Khi đứa bé ra đời, Grover Cleveland sử dụng uy thế chính trị của mình để buộc đứa bé phải vào trại mồ côi, còn bà Maria Crofts Halpin thì vào… viện tâm thần!
Cho đến nay, vụ việc nêu trên vẫn là vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ…
Đứa con rơi
Xế trưa ngày 21-7-1884, chiếc điện thoại trong Phòng Tin tức của tờ Buffalo Evening Telegraph, trụ sở đặt tại thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ, reo vang. Nhấc máy lên, nhân viên trực nghe thấy giọng nói của một phụ nữ: "Chào ông. Tôi là Maria Crofts Halpin. Tôi muốn gặp phóng viên của báo. Có chuyện rất quan trọng liên quan trực tiếp đến ông Grover Cleveland, thống đốc bang New York, người đang ra tranh cử tổng thống Mỹ…".
Bức hí họa trên tờ Buffalo Evening Telegraph về ứng cử viên tổng thống Grover Cleveland.
4 tiếng sau, phóng viên Will Rapbe đến điểm hẹn. Trong bài báo của mình, Rapbe viết: "Đó là một phụ nữ tuổi đã xấp xỉ 50 nhưng vẫn còn rất xinh đẹp, quyến rũ, với mái tóc đen và đôi mắt đen sâu thẳm. Qua vài câu chào hỏi, bà ấy đi thẳng vào câu chuyện của mình…".
Theo lời Maria Crofts Halpin, năm 1873, lúc bà vừa tròn 38 tuổi và đang là nhân viên bán hàng tại một tiệm bách hóa ở Buffalo, New York thì sự cố xảy ra: "Tối 15-12-1873, trên đường đến dự tiệc sinh nhật của một bạn gái thì tình cờ tôi gặp ông Cleveland trên phố Swan. Ông tự giới thiệu mình là cử nhân luật, hiện làm việc tại một văn phòng luật rồi ngỏ ý muốn làm quen với tôi. Thấy ông ấy ăn nói lịch thiệp nên tôi cho ông ấy số điện thoại…".
Vẫn theo Maria Crofts Halpin, Cleveland đã tán tỉnh bà suốt nhiều tháng. Một tối, ông mời bà đi ăn tại nhà hàng Ocean Dining Hall & Oyster House. Bà kể tiếp: "Trong bữa ăn, Cleveland kiên trì chinh phục tôi bằng những lời lẽ "có cánh". Sau đó, ông ta đề nghị được tiễn tôi về nhà trọ và tôi đã nhận lời".
Đến nhà trọ, theo phép lịch sự, bà Halpin mời ông Cleveland vào phòng nhưng khi vừa bước vào phòng, Cleveland nhanh tay khóa chốt cửa rồi dùng sức mạnh cưỡng bức Maria Crofts Halpin. Lúc mọi việc đã xong và lúc nghe Halpin nói sẽ báo cảnh sát, Cleveland cười nhạt: "Cô cứ báo đi. Cô chỉ đáng 10.000USD thôi cô em ạ".
Sáu tuần sau, Maria Crofts Halpin nhận ra là mình đã có bầu. Ngay lập tức, bà tìm gặp Cleveland tại văn phòng luật của ông nhưng ông thẳng tay đuổi bà ra khỏi cửa. Bà kể: "Trong gần 1 năm, tôi sống rất cơ cực. Tiệm bách hóa nơi tôi làm buộc tôi phải nghỉ vì những cơn ốm nghén đã khiến tôi không còn đủ sức khỏe. Chủ nhà trọ cũng không cho tôi thuê phòng vì tôi liên tục nợ tiền. Tôi tồn tại được là nhờ vào lòng tốt của bạn bè dẫu rằng không ít người chê tôi ngu dại vì không chịu làm cho ra chuyện…".
Ngày 14-9-1874, Maria Crofts Halpin hạ sinh một bé trai trong một bệnh viện dành riêng cho những bà mẹ đơn thân ở thành phố Buffalo. Đứa bé được đặt tên là Oscar Folsom Cleveland. Khi Oscar đã được 1 tháng tuổi, Halpin điện thoại cho Cleveland - thời điểm này Cleveland là quận trưởng cảnh sát quận Erie - yêu cầu ông "phải nhìn nhận Oscar là con ông trước khi sự việc trở nên tồi tệ".
Tuy nhiên, sự "tồi tệ" với Cleveland đâu chưa thấy, mà chỉ thấy bằng vị trí quyền lực của mình, Cleveland cử 3 người đại diện đến gặp Maria Crofts Halpin. Trong cuộc gặp, họ yêu cầu Halpin phải tự nguyện ký đơn cho con trai mình vào Trại nuôi trẻ mồ côi Buffalo Orphan, còn bà thì phải chuyển đến sống ở thị trấn Niagara Falls cùng với một khoản tiền "hỗ trợ". Nếu Halpin từ chối, mẹ con bà sẽ "biến mất vĩnh viễn".
Quá sợ hãi, Maria Crofts Halpin đồng ý nhưng khi Oscar đã được đưa đi, bà bỗng thấy hối hận. Kể lại với phóng viên Will Rapbe của tờ Buffalo Evening Telegraph, bà nói: "Tôi đến Trại nuôi trẻ mồ côi Buffalo Orphan rồi lợi dụng những người chăm sóc không để ý, tôi bế con tôi trốn ra ngoài"; nhưng chỉ vài ngày, cảnh sát đã tìm ra nơi Maria Crofts Halpin và Oscar ẩn náu.
Một lần nữa, Oscar lại phải trở vào Trại Buffalo Orphan. Bà Halpin kể tiếp: "2 hôm sau, có mấy cảnh sát và một nhân viên y tế đến gặp tôi. Họ bảo rằng người ta tố cáo tôi mắc bệnh tâm thần. Mặc cho tôi phản đối, họ vẫn cưỡng bách tôi phải vào Bệnh viện Providence Lunatic, là nơi chuyên điều trị cho những người điên".
Theo Tiến sĩ William McCommick, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Providence Lunatic, sau nhiều lần hội chẩn, ông cùng các bác sĩ đều có chung nhận định: "Bà Maria Crofts Halpin bị đưa vào viện mà không hề có một quyết định nào của cảnh sát hay tòa án. Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra, bà ấy rất tỉnh táo, trí nhớ rất tốt mặc dù theo lời bà thì bà thường xuyên uống rượu. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện kết luận bà ấy mắc chứng "onomania" (một thuật ngữ Y học hồi thế kỷ 19 để mô tả những người uống rượu quá mức, dẫn đến những xung động không kiểm soát).
Sau 3 ngày, vì không có lý do chính đáng để giữ Maria Crofts Halpin ở lại, Bệnh viện Providence Lunatic thả bà ra. Bà nói: "Lập tức, tôi đến trại mồ côi để tìm con mình thì mới hay Oscar đã được một gia đình khác nhận về nuôi. Từ đó tôi chẳng bao giờ còn gặp lại nó nữa".
Cha đứa trẻ có phải là Tổng thống Cleveland?
Ngay sau khi bài báo về vụ Maria Crofts Halpin được tờ Buffalo Evening Telegraph và nhiều tờ báo khác đăng tải, một số nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng Hòa lập tức mở những cuộc tấn công chính trị nhắm vào uy tín của ứng cử viên tổng thống Cleveland. Thậm chí có cả một bài hát được sáng tác và được phổ biến rộng rãi với tựa đề: "Mẹ ơi mẹ! Ba con đâu rồi - Mama, mama, where're my Pa"; chưa kể tờ Buffalo Evening Telegraph còn cho đăng một bức biếm họa, trong đó bà Maria Crofts Halpin sụt sùi nức nở, bế Oscar trên tay, trước mặt là ông Cleveland. Oscar vừa khóc vừa nói: "Con muốn ba - I want my Pa".
Ông Grover Cleveland khi còn là cử nhân Luật và bà Maria Crofts Halpin.
Về phía những cố vấn của ứng cử viên tổng thống Cleveland, do không thể bác bỏ những lời cáo buộc, họ đành bào chữa rằng "Cleveland và Halpin đã quen nhau hợp pháp, vì thời điểm đó, Cleveland là người độc thân, còn Maria Crofts Halpin thì nổi tiếng là khá phóng khoáng trong tình cảm. Và mặc dù không chắc chắn rằng Oscar là con của ông Cleveland nhưng Halpin vẫn đặt tên cho đứa bé theo họ ông để buộc ông phải chịu trách nhiệm". Chưa hết, những người ủng hộ ông Cleveland còn cho rằng việc Halpin quen ông Cleveland chỉ là một "trò chơi tình dục", và "Maria Crofts Halpin còn thân mật với ít nhất 3 - hoặc có thể là 4 người đàn ông đã có gia đình, tất cả những người này đều là bạn của ông Cleveland".
Charles Utter, một người ủng hộ ông Cleveland nói: "Câu chuyện về vụ bê bối của ông Cleveland cơ bản là không trung thực. Nó gần như là chuyện cổ tích. Maria Crofts Halpin không phải là kẻ đần độn vì bà ta là góa phụ, là mẹ của hai đứa con. Bà ta biết cách để bi kịch hóa đời mình…".
Để đáp lại bài hát "Mẹ ơi mẹ! Ba con đâu rồi - Mama, mama, where're my Pa" nhằm chế giễu ứng cử viên tổng thống Cleveland, những người thuộc đảng Dân Chủ lập tức cho ra đời bài hát: "Nhà Trắng. Ha ha ha! - White House. He he he!" (Nhà Trắng là nơi ở và làm việc của các đời tổng thống Mỹ).
Ngày 31-10-1884, trả lời phỏng vấn của tờ Chicago Tribune, Maria Crofts Halpin nói bà đã liên lạc với Milo A. Whitney, một luật sư nổi tiếng ở Buffalo để nhờ ông này khởi kiện Cleveland ra tòa với tội danh cưỡng hiếp và bắt cóc. Luật sư Whitney cho biết: "Bà Halpin đã gặp tôi để hỏi ý kiến tôi về các thủ tục liên quan đến tố tụng. Bà khẳng định Grover Cleveland đã vạch ra vụ bắt cóc con trai bà và thuê một số người để thực hiện bằng biện pháp bạo lực…".
Ngay sau cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Maria Crofts Halpin và luật sư Whitney, anh rể bà từ New Jersey đến Buffalo để trợ giúp bà. Tiếp theo, họ cung cấp cho Whitney một số tài liệu chứng minh vụ bắt cóc cũng như việc Halpin bị cưỡng bách phải vào viện tâm thần.
Sau nhiều cuộc dàn xếp, Cleveland đồng ý cấp dưỡng cho Halpin 500USD để nuôi con vì lý do nhân đạo, chứ không thừa nhận Oscar là con ruột mình. Trả lời phỏng vấn của tờ Chicago Tribune - rằng theo lời ông Cleveland thì bất kỳ một người đàn ông nào cũng có thể là cha của Oscar - bà Halpin nói: "Ông ấy đã xúc phạm tôi nặng nề. Không còn gì để nghi ngờ rằng ông ấy không phải là cha của Oscar. Những nỗ lực của ông ấy nhằm chứng minh cái tên Oscar Folsom Cleveland là tên của một người khác, đơn giản chỉ là sự giả dối".
Khi vụ bê bối chính trị liên quan trực tiếp đến ứng cử viên tổng thống Cleveland bùng nổ trên các tờ báo, hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng ông Cleveland có một phần lỗi. Viết cho tờ Buffalo Evening Telegraph vào mùa thu năm 1884, mục sư Henry W. Crabbe thuộc Giáo hội Trưởng lão của thành phố Buffalo đã lên án ông Cleveland bằng những lời lẽ khá nặng nề: "Tôi xin lỗi khi nói rằng ông ta là một người đàn ông háo sắc, và đó là sự sỉ nhục đối với bang New York mà ông ta là thống đốc. Tôi chân thành tha thiết cầu nguyện rằng Cleveland sẽ không là tổng thống tiếp theo của chúng tôi. Cuộc sống của Cleveland đã tiết lộ bản chất thật của ông ta. Câu chuyện này rồi sẽ bị quên lãng vì ảnh hưởng chính trị nhưng ông ta không bao giờ có thể bác bỏ nó".
Và đúng như lời mục sư Henry W. Crabbe, cuối cùng mọi chuyện bỗng dưng chìm vào im lặng khi Grover Cleveland thuộc Đảng Dân chủ thắng cử và trở thành tổng thống thứ 22 của nước Mỹ, một trận thắng rất sát sao ở khu vực bầu cử quyết định là bang New York, ông Cleveland chỉ hơn đối thủ của mình là James G. Blaine thuộc đảng Cộng hòa 2.000 phiếu.
Về phía Oscar Folsom Cleveland, khi Cleveland đã trở thành tổng thống, không ai còn nhắc đến anh nữa. Trước đó, một gia đình lúc nhận Oscar làm con nuôi, họ đã đổi tên anh thành James E. King Jr. rồi cho anh theo ngành Y. Trở thành một bác sĩ sản phụ khoa, Oscar làm việc tại Bệnh viện Buffalo và qua đời vào năm 1894 vì chứng xơ gan do nghiện rượu.
Với bà Maria Crofts Halpin, vài năm sau khi Cleveland trở thành tổng thống, bà tái hôn với một người đàn ông làm nghề môi giới chứng khoán. Theo tờ Buffalo Evening Telegraph, cuộc sống của bà Halpin khá u ám cho đến khi bà chết vào năm 1902. Trong di chúc, Maria Crofts Halpin viết: "Đám tang của tôi không nên tổ chức công khai, cũng đừng để mọi người nhìn mặt tôi lần cuối vì đó là khuôn mặt của một xác chết. Hãy để tôi nghỉ ngơi trong yên lành…".
Riêng Grover Cleveland, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, năm 1892, ông lại được đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức tổng thống lần thứ hai. Đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa là nguyên Tổng thống Harrison, ông Cleveland trở thành thổng thống thứ 24 của nước Mỹ…
Vũ Cao (theo History) (An Ninh Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.