Khi được 6 tuổi, mẹ dạy tôi tự rang cơm. Hồi ấy mẹ mang bầu em bé, nhà lại sơ tán theo bệnh viện vào Mai Lĩnh, bố thì theo trường đại học sư phạm sơ tán lên tận Từ Sơn. Một mình mẹ vừa đi làm vừa cơm nước, giặt giũ, chăm lo, tắm rửa cho tôi nên chắc đôi khi cũng mệt, hoặc có thể mẹ cũng muốn dạy cho tôi tự lập. Còn tôi, khi ấy cũng chưa biết thương mẹ đâu, chỉ thích nghịch thôi, nên khi thấy mẹ bảo sẽ dạy rang cơm thì tôi thích lắm. Tôi vẫn hay thích nghịch lửa mà.
Mẹ bảo tôi lấy nồi cơm nguội ra. Nồi cơm gạo quê qua một đêm vẫn còn thơm hương lúa mới nhưng vì trời lạnh nên vón cục vào nhau, làm tôi băn khoăn: "Cơm vón cục thế này thì làm sao rang hả mẹ?" Mẹ chỉ cười: "Rồi con sẽ thấy."
Ảnh minh họa. Nguồn IT
Tôi cùng mẹ bóc hành. Mẹ dạy tôi cách cầm dao, thái từng lát hành sao cho thật mỏng mà không cắt vào tay. Hơi ấm từ bàn tay của mẹ đưa mùi hành bay lên làm tôi cay cả mắt. Tôi tập thái từng nhát, từng nhát, rụt rè. Xong một tép hành bé xíu, tôi ngẩng lên nhìn mẹ, thấy mẹ cười mà mắt rưng rưng, tôi tự nhủ chắc mẹ cũng bị cay mắt vì mùi hành giống như tôi.
Mẹ bảo tôi lấy một thìa mỡ trong cái lọ thủy tinh cho vào chảo rồi đặt lên chiếc bếp dầu mẹ đã thắp để phi hành. Tôi định bỏ hành vào luôn thì mẹ bảo đừng, con phải đợi mỡ nóng rồi cho vào đúng lúc không thì hành sẽ nhũn ra rồi cháy mà không thơm. Đó là bài học đầu tiên về cách chờ đợi thời cơ mà tôi được dạy.
Khi hành đã thơm, mẹ bảo tôi cho cơm vào, nhưng một nửa muôi thôi, rồi dầm ra đảo kỹ để những hạt cơm đầu tiên được dính mỡ đều, rồi mới cho tiếp từng muôi, từng muôi tiếp theo. Cứ thế, cả nồi cơm nguội vón cục được cho dần vào chảo. Tôi hỏi mẹ sao không cho vào ngay cả nồi, mẹ bảo như thế con sẽ phải đảo cả một cục cơm to, rất khó. Mẹ đã dạy tôi cách chia nhỏ công việc.
Tôi lại hỏi thế sao lúc đầu lại chỉ được cho nửa muôi thôi và phải đảo kỹ hơn? Mẹ bảo để có một lớp cơm ngấm mỡ làm cho chỗ cơm còn lại không bị dính vào đáy chảo (hồi đó chưa có chảo chống dính như bây giờ). Mẹ đã dạy tôi cách tạo ra thuận lợi trong công việc từ những gì sẵn có.
Nghe mẹ ân cần giải đáp từng câu hỏi, trong tiếng cơm rang lép bép, giữa một buổi sớm mùa đông, tôi thấy mình thật sung sướng. Tôi khoái chí lấy muôi dầm nát những cục cơm bướng bỉnh cuối cùng, nhưng mẹ bảo không cần. Cứ đảo đều tay, những hạt cơm đã được quện mỡ ban đầu sẽ cùng với hơi nóng len vào, rồi những cục cơm bướng bỉnh sẽ tự tơi ra.
Thế là, tôi đã học được bài học về vai trò của những nhân tố tích cực, và cả bài học về sự nhẫn nại, biết bỏ qua những vấn đề nhỏ nhặt để được việc lớn hơn.
Cơm rang đã se, mẹ bảo tôi đập trứng vào một cái bát nhỏ, đánh đều lên rồi đổ từng ít một vào, vừa đổ vừa đảo đều tay. Tôi hỏi vì sao không đập ngay vào chảo. Mẹ cười: "Thế thì cơm nó lại nhoét ra rồi vón cục vì trứng không kịp chín". Tôi lại học thêm được rằng muốn đưa một thứ mới vào nơi nào đó cần phải kiên trì, không thì sẽ phản tác dụng.
Giờ đây, khi mẹ đã đầu bạc răng long, còn tôi đã đi gần khắp năm châu bốn bể, tôi vẫn thấy không có sơn hào hải vị nào ngon bằng món cơm rang của mẹ. Bởi chảo cơm rang của mẹ không chỉ có mùi vị mà thôi. Nó đầy ắp tình yêu thương và cả những bài học xử thế mẹ dạy cho tôi khi còn bé.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.