img img
img img
imgimg
 

imgimggồi bên cạnh xem ông ôm vô lăng chiếc Ford Ranger chồm chồm trên con đường đất đỏ bụi mờ, chúng tôi chợt liên tưởng đến chàng thiếu niên gầy còm, đen nhẻm của mấy chục năm trước, lái chiếc máy cày hiệu Massey Ferguson đi khắp xóm cày thuê nuôi gia đình.

imgimg
 

Cũng cần nói thêm, với báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Út Huy như người nhà. Trong nhiều cuộc chơi mà báo từng tổ chức như: Cuộc thi viết “Tôi là nông dân 4.0”, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, đưa đoàn nông dân đi nước ngoài tham quan mô hình nông nghiệp…, Út Huy đều nhiệt tình tham gia. Nên với ông, cuộc phỏng vấn này chẳng khác chi một cuộc trò chuyện giữa những người trong gia đình, cởi mở, gần gũi và thân mật.

Nhiều bạn bè trồng mía cùng thời với lão nông Út Huy đều chung nhận định “Út Huy có được ngày hôm nay phải nhờ ơn cây mía”. Đứng giữa vườn chuối tôi hỏi Út Huy về chuyện này, ông cười ngất: “Đúng quá trời luôn. Họ nói vậy tui đồng ý cả hai tay. Nói gì thì nói, tui có được ngày hôm nay là phải cảm ơn cây mía trăm ngàn lần. Cây mía cho tui sự nghiệp. Tui nợ cây mía một chữ ân tình”.

Rồi Út Huy trầm giọng lại, bắt đầu câu chuyện của mình: Năm 1978, ông khởi nghiệp từ cây mía. Do không vốn liếng, chỉ có cái máy cày và tay nghề, ông đi khai phá đất hoang lập nghiệp. Ông bám vào chủ trương, chương trình của các nhà máy đường để họ đầu tư từ dầu cày, phân bón đến con giống, nhân công… “Tui làm nông chỉ bằng bàn tay và khối óc”, ông thổ lộ.

imgimg
 

Đầu tiên, nghe theo tiếng gọi “vỡ đất hoang”, ông vượt hơn 100km bắt đầu start up (khởi nghiệp) với cây mía ở Tây Ninh. Nhưng ông thất bại nặng nề khi đồng mía bị lũ lụt. Lộn về Bình Dương, lúc đầu ông lao theo cây mía nhưng cũng thất bại. Sau khi chỉnh lại quy trình trồng mía, lần đầu tiên Út Huy nếm cây mía thấy vị ngọt. Dần dần, ông có của ăn của để với cây mía. Năm 1994, ông lộn lại Tây Ninh trồng mía một lần nữa, trước khi về quê nhà khăn gói vào vùng đất Maren “ma chê, quỷ hờn” để khai hoang với tham vọng mở trang trại trồng mía.

TS Mai Thành Phụng - nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đầu thập niên 90 (thế kỷ trước), khi ấy ông là Phó Chủ nhiệm Dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười (ISA/FOS/ĐTM), nên từng vào khu vực đất ngập nước Maren để tìm cách khai hoang, mở đất. Lúc ấy, điều kiện sống ở đây rất khắc nghiệt, không có nước ngọt, nước phèn đỏ mênh mông, tràm mọc chằng chịt, cao lút đầu.

Thế mà Út Huy dám mò vô vùng đất dữ nhận một lúc 240ha đất để khai hoang. Từ nhà vào khu đất hoang dã này cách 7km, thế là từ tờ mờ sáng ông Út huy đã cuốc bộ vào khai khẩn, đến tối mịt với thả về nhà. Theo TS. Phụng, việc đánh thức Đồng Tháp Mười thành công là dựa trên quy luật “né phèn chứ không đối đầu” với chiến thuật “ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt”, hay nói nôm na là “đáy ướt, mặt khô”.

Lúc bấy giờ, mặc dù không am hiểu “chiến thuật” này, nhưng Út Huy vẫn biết rằng phải đào kênh sổ phèn, dẫn ngọt, dùng vôi khử phèn và đắp đê lửng để lấy phù sa khi lũ về nhằm tăng độ phù sa cho đất.

img img

Út Huy cho đào kênh Đông, Tây và những con kênh nhỏ xẻ dọc, ngang khu đất 240 ha, tổng cộng dài gần 20 km. Những tuyến kênh này, sau này chính quyền thấy hiệu quả nên đã cho nối thông với các con kênh khác trên địa bàn. Song song với việc đào kênh, ông cho đắp đê lửng vây khu đất chờ lấy phù sa khi lũ về. Mô hình đắp đê lửng để lấy phù sa trên vùng đất ngập nước của ông Út Huy, những năm sau chính quyền ở ĐBSCL cũng vận động nông dân triển khai.

Tuy nhiên, việc dùng vôi để khử phèn lại là một phương pháp thất bại. Út Huy cho rằng, với tính pH cao, vôi sẽ khử được phèn, nhưng cũng sẽ làm chai đất. Theo đó, sau bước đầu cải tạo đất ông cho trồng cây. Thời gian đầu, cây cối mọc xanh um, nhưng rồi dần lụi tàn. Lúc ấy ông mới phát hiện đất mình đang dần chai sạn mà nguyên nhân chính là do dùng vôi khử phèn.

“Công cuộc khai hoang đất Maren rất gian nan, không như dự tính ban đầu của mình. Nếu kênh, mương, vốn liếng đầy đủ thì chỉ cần 3 năm rửa phèn, đất sẽ trồng cây tốt. Nhưng tôi mất gấp đôi thời gian này mới có thành quả từ vùng đất phèn này”, lão nông chia sẻ.

Có được đất thuộc, ông Út Huy lại start - up với cây mía. Theo TS Phụng, chọn cây mía làm cây khởi nghiệp trên vùng đất phèn chua là một chọn lựa khôn ngoan của ông Út Huy. Vì chỉ có thứ cây “nồi đồng, cối đá” này mới đương đầu được với vùng đất dữ.

Gắn bó ân tình với mía là thế, nhưng đùng một cái tới năm 2000, ông buộc phải dứt tình với cây mía. Khi đó cây mía đụng Hiệp định AFTA. Theo kế hoạch, năm 2003 ông mới ngưng dần trồng mía và đến năm 2006 là chấm dứt. Nhưng, do thấy tình hình lúc bấy giờ đường nhập khẩu tràn ngập thị trường, tính đi toán lại, lão nông Út Huy quyết định sớm ngừng “cuộc tình” với mía sớm trước 3 năm và chuyển sang “cuộc tình” tập 2 – cây chuối.

img img
 

Hiện, lão nông Út Huy đang là Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An. Dù đa canh, đa con, nhưng theo tâm sự chân thành của Út Huy, nếu cho thang quản lý 10 điểm, ông mới đạt điểm 5. Nếu bây giờ ông làm 5 món thì mới được 3 món ngon lành. Có những cái đóng nút để đó.

Thời điểm này, ông đang cơ cấu lại hệ thống quản lý, cho công nhân cập nhật lại phần mềm sản xuất. Ông tin 1, 2 năm nữa công nhân có thể dán được mã vạch cho từng cây trồng. Giờ họ chưa làm được do lượng cây nhiều và thay đổi liên tục.

Dự kiến, đến năm 2021 ông mới hoàn thành chương trình quản lý với cây bưởi, sầu riêng. Các trang trại đều làm được Nhật ký sản xuất, lên kế hoạch sản xuất hàng ngày. Cũng theo lời Út Huy, công nhân đang phải chịu rất nhiều áp lực trong sản xuất.

img img

Cây chuối hiện là cây chủ lực của ông trong xuất khẩu, vậy công tác quản lý quy trình trồng có gặp lỗ hổng gì?

- Theo quy trình, khi cây chuối trổ buồng thì cây con phải được 2 tháng tuổi để gối đầu. Nhưng giờ chúng tôi chưa làm được hoàn toàn. Một số nguyên nhân làm khó chỗ này như: Kỹ thuật, chế độ canh tác đất phèn, giống chuối, thị trường… Về mặt lý thuyết là ổn, nhưng từ lý thuyết đến thực hành còn khoảng cách nhất định. Chúng tui còn phải phấn đấu, điều chỉnh nhiều hơn nữa để lý thuyết và thực hành đồng bộ đi vào thực tế.

Vậy điều này có ảnh hưởng đến chất lượng của chuối không?

- Không, chỉ ảnh hưởng năng suất.

Quản lý chưa tốt, tại sao ông lại quyết định liên kết với nông dân ở Đồng Nai để trồng chuối?

- Tui đang tự chấm cho cây chuối thêm 1 điểm nữa là sự kết hợp với nông dân chồng chuối ở Đồng Nai. Tui nghĩ đang có sự bổ sung cho nhau. Người nông dân trồng chuối ở Đồng Nai đang thay đổi quy trình trồng chuối. Họ đang đi theo tui để sửa sang cây chuối cho đúng quy trình chất lượng, sản lượng. Là những người trực tiếp sản xuất nên tui biết cái nào bỏ, sửa hay bổ sung cho nhau…

Liên kết làm ăn giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân đang gặp phải tình trạng “bẻ kèo”. Ông giải bài toàn này như thế nào?

imgimg
 

- Tui thấy những nông dân ở Đồng Nai làm ăn với mình đều tốt. Vài anh bị đội giá thành sản xuất, nhưng mấy anh khác làm khá ngon. Họ cũng đã thử sử dụng phân bón vi sinh hoặc chế phẩm để xử lý bệnh đốm lá trên cây chuối. Điều này thể hiện câu chuyện niềm tin đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người nông dân. Nghĩa là chúng tui thể hiện sự ân tình với bản chất khăng khít giữa nông dân với DN. Tui chơi với nông dân bằng cái máu của nông dân chứ không “lạng lách”. Tui thấy cũng dễ gần gũi chứ không khó khăn gì.

Nếu kéo một DN cùng làm ăn với nông dân, theo ông cần yếu tố nào?

- Tui nghĩ, nếu nhà nước muốn lôi kéo DN vào chơi với nông dân thì DN cần đảm bảo những tiêu chí: Quy trình kỹ thuật, giống má, vốn, thị trường… Trong đó, các yếu tố khác có thể có hoặc không, nhưng thị trường là bắt buộc.

Nếu vô chơi mà thị trường anh không ngon thì có DN cũng như không, và tình trạng bẻ kèo sẽ xảy ra hiển nhiên. Anh chơi với nông dân mà nói miệng làm sao được. Dám chơi thì không đổ thừa thị trường, mưa bão… rồi bỏ chạy, mặc nông dân. Người nông dân và DN phải thể hiện trách nhiệm trong từng điều khoản hợp đồng.

Giờ nông dân lại đang kêu rên sầu riêng bán cho Trung Quốc không được, ông nghĩ thế nào?

- Trung Quốc có mua sầu riêng đâu mà bán. Trước nay, chúng ta bán nông sản sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Bây giờ không thể rồi, nên không còn kiểu hàng xấu bán sang đó nữa. Nông dân cần phải thay đổi quy trình sản xuất, nâng dần chất lượng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thị trường ngày càng khó, vậy muốn chơi thì chúng ta phải đáp ứng nhu cầu thị trường, nếu không sẽ ở lại. Và lúc này, Nhà nước phải đi khai thông chương trình thương mại cho nông sản Việt.

Vậy, hiện doanh nghiệp của ông sản xuất thế nào trong bối cảnh này?

- Tui thì khác, cái gì khó tui làm để không dội chợ, đụng hàng. Như chuối tui trồng VietGap, có mã vùng trồng, mã xuất khẩu, tiếp tục sẽ làm GlobalGAP. Tất cả các loại cây trái tui trồng, con bò tui nuôi cũng vậy, phải lên GlobalGAP để xuất khẩu được sang những thị trường “khó tính”.

img img
imgimg
 

40 năm làm nông nghiệp, lão nông này đau đáu với chính sách hỗ trợ nông dân. Ông Phạm Minh Hùng-Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Nông dân VN, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An từng chia sẻ với người viết: “Giờ hỏi ông Út Huy về chính sách hỗ trợ nông dân thời gian qua chắc ông nói cả ngày”. Vậy là chúng tôi lại hỏi Út Huy để xem ông Hùng nói chính xác tới đâu.

Nhiều người nói ông hay cằn nhằn về chính sách hỗ trợ nông dân, phải vậy không?

- Nếu nói chính sách cho nông dân, nông nghiệp thì có nhiều cái để nói lắm. Theo tui thấy, chính sách thì nhiều đó, nhưng người thụ hưởng thì ít. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo số tiền giải ngân dành cho nông nghiệp công nghệ cao, tui nghĩ sẽ hổng ít, nhưng thành phần nào được hưởng mới là quan trọng.

Hãy lấy thước đo từ người nông dân, họ vừa ý chưa, kẹt cái gì... sẽ thấy. Lâu nay, quan điểm của ngân hàng là đầu tư theo tài sản thế chấp, chứ không đầu tư theo dự án. Mà nếu có dự án thì mấy ông bự ẵm hết rồi còn đâu. Tui nghĩ, vài ba trăm ngàn tỷ đồng là cho mấy ông bự chứ không phải cho nông dân.

imgimg

Lâu nay tui tự hỏi chính sách này cho ai? Nếu cho nông dân thì phải thay đổi xác định lại đối tượng vay. Bây giờ nông dân không cần phải vay vốn với lãi suất thấp mà cần vốn để đầu tư sản xuất. 5-7% lãi suất không quan trọng, quan trọng là có tiếp cận nguồn vốn được không.

Vậy lâu nay ông đi vay vốn làm ăn có bị làm khó không?

- Nền tảng tiếp cận vốn của tui lại khác. Ví dụ, khi có dự án, tui mang tới ngân hàng nói thẳng: Vụ này dám chơi không? Chơi thì nhào vô giải ngân. Với tui có vốn bao nhiêu làm bấy nhiêu, có cam kết vốn thì tui làm.

Không chỉ có vốn, nông dân còn vướng quỹ đất nữa?

- Thực ra, tui biết nhiều nông dân thành viên HTX muốn phát triển quỹ đất sản xuất lắm, nhưng lại không tìm đâu ra. Họ cứ luẩn quẩn suốt ngày việc này. Như HTX Bàu Nghé ở Bình Phước mà tui quen biết, trồng cây ăn trái mà quỹ đất nhỏ hẹp thì sao phát triển được.

Tui nói lãnh đạo HTX này cứ làm đơn xin lãnh đạo tỉnh cấp đất rồi hùn vốn đầu tư. Tui biết, tỉnh này vừa quy hoạch mấy khu nông nghiệp công nghệ cao, vậy sao không cho nông dân cần đất để phát triển. Điều này lại chứng minh, chính sách có nhưng nông dân không tiếp cận được.

Ở nhiều tỉnh khác các khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn có các dự án đang làm?

- Tui không nói nhưng ai cũng biết, ai là người dễ đi kiếm đất quy hoạch làm nông nghiệp công nghệ cao nhất, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu? Tui nghĩ nông dân dễ gì được.

img img
imgimg
 

Hôm chúng tôi đến trang trại chuối của lão nông Út Huy, tình cờ bắt gặp đoàn nông dân của một HTX đến đây học tập kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Giám đốc HTX này thổ lộ, nghe ông Út Huy nổi tiếng, thành công với trồng cây ăn trái nên tổ chức cho các thành viên đi học tập kinh nghiệm.

“Người có thể quản lý trồng trọt, chăn nuôi lên đến 1.000ha đất, riêng trái chuối xuất khẩu sang thị trường khó tỉnh mỗi năm cả chục triệu USD thì đáng để lặn lội đi học hỏi lắm chứ”, vị giám đốc HTX này thổ lộ.

Trao đổi việc HTX đến học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, Út Huy cho biết, mỗi năm ông đón hàng chục đoàn kiểu này. “Ai đến học kinh nghiệm làm nông tui cũng tiếp”, lão nông Út Huy khẳng định.

img img

Theo ông Út Huy, nhu cầu học hỏi kinh nghiệm làm nông của nông dân hiện nay rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia sâu vào kinh tế thế giới, trong đó nổi lên khu vực nông nghiệp. Đây là lúc rất cần đến vai trò Hội nông dân các cấp để giải quyết những khó khăn, bất cập trong sản xuất của nông dân.

“Hội cần có những đột phá mới để hỗ trợ nông dân hết mình. Tui thấy, hiện Hội Nông dân đã làm được nhiều, nhưng còn phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ nông dân tốt hơn. Hội cần điều chỉnh để các hoạt động linh động hơn. Từ đời sống đến tình hình sản xuất của nông thôn Hội nên nắm thật vững để kiến nghị Đảng, nhà nước có chính sách hữu hiệu kịp thời hỗ trợ nông dân. Hội đang đại diện cho một tầng lớp lớn nhất của đất nước, nên vai trò của Hội rất lớn”, lão nông chân thành chia sẻ.

Cụ thể, theo ông Út Huy, giờ Hội phải tăng cường “giăng ăngten” nghe ngóng tiếng nói của nông dân. Cán bộ Hội nên đến những nơi khó nghèo, nắm bắt những gì đang bất cập. Nên xem phát hiện những khó khăn, bất cập trong nông dân, nông thôn làm thành tích cho Hội.

Chiều xuống, khi những ánh nắng vàng vọt xuyên qua khe hỡ của những bẹ chuối xanh um, nhảy múa trên mặt đất, cũng là lúc chúng tôi chia tay lão nông Út Huy. Đi trên con đường đất chạy xuyên qua trang trại chuối khổng lồ đang nâng cấp, chúng tôi chợt nhớ đến kế hoạch du lịch nông thôn của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An. Theo đó, khi con đường này được hoàn thành, với nhựa hóa láng bon, nông trang của lão nông Út Huy sẽ trở thành điểm du lịch nông nghiệp của tỉnh.

Có lần, lão nông Út Huy bộc bạch kế hoạch bắt tay làm du lịch nông thôn. Ông bảo sẽ cần số vốn khá lớn để cải tạo nhiều hạng mục của nông trang nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi của khách du lịch, như nâng cấp đường đất, xây dựng những bungalow lưu trú, nhà hàng, khu sinh hoạt vui chơi…

Kế hoạch này có lẽ còn ở phía trước, nhưng với lão nông chính cống này cái gì cũng có thể xảy ra với ông. Bởi, quan điểm làm kinh tế của ông là “không bao giờ đổ trứng vào một giỏ”!

Chúc cho ông luôn thành công với con đường mà ông đã chọn lựa, làm một nông dân đại gia.

imgimg
 
imgimg
 
imgimg
 
img
 

Ông Út Huy tên thật là Võ Quan Huy, sinh năm 1955 ở ấp Thuận Hoà (xã Hiệp Hoà, huyện Đức Hoà, Long An). Ông nổi tiếng với danh hiệu “vua chuối”với thương hiệu chuối Fohla, và từng khởi nghiệp đến 25 lần. Mỗi lần ông chọn một loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Hiện, ông Huy đang quản lý hơn 1.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương, trong đó gần 1.000 ha là đất chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh, măng cụt… Cuối năm 2014, ông dành 110 ha trồng chuối ở Long An và Tây Ninh. Trại chuối 70ha tại xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) và trại ở xã Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, Long An) đều trồng theo quy trình sạch. Tổng mức đầu tư cho cả 2 trại chuối này ban đầu khoảng 50 tỉ đồng.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem