Theo PGS-TS Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội, lâu chúng ta chủ yếu quan niệm dược liệu là chỉ để làm thuốc chữa bệnh. Điều này dẫn đến sự nghèo nàn về sản phẩm. Thực tế, có thể phát triển rất nhiều sản phẩm từ dược liệu: từ các loại rau ăn, đồ uống, lương thực, hương liệu, chất nhuộm màu thực phẩm... để ăn, uống hằng ngày nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đến các sản phẩm chuyên sâu hơn như các thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và thuốc (thuốc Y học cổ truyền, thuốc dược liệu).
Người dân tham gia trồng dược liệu dây thìa canh. Ảnh SKĐS.
Hiện mô hình phát triển theo hướng gắn với du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng/chữa bệnh; vườn cây thuốc; xây dựng chuỗi sản phẩm dược liệu sạch từ nông trại đến bàn ăn… đang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư. PGS Ơn cho rằng, muốn phát triển kinh tế dược liệu thì cần vận động được người dân đứng lên làm chủ, sau đó các doanh nghiệp, hợp tác xã đứng lên thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm. Phát triển cùng với đó là hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, có sử dụng dược liệu được trồng trọt ngay trong vùng. Cuối cùng phải chú trọng xây dựng vườn cây quốc gia.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia Việt Nam là 1 trong 15 nước nằm trong bản đồ dược liệu thế giới tuy nhiên hiện nay các nguồn dược liệu đang cạn kiệt do người việc thu hái bán thô và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. So với nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 – 80.000 tấn/năm, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được khoảng 20% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Thống kê của Viện Dược liệu quốc gia cho thấy đến nay đã ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.