Kiệt quệ sau chiến tranh, Đức trỗi dậy thành siêu cường như thế nào?

Thứ năm, ngày 31/10/2019 06:30 AM (GMT+7)
Từ đống đổ nát sau Thế chiến thứ 2, nước Đức đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục khiến cả thế giới phải trầm trồ và đố kỵ, chỉ trong một thời gian rất ngắn. Những yếu tố nào đã giúp người Đức đạt được thành tựu đáng gờm này?
Bình luận 0

Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc năm 1945, nước Đức gần như chỉ còn là một đống đổ nát. Hầu hết cơ sở hạ tầng đều đã bị tấn công hoặc đánh bom bởi quân Đồng minh. Thành phố Dresden bị hủy hoại hoàn toàn. Dân số ở Cologne tụt từ 750.000 xuống chỉ còn 32.000 người. Lượng bất động sản giảm 20%. Sản lượng lương thực chỉ còn bằng một nửa so với mức trước chiến tranh, sản xuất công nghiệp giảm 1/3.

Hầu hết những người đàn ông tuổi từ 18 đến 35, bộ phận dân số có khả năng lớn nhất trong việc gánh vác trách nhiệm tái thiết đất nước, đã hi sinh hoặc bị chiến tranh làm cho tàn phế. Nước Đức thời điểm đó chìm trong một bầu không khí chết chóc, nền kinh tế sụp đổ, vật tư khan hiếm, cuộc sống người dân rơi vào ngõ cụt.

img

Người dân Đức khốn khó hậu chiến tranh

Vậy mà, chỉ đến những năm 1950, Tây Đức đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đến năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất, đất nước này đã trở thành niềm đố kỵ của cả thế giới. Khi đó, Đức là nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản về GDP.

Bước tiến ngoạn mục của Đức từ một đống đổ nát hậu chiến tranh thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới thường được biết đến với cái tên “Phép màu Kinh tế Đức”, hay được người Đức gọi là “Wirtscaftswunder”. Vậy người Đức đã làm thế nào để đạt được thành tựu tưởng chừng như không thể này?

Chính sách kinh tế và khuyến khích lao động

Tây Đức bắt đầu các cải cách kinh tế dựa trên cơ sở chủ nghĩa tư bản do Thủ tướng phe bảo thủ Konrad Adenauer và Bộ trưởng Tài chính Ludwig Erhard dẫn đầu. Năm 1948, ông Erhard đã thay đồng Reichsmark, đồng tiền đã trở nên gần như vô giá trị vì lạm phát lên đến 99% trong chiến tranh, với đồng tiền mới Deutsch Mark. Đi kèm theo đó là sự thiết lập của một ngân hàng trung ương để điều phối tiền tệ.

Gần như qua đêm, Tây Đức đã sống dậy trở lại. Các cửa hàng tràn ngập hàng hóa vì người dân nhận ra đồng tiền mới có giá trị. Việc trao đổi hàng hóa trực tiếp nhanh chóng kết thúc, thị trường chợ đen giải thể. Khi mà thị trường thương mại chập chững hình thành, người dân cũng bắt đầu có động lực để làm việc trở lại.

img

Nước Đức trỗi dậy mạnh mẽ

Vào tháng 5/1948, người Đức vắng mặt ở nơi làm việc trung bình 9,5 giờ mỗi tuần để đi tìm kiếm thức ăn và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, đến tháng 10, chỉ vài tuần sau khi đồng tiền mới được phát hành và các kiểm soát về giá thành được gỡ bỏ, con số này xuống chỉ còn 4,2 giờ mỗi tuần, khi người dân an tâm về giá trị của đồng tiền mình làm ra.

Vào tháng 6 năm đó, tổng sản lượng công nghiệp cả nước chỉ ở mức ½ so với năm 1936. Tuy nhiên đến cuối năm, con số này đã lên gần 80%. Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm hết cỡ, xuống mức kỷ lục 0,7% trong những năm 1960. Từ đó bắt đầu sản sinh ra những đế chế như Volkswagen, Siemens và Thyssen hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phương tiện tự động, điện tử và kỹ thuật, đều được coi là những trụ cột của tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh.

Sự cần cù và kỉ luật làm việc của người Đức

Ngoài những chính sách cải cách từ chính phủ, tăng trưởng kỳ diệu của kinh tế Đức không thể không kể đến công sức của một lực lượng lao động có trình độ, cần cù và tính kỷ luật cao. Vào thời điểm đó, Tây Đức có một lượng lớn lao động lành nghề, một phần do các vụ trục xuất và di cư đã ảnh hưởng đến 16,5 triệu người Đức.

Công việc nặng nhọc và thời gian làm việc dài hết công suất trong bộ phận dân số suốt những năm 1950, 1960 và đầu 1970, và lao động thêm được cung cấp bởi hàng chục ngàn Gastarbeiter ("công nhân khách" – lao động di cư từ các nước châu Âu đến Đức làm việc do tỉ lệ thất nghiệp gần bằng số 0) cũng đã cung cấp một cơ sở quan trọng cho sự bền vững của phát triển kinh tế, với lực lượng lao động bổ sung. Trong một thời điểm mà nền kinh tế khẩn thiết cần đến sức lao động, khái niệm về sự cần cù nổi tiếng một thời của người Đức đã trở lại.

img

Người Đức làm việc chăm chỉ và vô cùng nghiêm túc

Ngoài tính siêng năng, người Đức cũng được biết đến với “kỷ luật thép” và phong cách làm việc chuyên nghiệp, làm hết sức, chơi hết mình. Chính vì vậy, đến những giai đoạn sau này, họ vẫn có năng suất lao động vượt trội so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Người Đức tuyệt đối tôn trọng việc đến đúng giờ. Khi làm việc, họ tập trung hoàn toàn vào công việc mà không ‘tranh thủ’ làm các tác vụ khác. Tại Đức, những email có nội dung riêng tư cũng bị nghiêm cấm sử dụng trong giờ làm việc.

Ngoài ra, người Đức cũng tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo. Họ không bao giờ xuề xoà cho qua vì sẽ hình thành thói quen làm sai, bất cẩn. Được giáo dục từ nhỏ nên người Đức trưởng thành tự khắt khe với bản thân trong công việc để đạt hiệu quả cao, không tốn thời gian vô ích. Người Đức tỉ mỉ, khắt khe, cầu toàn và nghiêm túc tuyệt đối.

Họ luôn có ý thức tuân thủ luật lệ, trong cuộc sống và nhất là trong công việc. Chính vì vậy, những sản phẩm công nghiệp mà người Đức sản xuất ra nổi tiếng luôn đạt đến độ hoàn mỹ cao nhất, bắt nguồn từ sự tỉ mỉ và khắt khe của mỗi người lao động nước này.

img

Sản phẩm công nghệ Đức luôn đạt đến độ hoàn mỹ cao nhất

Anh Thư (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem