10 ông vua tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam (Phần 2): Vua hèn

Thứ hai, ngày 11/06/2018 08:32 AM (GMT+7)
Bên cạnh những vị vua trụy lạc, một số ông vua được nhớ tới như những người u mê, nhu nhược hoặc tàn bạo.
Bình luận 0

Vua hèn Trần Phế Đế

Trần Phế Đế (1361 – 1388) là vị vua thứ 10 của nhà Trần. Lên nắm quyền trong buổi hoàng hôn của triều đại này, sự bất lực và nhu nhược của ông khiến tình hình càng trở nên không thể cứu vãn.

Trong thời gian trị vì của Trần Phế Đế, thế lực nhà Trần đã tụt dốc thảm hại, tạo điều kiện cho giặc Chiêm Thành tràn vào cướp phá, chiếm được cả thành Thăng Long trong một thời gian. Tuy vậy, vua không mấy quan tâm đến chuyện chống giặc mà chỉ lo đem của cải đi cất giấu.

Năm 1381, Phế Đế mở khoa thi thái học sinh, song từ đó lại lựa chọn những người khỏe mạnh để gia nhập quân đội. Việc làm kì lạ này đã làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ.

Không những vậy, triều đình còn tiếp tục cho tăng sưu thế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng cực khổ.

Cùng với thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, vua đã để cho Hồ Quý Ly lộng hành, dẫn đến sự sụp đổ từng bước của nhà Trần. Mặc dù sau đó Phế Đế đã tỉnh ngộ và nhận ra mối hiểm họa từ Hồ Quý Ly, nhưng chính điều này dẫn đến cái chết tức tưởi của ông khi Nghệ Tông nghe lời Quý Ly giết hại ông.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế như sau: Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được.

Lê Uy Mục – “Vua quỷ”

Lê Uy Mục (1488 –1509) là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Lên ngôi từ năm 17 tuổi, ông được xem là một vị hoàng đế tàn bạo và hoang dâm, đẩy triều Lê vào tình trạng hỗn loạn.

img

 Chân dung "vua quỷ".

Theo sử sách ghi lại, Uy Mục là một vị vua ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp ít ai sánh bằng. Ông cũng nổi tiếng tàn bạo khi giết hại nhiều người vô tội.

Khi mới lên làm vua, Uy Mục đã giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết quan Lễ bộ Thượng thư là Đàm Văn Lễ và quan Đô ngự sử là Nguyễn Quang Bật vì những người này từng phản đối việc đưa ông lên ngôi.

Vị vua này còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần. Tàn ác hơn, Uy Mục đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi.

Sứ thần Trung Quốc chứng kiến sự quái gở của Uy Mục, đã làm thơ gọi ông là Vua quỷ (Quỷ vương).

Sự bất nhân của Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và hàng ngũ quan lại, dẫn đến việc Giản Tu Công Lê Oanh lật đổ và giết chết vị hôn quân này sau 4 năm ở ngôi.

Lê Tương Dực – “Vua lợn”

Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức vua Lê Tương Dực (1495 – 1516). Trong thời gian đầu trị vì, Tương Dực tỏ ra là một vị vua tốt, nhưng càng về sau ông càng sa đà vào việc chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước.

Lê Tương Dực nổi tiếng với việc sai người thợ cả Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người.

Ông còn cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở hồ Tây, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm. Vì hoang dâm như thế, cho nên sứ nhà Minh sang trông thấy vua, bảo rằng Tương Dực có tướng lợn, nên dân chúng gọi ông là Vua lợn (Trư vương).

Lê Tương Dực hoang chơi khiến triều chính hết sức rối loạn, loạn lạc xảy ra khắp nơi trong cả nước. Do can gián vua không được mà còn bị phạt trượng, nguyên Quận công Trịnh Duy Sản đã giả mượn tiếng đi đánh giặc để đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực, chấm dứt 7 năm cầm quyền của “Vua lợn”.

Lê Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà"

Lê Chiêu Thống (1765 – 1793) là vị vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng. Bị mất ngôi năm 1788, ông đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.

Sau khi hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà quét sạch 29 vạn quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại phải theo đám bại quân chạy sang Trung Quốc.

Vẫn chưa thôi mộng phục quốc, Chiêu Thống lại tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhưng nhà Thanh, phần sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến nên chỉ hứa hão mà không cho quân.

Thất vọng và chán nản, Lê Chiêu Thống lâm bệnh rồi qua đời năm 1793 và được nhà Thanh chôn theo nghi thức tước công.

(Còn nữa...)

Hoàng Phương (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem