"Nước Mỹ sẽ trở lại Mặt Trăng và chúng tôi sẽ hiện thực hóa sứ mệnh này sớm thôi." - Đó là dòng Twitter của Giám đốc NASA Jim Bridenstine đăng tải hồi tháng 11/2018 khi cơ quan này vừa khởi động chiến dịch tìm lại ngôi vương trên cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên lớn nhất/duy nhất của Trái Đất.
Tuy nhiên, với người Trung Quốc, chiến dịch đã bắt đầu mà không cần khởi động trên Twitter hay mạng xã hội. Vài tháng sau tuyên bố của người đứng đầu NASA, Bắc Kinh đổ bộ thành công tàu thăm dò Chang'e-4 (Hằng Nga 4) lên nửa tối của Mặt Trăng, chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tàu vũ trụ "đặt chân" thành công lên khu vực này.
Thành tựu "vô tiền khoáng hậu" khiến chính Mỹ cũng phải ngạc nhiên này nghiễm nhiên đưa Trung Quốc trở thành đối thủ xứng tầm với Nga và Mỹ khi trở thành quốc gia thứ ba đổ bộ Mặt Trăng, sau Mỹ và Liên Xô.
Trong một cuộc họp của Quốc hội Nga, Phó Giám đốc của Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết: Một cuộc đua lên Mặt Trăng mới trong thế kỷ 21 đã ngấm ngầm bắt đầu giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Sau lần đưa tàu hạ cánh cuối cùng lên bề mặt vệ tinh tự nhiên này năm 1976, Roscosmos khẳng định sẽ tiết lộ kế hoạch tái thám hiểm Mặt Trăng trong vài tháng tới.
01: Tại sao các cường quốc vũ trụ ráo riết đua lên mặt trăng bằng được?
Bay lên Mặt Trăng không rẻ. Chương trình Apollo kéo dài 13 năm (bắt đầu từ năm 1961 với sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn) vẫn giữ kỷ lục về chi tiêu của NASA.
Nghiên cứu về Mặt Trăng có ý nghĩa rất quan trọng đối với khoa học Trái Đất. Khi bước sang thế kỷ mới với những đòi hỏi mới về khám phá không gian, Mặt Trăng lại được ví là "Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ".
Tức là, ở Mặt Trăng chứa những mỏ khoáng sản khổng lồ, là nơi dự trữ nhiên liệu và tài nguyên giống như "trạm xăng ngoài không gian" giúp cho con người Trái Đất có thể khám phá không gian sâu hơn, xa hơn.
Hình ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Luna-27 của Liên Xô. Ảnh: DPA
Giống như Nam Cực, Mặt Trăng không là của riêng ai. Lev Zeleny - Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) cho biết: "Ở Nam Cực, có một luật bất thành văn đó là, nếu nước nào xây dựng một trạm nghiêm cứu tại 1 địa điểm thì hiếm quốc gia nào lại xây 1 cái như thế gần đó. Điều này tương tự như trên Mặt Trăng."
Năm 1979, Liên Hợp Quốc đã thông qua Hiệp ước ngoài vũ trụ, theo đó Mặt Trăng và các khoáng sản của nó là di sản chung của nhân loại, và không ai có thể tuyên bố chủ quyền đối với Mặt Trăng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đó là cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều không phê chuẩn Hiệp ước này.
Vì vậy, tranh chấp tài nguyên dồi dào trên Mặt Trăng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Ví dụ, trữ lượng đồng vị Helium-3 (tài nguyên cực kỳ hiếm và đắt đỏ trên Trái đất) có thể cung cấp cho nhân loại nguồn năng lượng đủ dùng trong ít nhất 250 năm tới. (Đọc chi tiết).
Theo nhận định của Kailasavadivu Sivan, người đứng đầu Ủy ban nghiên cứu vũ trụ quốc gia Ấn Độ, các quốc gia có khả năng đưa Helium-3 từ Mặt Trăng về Trái Đất hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát trong tay nguồn năng lượng hạt nhân "cực sạch" này (Helium-3 không phóng xạ và không tạo ra các thải phầm nguy hiểm trong lò phản ứng nhiệt hạch).
Hơn nữa, rất có khả năng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024, bởi Chính quyền Tổng thống Trump không muốn một mình "gánh" quá nhiều chi phí cho ISS - Khoảng một nửa chi phí hoạt động của ISS là do Mỹ bỏ ra (khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm).
02: Trong cuộc đua với Mỹ, Trung, Nga đối mặt với thực tế khắc nghiệt: Hoặc bay lên mặt trăng hoặc rơi xuống đất!
Trong cuộc đua lên Mặt Trăng, trong khi NASA (của Mỹ) đã có kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng lần nữa và giao ISS cho các công ty vũ trụ tư nhân sử dụng với mục đích thương mại; Trung Quốc có kế hoạch phóng trạm vũ trụ riêng của nước mình vào năm 2020, thì Nga đang đứng giữa ngã ba đường với sự lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc bay lên Mặt Trăng hoặc rơi xuống đất!
"Thực tế cho thấy, các chương trình không gian của Nga đang bị đình trệ. Các sứ mệnh liên tục bị sửa đổi rồi trì hoãn." - Alexander Alexander Shaenko, nhà khoa học tên lửa, nhà đồng phát triển dòng tên lửa vũ trụ Angara cho biết trên Russia Beyond.
Các kế hoạch vũ trụ hiện tại của Nga bao gồm sứ mệnh lần đầu tiên khám phá cực Nam Mặt Trăng, nơi được cho là chứa nước đóng băng dưới bề mặt; đây cũng là khu vực Nga dự định xây dựng căn cứ có người ở tại đây nhằm thực hiện các chương trình khám phá không gian sâu hơn. Tàu thăm dò Luna-27 của Nga sẽ lên đường đổ bộ cực Nam Mặt Trăng vào năm 2020.
Cực Nam Mặt Trăng, nơi được cho là chứa nước đóng băng dưới bề mặt. Ảnh: Mashable India
Nghe có vẻ là một kế hoạch tốt, nhưng vấn đề đã nảy sinh! Bởi kế hoạch ra mắt Luna-25, dự kiến vào năm 2019, đã phải hoãn lại 2 năm. Kết quả là, Nga đã mất đi một đối tác, là Thụy Điển, nước đã sử dụng tên lửa của Trung Quốc để mang thiết bị của mình khám phá vũ trụ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự đình trệ của Nga trong hành trình khám phá không gian đó là nhiệt huyết chinh phục vũ trụ thời Liên Xô đã mất dần sau những đỉnh cao mà những nhà khoa học thế kỷ trước tạo dựng trong cuộc đua vũ trụ với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh (đọc thêm tại đây).
Đã 40 năm kể từ khi một Liên Xô hăng say với những dự án phát triển tên lửa đẩy, tàu vũ trụ để đưa người lần đầu tiên bay ra ngoài không gian, để đưa những con tàu tân tiến nhất thám hiểm các hành tinh trong Hệ Mặt Trời...
Sức mạnh vũ trụ "nhiệt huyết như lửa" mà Liên Xô mang trong mình thời Chiến tranh Lạnh nay nguội dần theo thời gian. Đến mức Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) phải giáng một cú đánh thẳng thắn rằng: Nga bây giờ thua xa cả Mỹ, Trung.
Trung Quốc từ một quốc gia không mấy tiếng tăm trong bản đồ chinh phục không gian nay đã tạo dựng được những nước cờ "chậm nhưng chắc chắn" để tiến dần đến việc "thuộc địa hóa" Mặt Trăng.
"Nếu như trước đây Trung Quốc chỉ sở hữu những công nghệ và chương trình Mặt Trăng bằng với công nghệ của Mỹ và Liên Xô những năm 1960, 1970 thì nay họ đã vượt xa cả Roscosmos của Nga và NASA của Mỹ." - Nhà khoa học tên lửa Nga Alexander Alexander Shaenko thẳng thắn nhìn nhận.
Liệu Nga có thể cải tổ chương trình khám phá Mặt Trăng nói riêng và các sứ mệnh vũ trụ nói chung để không bị tụt lại quá xa trong cuộc đua vũ trụ mới trong thế kỷ 21 này? Hay Nga sẽ bỏ qua Mặt Trăng và dập tắt sức mạnh "quái vật" mà một Liên Xô từng khiến cả thế giới phải trầm trồ, ngưỡng mộ; khiến Mỹ phải giật mình sợ hãi ở thế kỷ trước?
Câu trả lời có lẽ cũng phải trì hoãn sau một thời gian nữa!
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.