Ngôn quan thời Lê sơ - người cực kỳ quyền lực là ai?

Thứ sáu, ngày 29/06/2018 17:02 PM (GMT+7)
Ngôn quan thời Lê sơ có nhiệm vụ giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, từ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện. Chức trách “phải nói” của họ còn là hặc tội những quan viên tham nhũng, lạm quyền, phạm luật, thiếu năng lực…
Bình luận 0

Chức danh rất trọng

Lê Thánh Tông (1460- 1497) khi viết về giới quan liêu, đã từng có lời rằng:

“Chen vai ngõ mận tường đào,

Nối gót đài loan các phụng

Có kẻ đội điêu thuyền nhặt nhặt

Có người vận giải trãi nghênh nghênh”.

Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến quan lại với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, vua Lê Thánh Tông lại đặc biệt chú trọng tới “kẻ đội điêu thuyền” là đội ngũ đại thần đóng vai trò rường cột của nước nhà.

img

Vua Lê Thánh Tông.

Bên cạnh đó là người “vận giải trãi”, một đội ngũ quan viên rất mực quan trọng, là tai mắt của triều đình. Đó là các quan ngự sử thuộc Ngự sử đài. Họ là những người có nhiệm vụ can gián nhà vua không làm những việc sai trái, tố cáo, đàn hặc những sai lầm của quan lại.

Theo Việt Nam văn hóa sử cương của cụ Đào Duy Anh, ngay từ thời nhà Lý, nước ta đã có cơ quan giám sát. Nhà Lý đặt ra quan Tả Hữu gián nghị đại phu, nhà Trần đặt Ngự sử đài, nhà Nguyễn đặt Đô sát viện.

Thời Lê sơ ngay buổi đầu đã thiết lập nên cơ quan Ngự sử đài theo quan chế cũ của nhà Trần. Vai trò của Ngự sử đài là rất lớn. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có ghi: “Ngự sử đài giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng”.

Chức năng của Ngự sử đài cũng thường được gọi là ty Phong hiếu, được vua Lê Thái Tổ xác định ngay từ khi được lập là trình bày, đàn hặc ngay những việc thi hành pháp lệnh hà khắc, thuế khóa nặng nề; thưởng phạt không công minh của nhà vua, hiện tượng không giữ kỷ cương phép nước, ăn của đút, nhũng nhiễu làm hại dân của các đại thần, quan lại trong kinh sư, ngoài các đạo.

Trong dụ gửi Ngự sử đài và giám sát ngự sử 13 đạo của Lê Thánh Tông năm Kỷ Dậu (1789) ghi rõ rằng: “Chức trách của ty Phong hiếu là xét hặc, trước nay đã quy định là phải chia tách để trông coi thì rường mối mới hoàn chỉnh và thành nền nếp.

Kể từ nay các ngươi: những nha môn trong kinh mà cáo giác nhân viên nào tham tang, phạm pháp và hết thảy việc công lợi hại thì do phần ty đó xét hỏi thi hành, nếu là ba ty bên ngoài tự lý dân chúng, khi phát hiện quan lại tham ô hoặc có đơn khống tố về kiện tụng oan ức, cùng tất cả việc riêng tư xảy ra trong phủ, huyện, châu thì do phân ty các đạo xét xử thi hành”.

Phải vô tư mới bắt bẻ người được

Xét tổng thể, Ngự sử đài là cơ quan có trách nhiệm đàn hặc quan lại bàn về chính sự hiện thời. Nếu quan lại làm việc trái phép hoặc chính sự có điều gì thiếu sót thì Ngự sử đài có trách nhiệm tâu bày.

Trong đó, các chiếu chỉ dụ của vua nhà Lê cho Ngự sử đài luôn nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan này trong việc điều tra những quan viên tham ô. Đồng thời cơ quan này còn có nhiệm vụ xét bàn thành tích của các nha môn, Đề lĩnh, Phủ doãn, Trấn thủ, Lưu thủ, Thừa ty.

Lại có quyền xét hỏi các vụ kiện về người quyền quý ức hiếp ở kinh đô, về người cai quản có biểu hiện dựa quyền mà tư lợi cũng như xét cả tiểu sử quan lại. Như vậy là chức trách, nhiệm vụ của Ngự sử đài là rất lớn trong hệ thống chính quyền nhà Lê sơ.

Một người từng làm ở Ngự sử đài thời Lê Thánh Tông là Đô ngự sử Bùi Xương Trạch đã từng nêu rõ tầm quan trọng của ty Phong hiếu: “Đài này là nơi rường mối của nước, tai mắt mọi người ở đó, phải vô tư mới bắt bẻ người được, phải giữ mình đúng đắn mới chấp hành hiến pháp”.

(còn nữa)

Chí Đức (Khoa học & Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem