Vụ việc "tranh" gỗ sưa ở Hà Nội: Xử lý chậm do đợi... Interpol trả lời

Hữu Danh – Gia Tưởng Thứ tư, ngày 13/05/2015 12:00 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc UBND TP.Hà Nội quyết liệt bán đấu giá tài sản sở hữu của dân (NTNN số 112/2015), phóng viên NTNN tìm hiểu và phát hiện đằng sau việc phong tỏa số tiền lên đến 20,5 tỷ đồng còn nhiều điều chưa rõ ràng, trong khi các cơ quan chức năng né tránh.
Bình luận 0

Điều tra 30 tháng mới quyết định… không khởi tố

Theo Văn bản số 679TB/PC46-D910 của Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội ngày 28.3.2013, căn cứ đơn đề nghị của thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, ngày 24.10.2010, ông Nguyễn Danh Sáu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ ký xác nhận: “Số gỗ sưa được xã thu gom 2,506m3 có nguồn gốc hợp pháp, được phép vận chuyển và tiêu thụ sau khi làm xong các thủ tục theo quy định”.

Hôm sau, ông Trần Mạnh Hùng (Hạt phó) và ông Nguyễn Văn Tiến (kiểm lâm viên) đến UBND xã Hòa Chính lập lý lịch và đóng búa kiểm lâm cho số gỗ này. Sau đó, lúc 15 giờ 40 cùng ngày, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Hà Tây, ông Cheng Feng Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm thủ tục chuyển 19,55 tỷ đồng từ tài khoản cá nhân để trả cho thôn Phụ Chính. Số tiền này cùng tiền đặt cọc (1 tỷ đồng) do ông Dương Văn Thái (người trúng đấu giá) đã bị cơ quan công an phong tỏa từ 25.10.2010 đến nay.

img
Người làng Phụ Chính giờ phải trông nom gốc cây sưa hết sức cẩn mật do sợ “lâm tặc” trộm. (ảnh: H.D)

Trả lời câu hỏi vì sao Công an TP.Hà Nội điều tra tới 30 tháng, đến ngày 28.3.2013 mới ra quyết định không khởi tố vụ án, thượng tá Mai Trọng Thắng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Hà Nội giải thích: “Do vụ việc có liên quan đến người nước ngoài chuyển tiền nên việc điều tra kéo dài. Chúng tôi cần phải làm rõ là có rửa tiền hay không, có tội phạm hay không, nhưng chúng tôi cũng không biết ông này ở đâu để mời lên làm việc. Chúng tôi có nhờ Interpol (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế) xác minh lai lịch ông Cheng Feng Wei nhưng Interpol không trả lời nên số tiền này chúng tôi vẫn phải giữ”.

Nhiều khuất tất

Trao đổi với phóng viên về tính “chính chủ” của số gỗ, ông Nguyễn Văn Doanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, người chịu trách nhiệm trong việc bán đấu giá số gỗ sưa cho biết: “Thành phố có mời thường trực UBND huyện lên họp 7 – 8 lần. Chúng tôi kiến nghị phải tịch thu nhưng thành phố không thực hiện. Việc ra quyết định tịch thu hay không là quyền của thành phố. Chúng tôi là cấp dưới, giao đấu giá thì chúng tôi thực hiện chứ chúng tôi không có thẩm quyền tịch thu”. Tương tự, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, nếu chính quyền muốn bán đấu giá thì phải ra quyết định tịch thu. “Chúng tôi có kiến nghị phải tịch thu mới đấu giá được nhưng UBND TP.Hà Nội không làm” – ông Chung nói.

Đi sâu tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện, Công an Hà Nội hiện không chỉ phong tỏa 20,5 tỷ đồng của người dân mà còn thu luôn số tiền rất lớn không liên quan gì đến vụ gỗ sưa. Cụ thể, ngày 27.10.2010 - 2 ngày sau khi Công an huyện Chương Mỹ tạm giữ gỗ sưa, người thân của ông Dương Văn Thái là ông Nguyễn Thành Long dùng xe ô tô chở ông Thái đến Công an huyện làm việc. Tại đây, 2 cán bộ công an là Nguyễn Duy Thanh và Nguyễn Văn Tuyên “kiểm tra” người ông Long có 490 triệu đồng nên lập biên bản tạm giữ. Điều lạ là số tiền này bị tạm giữ suốt 5 năm nay mà không hề có lý do gì. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thanh cho biết số tiền này đã được chuyển về Công an Hà Nội, Công an huyện không còn trách nhiệm. Hiện ông Long đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Cũng trong vụ việc này, dù các cơ quan trung ương khẳng định người dân mua bán hợp pháp, chiếc xe tải biển số 30V-85... chở gỗ cũng bị tạm giữ suốt 5 năm. Trao đổi với phóng viên, chủ xe nói: “Chiếc xe này tôi mới mua chạy được vài tháng thì bị tạm giữ luôn”.

Để làm rõ những khuất tất nêu trên, phóng viên đã liên hệ Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thì ông Chung đề nghị gặp lãnh đạo PC46. Ngày 20.4, phóng viên đến PC46 được thượng tá Mai Trọng Thắng tiếp, sau đó ông Thắng hẹn lại vì phải xin ý kiến cấp trên. Đến ngày 23.4, ông Thắng tiếp nhóm phóng viên, sau đó đề nghị viết các câu hỏi vào giấy, ông sẽ xin ý kiến lãnh đạo và trả lời sau. Tuy nhiên, đến nay ông Thắng vẫn không trả lời.

Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 2 tháng”.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem