Thiền sư Thích Minh Thủy chọn cho mình một con đường hoàn lương khá kỳ lạ đó là tu hành khổ hạnh. Sau khi xuống tóc, ông chọn đỉnh núi hiểm trở nhất của Thị Vải (núi Thị Vải, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, TP Vũng Tàu) để ngồi tu. Giờ đây ai cũng biết ông là một thiền sư đắc đạo. Nhưng ít ai biết, trước đó, ông là một “ông trùm” ma túy và cướp bóc với nhiều lần vào tù ra tội.
Thiền sư Thích Minh Thủy muốn mọi người hãy tránh xa tội lỗi như ông từng lún sâu một thời.
Thiền sư Thích Minh Thủy tên thật là Phạm Văn Hưởng, ông sinh năm 1952 ở Thái Bình. Cuộc đời ông trước khi bước vào con đường hoàn lương đầy những vết tích “oai hùng” lẫn những trận đào ngũ và cơn hoan lạc cùng ma túy. Khác với vẻ khắc khổ bên ngoài của mình, ông kể chuyện về cuộc đời và những phút giây lạc lối một cách thân tình và cởi mở. Thiền sư Thủy nhớ lại: “Tôi là con trai cả đồng thời là con trai độc nhất trong gia đình nên được cưng chiều hết mực. Nhà tôi lại có truyền thống hiếu đạo, ngay từ nhỏ cha tôi chỉ một mực dạy đọc sách thánh hiền và học chữ nho”.
Ông Phan Văn Long, một trong những ông đồ hào hoa và có tiếng ở đất Thái Bình khi đó chính là cha của Phạm Văn Hưởng. Tuy nhiên cũng bởi quá đam mê vào nghiệp sách đèn và truyền thụ các kiến thức cho học trò của mình mà cha Phạm Văn Hưởng có chút lơ đễnh để Hưởng dần sa chân vào con đường lầm lạc. Nhớ về những kỷ niệm buồn thời niên thiếu của mình, sư Thủy kể tiếp: “Chỉ vì tôi đua đòi học theo những người bạn xấu chứ cha tôi ngày nào cũng nhắc nhở và dạy dỗ chỉ học mới nên người thôi. Lúc đó, trong một số trường học ở Thái Bình có chia tốp ra chơi, con của nhà giàu thì chơi chung một tốp và thường rất hay trốn học, tôi cũng là thành viên của tốp học sinh hư này”.
Bắt đầu từ những lần trốn học ngượng ngùng, dần dà Hưởng quen chân nên không đi học nữa. Cho đến ngày, nhà trường thông báo kết quả học quá yếu kém của anh, cha anh mới biết. Không thể tiếp tục theo học, lên lớp 9, Hưởng quyết định bỏ học đi lang thang khắp Hà Nội và Thái Bình.
Thiền sư Thích Minh Thủy muốn mọi người hãy tránh xa tội lỗi như ông từng lún sâu một thời.
Là một nhà nho lại không dạy dỗ được con mình, lòng ông Phạm Văn Long đành phải hướng cho Hưởng đi bộ đội. Thế nhưng, cuộc sống rèn luyện trong quân ngũ ông không thể nào chịu được nên đã đào ngũ và gia nhập đội quân lính Ngụy ở Nha Trang (Khánh Hòa). Sau khi gia nhập đội lính này, có sẵn một số tiền “chôm” được của gia đình, Hưởng thả sức hút ma túy.
“Đó là vào khoảng năm 1971, tôi là một chàng trai trẻ, ăn chơi lang bạt từ Bắc chí Nam. Mục tiêu gia nhập lính Ngụy cũng chỉ để thỏa cái trò ăn chơi trác táng đó. Đủ trò, trò nào cũng chán cuối cùng tìm đến thuốc phiện”, ông nhớ lại.
Chẳng mấy chốc, ông thành một người nghiện nặng. Cũng từ đó, ông trượt dài trên con đường sa ngã. Khi hút thuốc phiện hết số tiền mình có sẵn, Hưởng tiếp tục trộm cắp của những người bạn đồng ngũ sau đó ít lâu thì đào ngũ. Bởi đã học được nhiều chiêu trò lưu manh nên ông liên tục thoát khỏi sự truy bắt của đồn lính Ngụy.
Quá đau buồn trước việc đứa con trai độc nhất hư hỏng và bặt vô âm tín, cha ông lâm bệnh nặng và mất ngay trong năm sau đó. Nhận được tin, trong ông cũng có trỗi dậy chút lòng trắc ẩn, ông lầm lũi tìm cách về nhìn mặt cha lần cuối và hứa sẽ quay về lương thiện, không trộm cướp và hút chích nữa. Nhưng lời hứa của Hưởng chỉ để che mặt người chị gái và mẹ già để lấy thêm một khoản tiền lớn. Có tiền trong tay, Hưởng lại tiếp tục lao vào ăn chơi, hút chích.
Vào khoảng năm 1974, Hưởng trở lại khu vực chiến trường miền Nam và tiếp tục hành trình ăn chơi trụy lạc và cướp bóc của mình. Không chỉ cướp của người dân, Hưởng còn liều lĩnh cướp của đồn Ngụy. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, trong một lần cướp của Ngụy, Hưởng đã bị bắt và tuyên án một năm tù.
Mãn hạn tù, gã lại lao vào con đường cũ cướp bóc và lẩn trốn khắp nơi. Lại tiếp tục vào tù nhưng dường như việc ăn cơm tù không còn gì xa lạ hay xấu hổ nữa nên Hưởng thản nhiên đón nhận điều này. Bởi khi đó, cũng có chút tên tuổi trong giang hồ nên khi vào trại giam, những kẻ bất hảo trong trại chẳng những không dám làm gì Hưởng mà còn kiêng nể gã nhiều phần. Được đà nên Hưởng càng tự đắc và cho mình là hay. Nhớ lại những năm tháng đen tối của cuộc đời mình, sư Thủy bộc bạch: "Lúc đó chưa đầy 30 tuổi nhưng giới giang hồ Sài Gòn ngày ấy đều có vẻ rất kiêng nể tôi. Dường như chẳng còn trò gì là tôi không dám làm cả, từ đánh, chém cho đến hút chích và trụy lạc ăn chơi".
Cuộc sống cứ thể trôi qua, ký ức về người cha già trước lúc khuất núi cùng với những lời trăng chối chẳng mảy may động cựa trong suy nghĩ của đứa con hư hỏng. Gã chỉ nghĩ đến việc ngày mai sẽ cướp được bao nhiêu và hút ma túy kiểu gì. Cướp không đủ, trong một vài lần chớp nhoáng về quê, gã còn mang đi tất cả tài sản của chị gái và một vài món đồ cha mẹ mình để lại, tất cả “nướng” vào ma túy. Nhiều lần vào tù ra tội nhưng Hưởng không mảy may run sợ. Sau ngày giải phóng, những năm 1980, Hưởng vẫn là một tay giang hồ cộm cán ở mảnh đất phía Nam này. Hễ ai nghe danh Hưởng "Lỳ” đều khiếp sợ mà tự cống nạp tiền bạc. Vì ăn chơi quá sa đọa nên tiền bạc bao nhiêu đối với Hưởng gã cũng có thể tiêu hết. Lúc này người chị gái của gã ở quê mắc bệnh trầm trọng nhưng vẫn nhớ thương và lo lắng cho đứa em trai độc nhất trong gia đình nên sắp xếp mai mối cho Hưởng một người vợ hiền thục quê miền Bắc. Người vợ này vào ở phục vụ và chiều chuộng Hưởng như một ông hoàng nhưng gã khinh bạc và còn thường xuyên hắt hủi, ngay cả khi vợ đã sinh con cho gã. Sang năm 1982, các băng nhóm ở Sài Gòn nổi lên nhiều, địa bàn hoạt động của Hưởng bị thu hẹp lại nên nguồn thu phi pháp và sự cạnh tranh của gã cũng giảm đi. Lục lại trong ngăn tủ thấy có khẩu súng lục gã tậu được từ ngày trong quân ngũ của Ngụy nên Hưởng nảy ra ý định kêu gọi thêm một đồng bọn tên Trần Phước mở kế hoạch vào trung tâm Sài Gòn cướp. Sau nhiều lần thành công, đến pha cướp của một cặp vợ chồng thương gia thì gã bị sa lưới. Để tẩu thoát, gã đã nổ súng bắn trả lại lực lượng công an. Tuy nhiên, cuối cùng Hưởng cũng phải tra tay vào còng trước lực lượng mạnh và sự truy bắt gắt gao của các cảnh sát.
Không còn được vùng vẫy như xưa, chế độ quản giáo trong nhà tù giờ đây đã nghiêm ngặt nên một tên tội phạm nguy hiểm lại nghiện nặng như Hưởng cũng phải khuất phục. Ấy thế nhưng Hưởng vẫn dự định sau nhiều năm thụ án lần này sẽ tiếp tục ra gây dựng băng nhóm và đi cướp. Những đêm khuya cô đơn lạnh lẽo, người vợ hiền không chịu nổi tính khí của Hưởng đã bồng con đi biệt xứ. Người chị gái và mẹ già cũng đều khuất núi khiến trong lòng Hưởng trỗi dậy nỗi xót xa. Cứ vậy hàng đêm hình ảnh những người thân thương cũng như ánh mắt van nài của người cha già cứ ùa về khiến gã không tài nào ngủ được. Sư Thủy giãi bày: “Trong nhà tù lạnh lẽo. Tôi đã có nhiều tiền án nên bị giam riêng. Đến lúc này mới thấm thía được nỗi cô độc tận cùng. Vốn là một người cũng từng có nhiều năm ăn học và đọc sách, giờ bỗng dưng nghĩ lại thấy vì con đường sa ngã mà mình đã mất tất cả, gia đình, vợ con, cha mẹ. Cơn đau từ những trận đòn trong việc đánh cướp lại cứ nhức nhối không yên khiến cho tâm can càng thêm day dứt. Hầu như chẳng có đêm nào tôi có thể chợp mắt được. Từ nỗi day dứt đó mà tôi trỗi dậy khát vọng hoàn lương. Khi gần mãn hạn tù, nghĩ chẳng còn gia đình thân thích nên tôi quyết định đi tu. Con đường tu hành đầy khổ hạnh đến nay cũng đã vài chục năm".
Trong suốt những năm đó, ngoài việc đi giúp những người dân và vận động ủng hộ của các Phật tử cho những người bất hạnh, thi thoảng Thiền sư Thích Minh Thủy còn xin vào các trại giam để nói chuyện và khuyên nhủ những người lầm lỡ trong đó hãy hoàn lương, hãy nghĩ về gia đình và day dứt như chính những đêm dài day dứt của ông. Bởi đó chính là động lực to lớn nhất để ông từ giã tội lỗi và những sai lầm của mình.
Khác với vẻ hung tợn một thời, giờ đây, khuôn mặt Thiền sư Thích Minh Thủy đã hằn đặc nếp nhăn đầy khổ hạnh, ông bảo còn phải tu và làm việc thiện cho đến chết mới có thể thảnh thơi chuộc lại những lỗi lầm của mình được.
PV (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.