin cạnh tranh vô căn cứ không dễ dàng làm hại được chúng tôi”.

Chị bảo: “Ở đâu thì không biết, nhưng với kiến thức của mình, tôi khẳng định ở Việt Nam, nông dân và người sản xuất nấm trồng nấm hoàn toàn tự nhiên, tuyệt đối không có hóa chất kích thích, tăng trưởng, chất bảo quản. Nấm là loại cây trồng tinh sạch nhất, chỉ có thể sinh trưởng và phát triển được trong môi trường sạch, được tưới bởi nguồn nước sạch và chăm sóc theo quy trình vệ sinh tiêu chuẩn”.

Biết vậy, chị vẫn cẩn trọng kiểm soát sản phẩm của các đối tác, từ độ sạch, an toàn cho đến việc trang bị cho từng sản phẩm nấm công ty cung cấp một bộ hồ sơ công bố chất lượng, phiếu xét nghiệm lý-hóa-sinh, không chỉ bởi sự yên tâm, mà còn là một minh chứng cho sự tinh sạch của nấm Việt Nam.

img
img

Khi hệ thống phân phối của công ty đã đủ lớn về mặt quy mô, xét thấy thời điểm bước chân vào lĩnh vực sản xuất đã đến, chị nhanh chóng chuyển đổi mô hình Nấm Lý tưởng sang lĩnh vực sản xuất nấm, mà sản xuất lớn ngay lập tức, để có thể hoàn toàn làm chủ nguồn cung cấp. Trang trại nấm tại Đông Anh của công ty – trang trại sản xuất các loại nấm bào ngư tự nhiên với quy mô 2 nghìn m2 đang đi vào sản xuất.

img

Làm việc bài bản, tính toán chỉn chu và hành động nhanh, quyết liệt, tôi thấy đó là những điểm toát lên từ câu chuyện của chị Hoài Thu, từ con người chị.

Khi được hỏi lựa chọn 2 tính từ “đại diện” phát ngôn đúng nhất về bản thân mình, chị chọn “ĐAM MÊ” và “CHĂM CHỈ”.

“Về mặt vật chất, không biết thế nào gọi là thành đạt nhưng tôi tự hào với những điều đã làm được, đó là thương hiệu Nấm Lý Tưởng đã được định hình trên thị trường, những sản phẩm chế biến từ nấm của công ty đã được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn, ưa thích sử dụng. Và trên hết tôi thỏa được một phần đam mê khi mà những dự định ấp ủ, mong muốn đã thành sự thật”.

Và có một điều chị không nói ra, nhưng tôi tin chị cảm nhận được sâu sắc hơn ai hết là chị đã thay đổi được suy nghĩ của những người ban đầu hoài nghi về khả năng của chị. “Đó không phải là hiếu thắng mà tôi tin nhờ đam mê và chăm chỉ mà tôi đã làm được, cũng chính là hai từ phản ánh đúng nhất con người tôi” – chị quả quyết.

Tôi không thích gọi chị hay nhìn nhận chị như “nữ hoàng nấm” hoặc bất cứ danh xưng mỹ miều ưu ái nào. Tôi thấy chị giống như một người kể chuyện nghìn lẻ một đêm, chỉ khác nàng Sheherazade là chị kể về chính những trải nghiệm của bản thân – những điều có thể không mới lạ nhưng vẫn người khiến khác gật đầu thán phục.

Và tôi chờ những chương tiếp theo của câu chuyện “nghìn lẻ một đêm về nấm”!

Còn với Thu, chị mỉm cười mãn nguyện khi thỉnh thoảng bạn bè đồng nghiệp lại trìu mến gọi với cái tên đơn giản mà gần gũi: Thu nấm hay “Người phụ nữ nấm”.

img

Nội dung: Tố Loan

Ảnh: Đàm Duy

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Ngọc Hiếu

img

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem