Cô Lò Thị Hòa và bức ảnh gây "bão" trên mạng xã hội (ảnh IT)
Chùm ảnh ấy “hot” với bạn. Với tôi và nhiều người khác…
Nhưng là người cũng may mắn được đi nhiều nơi đặc biệt là vùng cao Tây Bắc, tôi tin chắc rằng, nó rất đỗi bình thường với hàng vạn giáo viên cắm bản trên khắp nẻo đất chữ S này. Những người mà mỗi lần gặp, tôi thường thầm nhủ rằng “họ thực sự là những người hùng”.
Khi nghe kể lại những câu chuyện về khó khăn của giáo viên vùng cao, nhiều người từng nói với tôi: “Với lượng sinh viên sư phạm ra trường ngày càng lớn hiện nay, nếu không đi cắm bản, những thầy cô ấy dù có yêu nghề đến mấy cũng không thể chen hết về thành phố để dạy học. Đó là chưa kể, giáo viên vùng cao bao giờ cũng được hưởng những chế độ ưu đãi hơn giáo viên vùng thấp”.
Tôi không phản đối ý kiến đó bởi đấy, theo tôi, cũng là một cách nhìn nhận sòng phẳng và khá rõ ràng.
Dẫu thế, xin hãy 1 lần ngồi sau xe của 1 giáo viên cắm bản về điểm trường (chỉ cần ngồi sau xe thôi, việc lái là của các thầy cô), bạn sẽ hiểu “sự vô giá” của những con chữ nơi vùng cao. Và nói thẳng, với một con người ích kỷ ở mức trung bình như tôi, khi đi cùng các thầy cô 1 lần, tôi sẽ không đánh đổi 10 triệu, thậm chí là 20 triệu để nếm trải lại cảm giác đó lần thứ 2.
Dù khó khăn, nhưng những thầy cô cắm bản vẫn luôn thể hiện sự lạc quan (ảnh: IT)
Cách đây vài năm, tôi từng rùng mình khi nhìn tấm lưng xanh rớt, chằng chịt vết sước, sẹo, vết thâm vắt cắn của một thầy giáo vừa chớm 30 tuổi mà chắc chỉ nặng cỡ 40kg trên một điểm trường cao nhất nhì của tỉnh Lào Cai.
Tôi vô tư đùa “Thầy “suy dinh dưỡng” từ nhỏ à?”.
Thầy giáo chỉ cười: “Không, chỉ từ khi lên đây thôi. Đường đi khó, ngã, hay bị cây rừng đâm cào là chuyện bình thường. Mùa mưa tới, đi xuyên rừng gọi trò, vắt cắn như muỗi cắn. Nên cứ gầy và xanh thế này thôi!”.
Tất nhiên, tôi chỉ hiểu câu chuyện của anh, khi lần đầu tiên bị vắt rừng cắn!
Một cung đường không thể khó khăn hơn của giáo viên cắm bản (Bức ảnh được chia sẻ trên fan page Giáo viên vùng cao)
Trong những cuộc hành trình của mình, tôi được vinh hạnh (tôi nghĩ thế), khi đã từng được đắp chung chăn trong cái giá cắt da cắt thịt giữa căn lều tạm bợ của các thầy cô trên đỉnh núi. Bỏ chăn ra thì lạnh đến đông máu, đắp chăn vào lại sợ sâu róm lần mần bò trên da thịt.
Tôi từng chia với các thầy cô (mà giờ đây tôi đều gọi là anh chị) từng ca nước quý giá vừa đánh răng rửa mặt, vừa rửa ráy chân tay trên những vùng đất khô và lúc nào cũng bụi mù cát.
Và tôi cũng đã từng khóc, khi trong những đêm đông giá, một cái nắm tay như bấu vào da thịt khi nghe các cô kể cho tôi nghe không ít chuyện buồn quanh những cung đường xóc lộn ruột mà ngã, vồ ếch, trôi xe… là “đặc điểm nhận dạng ấy”.
Và bạn có tin không, khi đã có những em bé được mẹ là những cô giáo bền bỉ cắm bản sinh ra ngay trên chính những cung đường trơn trượt và lầy lội ấy khi chẳng kịp tới trạm xá chờ sinh.
Những cung đường ấy, bạn hỏi, thầy cô nào cũng sẽ biết, sẽ sợ, sẽ có thể ngồi kể cho bạn nghe cả chục câu chuyện ly kỳ và “sởn gai gốc” về nó. Nhưng, tôi chưa nghe thầy cô nào nói với mình, sẽ từ bỏ những con đường “tử thần” đó.
Có lẽ, vì đơn giản, nó sẽ dẫn đến 1 ngôi trường.
Nụ cười của thầy giáo trẻ sau khi "cập bến" (nguồn: IT)
Thế nên, đi trên những cung đường miền núi trên khắp đất nước này, điều bạn rất dễ nhìn thấy, là vào những vào ngày cuối tuần, bất kể mưa gió, sẽ luôn có những chiếc xe lấm bùn, những bộ áo mưa bết đất, những nụ cười cùng cái gật đầu chào thật tươi (dù không quen biết) của những thầy cô, có thể rất trẻ, có thể đã già.
Tôi, bạn và rất nhiều người khác nữa, chúng ta chỉ đến rồi đi, để có 1 chút cảm nhận, chút ấn tượng rồi bật lên những cảm xúc (tôi cho là đáng quý) về những thầy cô cắm bản và các cung đường “huyền thoại” của họ.
Nhưng, hàng vạn ngày khác, khi bạn và tôi đã quan tâm đến chọn loại hoa nào để chưng Tết, đi tour du lịch nào cho tiện lợi, hấp dẫn thì vẫn sẽ có hàng vạn những chuyến xe lấm bùn ấy đi lại như những thoi đưa giữa những nẻo đường rừng.
Tôi không nói đến lòng yêu nghề hay sự vĩ đại, tôi chỉ nghĩ rằng, phải có một cái gì mạnh mẽ lắm, để gắn kết những chiếc xe nhỏ bé kiên trì lăn bánh trên những cung đường chẳng ai muốn đi ấy.
Và có thiển cận không, khi tôi ước rằng, mỗi lời ngợi ca, mỗi sự thương cảm đang được cất lên dưới mỗi cú gõ phím này, biến thành đá, thành cát, thành xi măng… để những cung đường vạn nẻo kia bớt gập ghềnh, giảm đá hộc… và để những người thầy, người cô vùng cao không phải mãi “gồng mình là những anh hùng”!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.