Andrei Tupolev - Tổng công trình sư hàng không lỗi lạc của nước Nga

Thứ tư, ngày 21/02/2018 12:32 PM (GMT+7)
45 năm về trước, tháng 12.1972, nhà chế tạo máy bay nổi tiếng của Nga Andrei Tupolev đã qua đời.
Bình luận 0

img

Nhà chế tạo máy bay Nga Andrei Tupolev Nguồn: russiapedia.rt.com

Ông được coi là một trong những tổng công trình sư hàng không lỗi lạc nhất của nước Nga. Dưới sự lãnh đạo của Andrei Tupolev, nước Nga đã cho ra đời được hơn 100 loại máy bay quân sự và dân dụng, phần lớn là đại diện tiêu biểu cho toàn thể ngành hàng không thế giới trong thế kỷ XX.

Andrei Nikolayevich Tupolev sinh vào ngày 10.11.1888 tại làng Pustomazovo, gần thành phố Kimry, tỉnh Tver, nước Nga. Cha ông là một công chứng viên của tỉnh. Ngay từ nhỏ, Tupolev đã có niềm say mê đối với khoa học kỹ thuật. Khi còn học ở trường trung học, ông đã nghiên cứu và chế tạo được đường ống dẫn gió đầu tiên cho máy bay và một mình thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1910.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường Kỹ thuật Mátxcơva vào năm 1918, ông cùng với Nikolai Jukovski-người được Lênin gọi là “cha đẻ của ngành hàng không Liên Xô” - sáng lập ra Viện nghiên cứu khí động lực học trung ương. Năm 1922, ông trở thành người đứng đầu Phòng thiết kế hàng không Tupolev của Viện.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Phòng thiết kế hàng không của Tupolev trở thành một trong những hãng chế tạo máy bay quân sự hàng đầu của Nga. Với một đội ngũ những nhà thiết kế hàng không kiệt xuất của thế kỷ XX, như Pavel Sukhoi và Mikhail Mil, hầu như toàn bộ máy bay quân sự và dân sự của Liên Xô - những dòng sản phẩm mang ký hiệu TU đều được thiết kế và chế tạo tại đây.

Đánh giá về Tupolev, nhà thiết kế máy bay Aleksandre Zatuchnưi đã từng nói: “Phòng thiết kế mà Andrei Tupolev lập ra, những chiếc máy bay do ông chế tạo, nói tóm lại là công việc của Tupolev, tất cả đều chính là những thời kỳ phát triển của kỹ thuật hàng không ở Liên bang Xôviết và Nga. Tất cả đều gắn bó đồng nhất và mật thiết với Andrei Tupolev”. Thậm chí, ngay đến Tổng công trình sư chế tạo tàu vũ trụ nổi tiếng của nước Nga Sergei Korolev cũng tôn vinh Tupolev là thầy của mình.

Trong thời đại của ông, khi mà vị trí độc tôn còn thuộc về kiểu thiết kế máy bay bằng gỗ, thì Tupolev đã là người tiên phong trong việc chế tạo ra chiếc máy bay bằng kim loại, xác định một bước phát triển mới mẻ của ngành kỹ thuật hàng không trên thế giới. Trong thế kỷ XX, hàng trăm mẫu máy bay đã được Tupolev và các cộng sự của ông cho ra đời, trong đó có những “pháo đài bay” chiến đấu đã và đang phục vụ trong Lực lượng không quân Nga.

Chiếc TU-2 với vỏ bằng kim loại do Tupolev thiết kế là một trong những máy bay ném bom tốt nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhiều biến thể của nó đã được sản xuất với số lượng lớn, trong đó có TU-4, là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, có trọng lượng khoảng 32 tấn, phi hành đoàn gồm 11 người. Trọng lượng bom mang theo có thể lên tới 6 tấn, phạm vi hoạt động 5.100 km. Còn TU-104 là trợ thủ rất đắc lực cho Không quân Xô viết trong thập niên 1940-1960 của thế kỷ XX.

Hay máy bay ném bom chiến lược tầm trung TU-16, sản xuất năm 1954 là loại máy bay có thể mang các loại tên lửa Їvozduh, cho phép tấn công cả mục tiêu cố định và di chuyển. Với phi hành đoàn gồm 7 người, trọng lượng khoảng 37 tấn, phạm vi hoạt động là 5.925 km, TU-16 được trang bị 2 hai tên lửa hành trình COP-1 và hệ thống tên lửa K-10. Hiện TU-16 vẫn được sử dụng trong các đơn vị chiến đấu của không quân Nga.

Đó là máy bay ném bom chiến lược TU-95 được Tupolev thiết kế từ năm 1950 và đưa vào phục vụ quân đội Liên Xô từ năm 1956. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược duy nhất trên thế giới chạy bằng động cơ phản lực cánh quạt được đưa vào hoạt động. TU-95 được đánh giá là máy bay chiến lược thành công và có thời gian phục vụ lâu nhất của quân đội Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Đến nay phiên bản này vẫn là một trong những loại máy bay ném bom chủ lực của Không quân Nga.

Là máy bay ném bom siêu âm tầm trung Tu-22M Backfire - loại máy bay siêu thanh ném bom tấn công trên biển, cánh cụp cánh xòe tầm xa, được phòng thiết kế của Tupolev thiết kế và sản xuất hàng loạt vào năm 1972. Đến nay, Tu-22M Backfire vẫn được coi là loại máy bay ném bom quan trọng nhất trong lực lượng Không quân tầm xa của Nga, với phi hành đoàn gồm 4 người.

Hay máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-160 (còn được biết đến với cái tên Thiên nga) là loại máy bay ném bom hạng nặng và tiên tiến nhất của Nga, cũng như của thế giới. Chuyến bay đầu tiên của TU-160 là năm 1981. Trong những năm 1989-1990, TU-160 đã lập 44 kỷ lục thế giới về tốc độ đối với những loại máy bay có cùng trọng lượng. Với trọng lượng 118 tấn, phi hành đoàn gồm 4 người, TU-160 được NATO ví như chiếc “dùi cui” vì nó có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân, tầm bay dài, có thể tác chiến trong bất kỳ thời tiết nào. Ngày nay TU-160 vẫn đang mang lại cho nước Nga lợi thế rất lớn trong trinh sát và can thiệp tầm xa.

Không chỉ dừng lại ở hàng trăm mẫu thiết kế máy bay quân sự mang ký hiệu TU, Tupolev còn nổi tiếng là người đã thiết kế ra chiếc máy bay dân dụng phản lực đầu tiên của nước Nga - đó là TU104 - với chuyến bay đầu tiên vào năm 1955, đánh dấu sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Nga. Những chiếc TU-104 khi được đưa vào vận hành đã lập 78 kỷ lục thế giới và cũng đưa Hãng hàng không quốc gia Aeroflot của Nga trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới vận hành các chuyến bay phản lực dân dụng.

Tiếp nối thành công của TU-104, các công trình sư và chuyên viên của văn phòng thiết kế Tupolev còn đưa ra các biến thể khác với những tính năng hiện đại hơn như: TU-114, TU-124, TU-144…

Đến nay, sau 45 năm ngày mất, công ty mang tên ông vẫn là một hãng chế tạo máy bay tiên tiến trên thế giới. Hiện nay những chiếc TU-204-100CM, TU-204-300CM và những mẫu máy bay chở khách có thân rộng của hãng đều là những chiếc máy bay thế hệ mới, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Và vì vậy, thương hiệu máy bay “TU” vẫn luôn là một thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường tiêu thụ thế giới.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho ngành công nghiệp hàng không quân sự và dân sự Liên Xô nói chung, ông đã ba lần được trao tặng huân chương Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa và một lần Anh hùng Lao động cấp nhà nước của Liên Xô. Ngoài ra, là danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cùng nhiều giải thưởng quốc gia cao quý khác, trong đó có giải thưởng Lênin.

Hồng Anh (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem