Chuyện đời nữ hạm trưởng tàu chiến đầu tiên của Nhật Bản

Thứ năm, ngày 14/06/2018 09:33 AM (GMT+7)
Bà Miho Otani, 45 tuổi, đảm trách cương vị thuyền trưởng một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF), nơi chỉ 10 người trong số 220 thành viên thủy thủ đoàn là nữ.
Bình luận 0

Trở thành thuyền trưởng của một tàu chiến Nhật Bản không dễ và mục tiêu này khó hơn nhiều lần với một phụ nữ. Tuy nhiên, quân nhân Miho Otani, 45 tuổi, đã vượt qua mọi thách thức để trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của một tàu khu trục Nhật.

img

Nữ hạm trưởng Miho Otani của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Telegraph

Hạm trưởng Otani chịu trách nhiệm chỉ huy tàu khu trục Yamagiri cùng 220 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có 10 phụ nữ. Hiện tại, có khoảng 2.530 nữ quân nhân trong biên chế 41.774 người của MSDF. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản mong muốn đưa số nữ quân nhân phục vụ trong quân ngũ tăng từ 6 lên 10% trong 15 năm tới.

Vượt qua thách thức để thành công

Lịch sự, điềm tĩnh, tự tin và thân thiện một cách thận trọng, hạm trưởng Otani chia sẻ về hành trình gia nhập MSDF từ 2 thập kỷ trước. “Khi còn là sinh viên, tôi biết về Chiến tranh Vùng Vịnh trên báo chí. Tôi thực sự sốc với những gì đang diễn ra trên thế giới. Nó quá khác biệt với cuộc sống của tôi ở Nhật Bản. Tình yêu với đất nước trỗi dậy trong tôi qua những mẩu tin tức nên khi thấy Học viện Quốc phòng tuyển, tôi đăng ký tham gia”, Telegraph dẫn lời nữ hạm trưởng Otani.

Otani mỉm cười cho biết các bạn nam trong trường không phản đối bà mà chính gia đình ngăn bà vào trường Học viện Quốc phòng. Quá nhiều đàn ông và không phải trường dành cho phụ nữ là những gì mà cha Otani nói với bà để cản con gái theo nghiệp nhà binh. Tuy nhiên, quyết tâm của Otani giúp bà trở thành nữ sĩ quan đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng.

“Tôi không thực sự nghĩ nhiều tới việc được thăng cấp bậc. Tôi cảm thấy mình cần hoàn thành nhiệm vụ và mở đường cho những phụ nữ khác muốn theo nghiệp nhà binh. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm mở các cánh cửa vốn đóng kín với phụ nữ trong quân đội để các nữ quân nhân khác có thể dễ dàng tiếp cận hơn”, Otani chia sẻ.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc phỏng vấn, Hạm trưởng Otani không nhắc tới việc bà và các nữ sĩ quan khác bị phân biệt đối xử thế nào trong MSDF. Kể về lần bị đề nghị thôi việc sau khi kết hôn năm 29 tuổi, Otani khẳng định nó chỉ là động lực để bà chứng minh với đồng nghiệp nam về việc làm việc với phụ nữ cũng không khác gì làm việc với nam giới.

Là mẹ của một cô con gái 12 tuổi và 2 lần kết hôn, Otani nhận thức rõ về những gì phụ nữ phải trải qua để hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ. “Nơi làm việc của tôi là một chiến hạm nên tôi phải xa gia đình trong nhiều tháng. Tôi phải nhờ bố mẹ tới chăm sóc con nhỏ. Thật không dễ khi không có mặt bên cạnh để nuôi dạy con”, Hạm trưởng Otani chia sẻ.

Thuyền trưởng với nhiều cái nhất

Nữ chỉ huy Otani là tấm gương lớn cho các nữ quân nhân trong MSDF. Danh sách những cái nhất của bà trong quân ngũ ngày càng được bổ sung thêm. Otani là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Học viện Quốc phòng Nhật Bản. Năm 2013, bà trở thành nữ quân nhân đầu tiên chỉ huy một tàu khu trực trong huấn luyện trước khi trở thành nữ hạm trưởng đầu tiên của MSDF.

img

 Tàu khu trục Yamagiri số hiệu 152 của MSDF. Ảnh: Telegraph

Bên cạnh vai trò của một người vợ, người mẹ như những người phụ nữ khác, hạm trưởng Otani phải đối mặt với vô số thách thức về nhạy cảm địa chính trị trong khu vực, từ vấn đề căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền tới sự gia tăng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc.

Trả lời Telegraph trong cuộc phỏng vấn trên chiến hạm đang neo đậu tại căn cứ Funakoshi, Yokosuka, Hạm trưởng Otani cho biết con đường binh nghiệp của bà không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Sau khi kết hôn ở tuổi 29, Otani bị một đồng nghiệp nam yêu cầu từ chức. Đây là điều mà nhiều phụ nữ trong xã hội Nhật Bản phải đối mặt trong công việc, bao gồm cả các nữ quân nhân.

Bà Otani cũng cho rằng thái độ của đàn ông Nhật Bản cần phải thay đổi. Chính phủ cũng nên đưa ra những chính sách để giúp phụ nữ làm việc hiệu quả. Nói về mình, hạm trưởng Otani thừa nhận bà đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và chăm lo cho cô con gái 12 tuổi.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm chỉ huy Otani vào cương vị hạm trưởng tàu Yamagiri được coi là bước tiến quan trọng với quân đội Nhật Bản, vốn nổi tiếng khắp thế giới về sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp. Nó cũng được xem là sự bổ sung quan trọng đối với chính sách "womenomics" của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm hồi sinh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thông qua việc hỗ trợ tốt hơn cho phụ nữ tại nơi làm việc cũng như kéo nhiều phụ nữ hơn trở lại đi làm.

PV (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem