Thời đại Hùng Vương (Phần 1): Thần thoại về nhà nước Văn Lang

N.V.T Thứ ba, ngày 04/04/2017 14:30 PM (GMT+7)
Thời đại Hùng Vương tuy đã được dày công nghiên cứu nhưng huyền thoại và lịch sử vẫn còn hòa quyện vào nhau. Hiện nay, các bằng chứng khảo cổ học tuy phần nào xác minh một số vấn đề lịch sử trong thời đại này nhưng các vấn đề còn lại vẫn dựa trên một số “gợi ý” từ huyền thoại. Với các ý kiến dưới đây, tác giả mong muốn phác thảo một cái nhìn toàn cảnh hơn về thời đại vẫn còn mang màu sắc huyền thoại này…
Bình luận 0

Các huyền thoại “gợi mở” sự thành lập nhà nước Văn Lang

Theo các huyền thoại được phản ánh trong dân gian và trong sử sách như “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Lĩnh Nam chính quái”, “Việt sử tiêu án”, “Ngọc phả đền Hùng”…, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc), đóng tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ cưới Long Nữ, con gái Động Đình Quân và sinh ra Lạc Long Quân. Điều này được kể lại như sau: “Ngày xưa ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương có tài đi dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng sinh được một trai đặt tên là Sùng Lãm cũng đi dưới nước như đi trên cạn, nối nghiệp cha, lấy hiệu là Lạc Long Quân”. Do đó, sử cũ thời phong kiến có chép nước Việt ta được khai lập vào đời Kinh Dương Vương, năm Nhâm Tuất (2879 tr.CN), tính đến nay là được hơn 4000 năm lịch sử.

img

Bên cạnh đó cũng cần để ý đến bài đồng dao “Chi chi chành chành. Cái đanh thổi lửa. Con ngựa chết trương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ú tim bắt được. Ù à ù ập!”. Giáo sư Lê Quang Châu đã giải mã bài đồng dao như sau: Chi chi là chi nọ (trong một tộc họ) nối chi kia. Chành chành là nếu không có chi kế tiếp thì “chành” sang họ trực hệ hoặc đồng tông. “Cái đanh thổi lửa” là biểu hiện thời cổ xưa có ông Toại Nhân dùng dùi đá lấy lửa. “Con ngựa chết trương” là hình ảnh chuyện nhân vật Hiên Viên phản vua Thần Nông, giết vua và mười bốn người, cướp ngôi, tự xưng chính mình là hậu duệ, phạm vào lời nguyền “Bắc Nam không xâm phạm nhau”, gây nên cảnh “người và ngựa chết trương đầy đồng nội”. “Ba vương Ngũ đế”, nói trước về ngũ đế là năm vị tổ của Kinh Dương Vương gồm Đế Thiên (Phục Hy), Đế Thích (Thần Nông), Đế Khôi (Viêm Đế, viêm là lửa), Đế Tiết (Hoàng Đế, vị vua đã phạm lời nguyền), Đế Thức (Thần Đế). Ba vương là ba vua anh em ruột dòng dõi Đế Thức: Vua Minh, vua Lai và vua Long Cảnh. Vua cả tên Minh đã đặt tên nước ta thời ấy là Xích Quỷ, xích là đỏ, màu lửa để chỉ rằng đây là dòng dõi của Viêm Đế, quỷ là một trong 28 ngôi sao, tượng trưng phương nam (không phải quỷ là ma quái). “Chấp chế đi tìm” kể từ Ba vương ngũ đế đã chấp nhận đi tìm một thể chế để có thể xây dựng cơ đồ bền vững. “Ú tim bắt được”, bắt được chế độ liên hiệp trăm họ lại, tạo dựng nên nhà nước Văn Lang. “Ù à ù ập” là tán thán từ tỏ dấu hiệu vui mừng. Như vậy, bài đồng dao trên cũng đã gợi ý được rằng con dân nước ta có nguồn gốc từ họ Thần Nông. Ngay cả dân tộc Hán của Trung Quốc với câu “Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc” (tức Thần Nông dạy dân trồng ngũ cốc) cũng xem họ Thần Nông là dân tộc phát minh ra nghề làm ruộng, chế ra cày bừa, nghề làm thuốc trị bệnh. Chính vì vậy, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.

Ngoài ra, Giáo sư Vũ Đức Vượng, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt từng nhận định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long, do đó, trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”. Nhân đây tác giả cũng xin bàn luận về huyền thoại này. Bởi, như Giáo sư Vượng đã chỉ ra: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”.

Như chúng ta đã biết, các sử sách đều chép sau này Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh được trăm trứng nở trăm con. Nhưng Lạc Long Quân đã nói rằng: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”.

Một điều đáng suy ngẫm là trước khi chia tay Âu Cơ, Long Quân cũng đã từng chia tay với con dân Lĩnh Nam của mình để về sống với mẹ ở Động Đình hồ. Đến lúc Đế Lai xâm lược và cai trị Lĩnh Nam tàn bạo, Long Quân mới quay về đánh đuổi quân xâm lược. Như vậy, việc Long Quân không thể “sống được lâu dài trên cạn” chính là do lối sống mẫu hệ quy định. Có lẽ với nguyên tắc mẫu hệ nên Long Quân phải về ở với tộc người của mẹ, tức tộc người sống ở ven biển, hải đảo. Nhưng việc Long Quân quyết định chia tay Âu Cơ chứ không phải là điều ngược lại, Âu Cơ chia tay Long Quân, chứng tỏ tại thời điểm chia tay chế độ thị tộc phụ hệ đã bắt đầu được xác lập và đẩy lùi quyền lực mẫu hệ.

Bên cạnh đó, trước khi kết duyên với Âu Cơ và sinh ra trăm con Bách Việt, Long Quân là vị vua của vùng đất Lĩnh Nam. Theo truyền thuyết, Long Quân đã có nhiều chiến công hiển hách như: diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh và đẩy lùi sự xâm lược của Đế Lai đến từ phương Bắc. Ngoài các chiến công đó, Long Quân còn có công dạy cho người dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ và đề ra quy tắc ứng xử cha con, vợ chồng.

Cần nhìn nhận sự việc này như thế nào? Theo người viết, đó là việc Đức Long Quân đã để lại cho những đứa con của mình những tiền đề để thành lập một quốc gia độc lập và tự chủ trên đất Lĩnh Nam.

Thứ nhất, việc đẩy lùi được sự xâm lược của Đế Lai đã bảo vệ được vị thế của những cư dân bản địa ở vùng đất Lĩnh Nam và tạo ra sức mạnh vượt trội về quân sự của cư dân vùng đất này đối với các cư dân ở những vùng đất xung quanh. Trên thực tế, với sự lớn mạnh của các tộc người phương Bắc thì việc “đồng hóa” hay “diệt chủng” các tộc người phương Nam là điều rất có thể xảy ra. Long Quân đã giúp người Lĩnh Nam ý thức được tương lai của mình ngoài tầm phạm vi lãnh thổ cư trú. Đây là tiền đề rất quan trọng để xuất hiện nhà nước ở phương Đông. Như cách nói của Các Mác (Karl Marx), nhà nước phương Đông bị “đẻ non” do làm thủy lợi cộng đồng và cố kết cộng đồng trước họa ngoại xâm. Việt Nam lại càng đặc thù về “lực đẩy” chống ngoại xâm và làm thủy lợi.

Thứ hai, việc Đức Long Quân đi tuần du khắp nơi, tiêu diệt các “loài quái vật” thực chất là việc khai hoang, san rừng lấp bể để mở rộng cương vực của những cư dân bản địa vùng Lĩnh Nam. Đây là một tiền đề quan trọng để thiết lập đúng nghĩa về cương vực một quốc gia. Bởi cương vực quốc gia cổ đại thường được thiết lập thông qua việc khai hoang hoặc viễn chinh, đóng quân đội thường trú.

Thứ ba, việc Long Quân lấy Âu Cơ, người phương Bắc (vì Âu Cơ là con của Đế Lai) và sinh con đẻ cái chứng tỏ đã có sự giao thoa, học hỏi văn hóa giữa các vùng miền, phá vỡ tính cục bộ địa phương của từng bộ lạc ở vùng đất Lĩnh Nam. Trên thực tế Văn Lang sau này là sự thống nhất của 15 bộ lạc vốn từng chia rẽ ở vùng đất này. Sự giao thoa văn hóa để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau là một lực đẩy quan trọng để các bộ tộc nhanh chóng tích lũy được các nhu cầu về việc phân công lao động xã hội. Từ đó nảy sinh sự phân chia giai cấp, đối kháng quyền lợi và xuất hiện Nhà nước.

Theo người viết, việc “phân chia” con cái hay việc chia tay với Âu Cơ chính là việc phân chia các cư dân theo địa vực cư trú, “dấu hiệu” đầu tiên của sự hiện tồn Nhà nước. Dù chỉ là hình thức sơ khai nhất, phân chia giữa miền núi và miền biển. Nói rõ hơn, phân chia miền núi, miền biển tuy chỉ mới “chia hai” nhưng đã chứng tỏ một sự thật là: thị tộc (huyết tộc) đã không còn là sự lựa chọn ưu tiên cho cuộc sống và lao động sản xuất của cư dân vùng Lĩnh Nam. Chính sự giao lưu giữa các vùng miền kéo theo hôn nhân, hợp tác sản xuất đã vượt ra khỏi phạm vi địa vực của chế độ thị tộc làm cho xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Việc Long Quân quyết định mọi việc chứng tỏ thời điểm này là thời mạt kỳ của chế độ thì tộc mẫu hệ. Thậm chí có thể đã là thời kỳ hưng thịnh của thị tộc phụ hệ. Đây là một dấu hiệu tha hóa quyền lực, người phụ nữ bị tước mất quyền lực, tiền đề cho Nhà nước phụ quyền xuất hiện.

Tài liệu tham khảo:

Lê Thái Dũng (2010), Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Viện Khảo cổ học: Hùng Vương dựng nước, Tập I- 1970, Tập lI-1972, Tập III-1973, Tập IV - 1974.

Nguyễn Khánh Toàn: Về thời kỳ bắt đầu dựng nước: Hùng Vương - An Dương Vương - Văn Lang - Âu Lạc. Vai trò của khảo cổ học trong việc soi sáng những vân đề thuộc giai đoạn ấy, Tạp chí KCH số 1, 1969.

Nguyễn Lương Bích: Lạc Việt, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân là tổ tiên người Việt chúng ta hay là tổ tiên chung của nhiều dân tộc khác, Tạp chí NCLS số 56, 11-1963.

Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập T1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Phạm Huy Thông: 30 năm soi sáng thời các vua Hùng dựng nước, Tạp chí KCH số 3, 1984.

Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. Văn học , Hà Nội, 1988.

Trần Quốc Vượng - Đỗ Văn Ninh: Thời An Dương Vương trong quan hệ với thời Hùng Vương, Tạp chí KCH số 9-10, 1971.

Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương, Tạp chí KCH số 7-8, 12.1970.

Trần Quốc Vượng: Nhân đẩy mạnh nghiên cứu văn minh thời các Vua Hùng: Về những nhân tố tự nhiên, dân số, kỹ thuật. ý thức trong văn minh nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí KCH số 2 - 1983.

 Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960.

 Vũ Tuấn Sán: Truyền thuyết về Thánh Gióng, Tạp chí NCLS số 106, 1.1968.

(Còn nữa)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem