Cuộc đọ súng định mệnh và cái chết bí ẩn của cô gái trẻ xinh đẹp (Kỳ 2)

Thứ sáu, ngày 22/12/2017 11:30 AM (GMT+7)
Không ai biết chính xác có chuyện gì xảy ra ở hành lang nhưng Crowley và viên cảnh sát đã nổ súng khá nhiều lần trước khi họ ra đến sảnh tòa nhà.
Bình luận 0

Một nhân viên cảnh sát của thành phố New York tên là Maurice Harlow, 27 tuổi, đang đi bộ một mình ở Đông Harlem đêm 15.1.1925. Anh ta mới kết hôn được 3 tuần. Khi vượt qua ngã tư đường ở số 104 Third Avenue, viên cảnh sát nhìn thấy một chiếc xe tắc xi đang được điều khiển xuống đường rất bất cẩn. Harlow ra lệnh yêu cầu tài xế dừng xe và yêu cầu xuất trình chứng minh thư. Lái xe đó là một người đàn ông sống ở địa phương này tên là John Crowley, 25 tuổi. Cảnh sát không còn lạ gì anh ta bởi anh ta có tới 11 tiền án tiền sự trong vòng 10 năm qua. Crowley đã từng bị truy tố trong vụ giết hại một cô gái 17 tuổi mà người ta tìm thấy thi thể ở cách số 100 Second Avenue một vài căn hộ. Nhưng cuối cùng anh ta được trắng án vì phiên xét xử vắng mặt một nhân chứng quan trọng.

Khi Harlow yêu cầu xuất trình bằng lái xe thì Crowley đã chửi rủa viên cảnh sát trẻ. Harlow quyết định sẽ bắt giữ anh ta và một cuộc vật lộn nổ ra giữa 2 người. Crowley đã cầm gậy tuần đêm của Harlow và đánh Harlow, mọi người xúm đen xúm đỏ lại theo dõi cuộc ẩu đả này. Sau cuộc chiến khốc liệt, Harlow đã thắng thế và còng tay số 8 cho kẻ đang điên cuồng la hét là hắn sẽ trả thù.

“Được rồi! Tao sẽ nhớ mày” Crowley hét lên. “Số của mày là 11181. Tao sẽ còn trở lại để thịt mày”. Ngay ngày hôm sau, John Crowley lại được thả tự do sau khi thanh toán đủ số tiền phạt là 5 đô la. Anh ta lại tự do tự tại nhưng vô cùng khao khát trả thù.

Vào khoảng 10h ngày 21.2.1925, Crowley và vợ là Alice đã tham dự một bữa tiệc sinh nhật tại 1813 Third Avenue. Ngay trong buổi sáng bữa tiệc đã rất ồn ào nên hàng xóm gọi cảnh sát. Người tiếp nhận vụ việc lại là Maurice Harlow. Ngay khi Harlow vào tới cửa, Crowley đã nhận ra. Họ đã tranh cãi vài lời và Crowley rời bữa tiệc, người vợ cũng bị kéo theo. Một vài giây sau, khách trong bữa tiệc đã nghe thấy một những tiếng súng phát ra từ hành lang phía dưới.

Không ai biết chính xác có chuyện gì xảy ra ở hành lang nhưng Crowley và viên cảnh sát đã nổ súng khá nhiều lần trước khi họ ra đến sảnh tòa nhà. Harlow đã bị bắn trúng đạn vào phía sau đầu, ngay sau tai phải. Anh ta còn cố gắng bắn thêm 1 viên đạn trước khi ngã xuống đất. Viên đạn này đã trúng bụng của Crowley. Cả hai người tiếp tục nổ súng ngay khi họ không thể đi trên đôi chân của mình. Trong chốc lát, khi cảnh sát khu vực nghe tiếng súng nổ họ đã đến hiện trường. Khi họ đến, Harlow đã bất tỉnh ngay trước địa chỉ 1810 Third Avenue và tay phải của anh vẫn nắm chặt khẩu súng lục. Cách đó vài ba mét cảnh sát tìm thấy một khẩu súng khác có vết máu trên tay cầm. Vết máu dẫn cảnh sát tới tiền sảnh số 1803 Third Avenue. Cảnh sát tới và tìm thấy John Crowley, hắn đã trúng đạn ở bụng và vợ hắn đang thổn thức ôm hắn trong vòng tay. Họ nguyền rủa cảnh sát mặc dù đang được những người cảnh sát giúp đỡ.

img

Mẩu tin nói về cái chết của John Crowley

Harlow đã được nhanh chóng đưa tới bệnh viện Mt. Sinai nhưng anh đã ra đi vĩnh viễn. Trước khi xe cứu thương đưa anh ta đến phòng cấp cứu thì chàng cảnh sát trẻ đã ngừng thở. Crowley bị bắt và được đưa đến bệnh viện Bellevue trong tình trạng nguy kịch. Alice bị buộc đi theo để làm nhân chứng. Cô ta đã dựng chuyện chồng mình bị cảnh sát Harlow bắn trong khi cô kêu và chờ xe taxi. Tuy vậy, khi biết được rằng Crowley là một tù nhân đang được tha bổng bởi nhà tù bang Elmira thì đám đông đã náo động hẳn lên.

Người đứng đầu nhà tù Elmira, tiến sĩ Frank L. Christian cho biết: “John Crowley là một kẻ tâm thần”. “Đó là lý do tại sao anh ta vẫn được tự do, không có quy định nào cho phép bắt giữ và chăm sóc một kẻ bị tâm thần phạm tội”. Mức án đã có những thay đổi khi tin được đưa lên báo chí, mọi người đã quay ngược lại buộc tội giết người cho Harlow. Vào ngày 10.3, mọi sự tranh cãi vẫn còn tiếp tục khi John Crowley đột nhiên qua đời vì vết đạn bắn. Nhưng câu chuyện rồi cũng dần dần trở nên cũ đi. Cái chết của hắn đã được đưa tin ở cuối trang 12 trên tờ thời báo New York chỉ với 7 dòng tin, tiêu đề là “chết vì bị cảnh sát bắn”. Câu chuyện dần đi vào quên lãng và người ta không còn nhớ tới nó đi khi những tin tức tội phạm gần như ngập tràn trên báo chí hàng ngày.

John Crowley còn có một người em trai đó là Francis, thời điểm diễn ra cuộc đọ súng nó mới 13 tuổi. Nó là một cậu bé mảnh dẻ, nhạy cảm và nhỏ nhắn, nó chỉ cao không quá 1,5 m. Khi anh trai của mình chết đi, cậu bé đã rất đau buồn, chán nản nên sớm bỏ học. Nó sống mới một cuộc sống tẻ nhạt ở số 89 Street với mẹ nuôi của mình. Nó rất ít nói và giao lưu với những người sống quanh mình. Tuy vậy, trong lòng Francis luôn ôm hận và nuôi lòng căm thù sục sôi với cảnh sát, nó vẫn nghĩ rằng cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho cái chết của người anh.

Nó tự hứa với bản thân mình, một ngày nào đó nó sẽ đòi lại tất cả!

PV (Báo Công Lý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem